Tháo “điểm nghẽn” trong chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy phát triển kinh tế Thủ đô
Sáng nay, 28/6, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII khai mạc Hội nghị lần thứ 8, xem xét, cho ý kiến về một số nội dung quan trọng.
Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong.
Dự hội nghị có đại diện một số cơ quan trung ương; Các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thành ủy viên; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, tổ chức, cơ quan, đơn vị; Bí thư các quận, huyện, thị ủy và đảng ủy trực thuộc Thành ủy Hà Nội.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu khai mạc hội nghị |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng gợi mở, định hướng một số nội dung trọng tâm để Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố tập trung thảo luận.
Chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể
Trong đó, về giải ngân vốn đầu tư công, Bí thư Thành ủy cho biết: Sau gần 6 tháng triển khai thực hiện, kết quả giải ngân vốn đầu tư công toàn thành phố, tính đến ngày 16/6/2022 đạt rất thấp, chỉ bằng 17,4% kế hoạch giao và thấp hơn mức trung bình của cả nước. Trong đó, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn thực hiện các nhiệm vụ, dự án đầu tư cấp thành phố chỉ đạt 14,5% kế hoạch, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn thực hiện các chương trình, dự án đầu tư cấp huyện đạt 19,9%.
Vì vậy, Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, thẳng thắn chỉ rõ nguyên nhân, nhất là các nguyên nhân chủ quan có tính căn cơ; Trên cơ sở đó, xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể.
Đồng thời, đề xuất các giải pháp, nhất là các giải pháp có tính đột phá cho các “điểm nghẽn” có tính chủ quan trong chỉ đạo điều hành giải ngân vốn đầu tư công của các cấp, các ngành; Đặc biệt, cần thảo luận, cho ý kiến kỹ về phương án điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2022 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2022, Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu cho ý kiến thẳng thắn về những tồn tại, hạn chế, những vấn đề cần rút kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành cả ở cấp thành phố và cấp quận, huyện, thị xã; Việc giải quyết những vấn đề dân sinh cấp bách như phòng, chống dịch bệnh; Bảo vệ môi trường, quản lý và khai thác đất đai, tài nguyên, khoáng sản; Vấn đề cấp thoát nước, chống úng ngập cho Thủ đô, chống ùn tắc giao thông; Quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng đô thị...
Các đại biểu thông qua chương trình hội nghị |
Về phân cấp quản lý Nhà nước giữa các cấp chính quyền địa phương của thành phố Hà Nội, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, đây là nội dung rất quan trọng, tác động trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại các quận, huyện, thị xã nói riêng và thành phố nói chung.
Để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, ổn định, lâu dài của quy định về phân cấp, ủy quyền trên địa bàn thành phố, Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, bàn và đánh giá một cách thực chất những mặt được, mặt chưa được, tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện phân cấp, ủy quyền trong thời gian qua.
Trên cơ sở đó đề xuất các nội dung, lĩnh vực, nhiệm vụ cần đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cũng như các thủ tục hành chính có thể ủy quyền cho chính quyền địa phương trên tinh thần cấp nào, địa phương nào làm tốt hơn, hiệu quả hơn, thuận lợi và kịp thời hơn thì giao cho cấp đó nhằm phục vụ tốt nhất đời sống dân sinh và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn
Về Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, Dự thảo Chương trình đã được Ban cán sự đảng UBND thành phố xây dựng công phu, bài bản theo đúng quy trình, quy định; Đã lấy ý kiến của Bộ Xây dựng và ý kiến phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội; Đã tiếp thu ý kiến của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy để hoàn thiện dự thảo trình Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, bàn kỹ, cho ý kiến cụ thể về các nội dung trên để Ban cán sự đảng UBND thành phố tiếp thu, hoàn thiện Chương trình trước khi trình HĐND thành phố thông qua theo thẩm quyền.
Quang cảnh hội nghị |
Ban hành Chương trình hành động xứng tầm vị trí, vai trò Thủ đô
Về dự thảo Chương trình hành động của Đảng bộ thành phố thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu kỹ, tập trung thảo luận, cho ý kiến cụ thể về kết cấu, nội dung Chương trình hành động đảm bảo bao quát đầy đủ và cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được nêu tại Nghị quyết số 15của Bộ Chính trị.
Đồng thời phải gắn với các mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng lớn, khâu đột phá và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được nêu tại Nghị quyết Đại hội 17 của Đảng bộ yhành phố, 10 Chương trình công tác của Thành ủy và tình hình thực tiễn.
Các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến thiết thực về dự kiến danh mục các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ, đề án phân công cho các cơ quan, đơn vị thực hiện, thời gian triển khai, thời gian hoàn thành, đảm bảo Chương trình khi ban hành phải xứng tầm với vị trí, vai trò của Thủ đô như Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị đã nêu, đúng với thực tiễn của thành phố và khả thi trong tổ chức thực hiện
Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, những nội dung trình Hội nghị Ban chấp hành đảng bộ thành phố lần này là những nội dung có ý nghĩa hết sức quan trọng, quyết định đến sự phát triển của Thủ đô chúng ta, không chỉ trong năm 2022, trong nhiệm kỳ này mà cho nhiều năm tiếp theo.
Đồng chí đề nghị các các đại biểu dự hội nghị nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, tập trung nghiên cứu, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, xác đáng để hoàn thiện các Tờ trình, Báo cáo, Chương trình, Dự thảo Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp.