Thanh niên sẽ dùng mạng xã hội để lan tỏa cách sống đẹp
Sử dụng mạng xã hội làm phương tiện bảo vệ Đảng Xây dựng thế trận an ninh Nhân dân trên không gian mạng Cảnh giác lừa đảo bình chọn cuộc thi vẽ tranh trên mạng xã hội |
Tại buổi đối thoại của đồng chí Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội với thanh niên Thủ đô, chị Bùi Phương Nga, Á hậu 1 cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2018 đặt câu hỏi: "Hiện nay, có rất nhiều bạn trẻ đang nổi lên là các hiện tượng trên không gian mạng như youtuber, idol tiktok... với việc review, giới thiệu quảng bá các nét đẹp văn hóa của Thủ đô Hà Nội.
Tuy nhiên bên cạnh những video chất lượng có tính định hướng tốt đẹp thì có những nội dung lại mang tính tiêu cực, ảnh hưởng đến tâm lý trong Nhân dân đặc biệt là giới trẻ.
Vậy trong thời gian tới UBND thành phố, các sở ngành có liên quan có cơ chế nào để khuyến khích các cá nhân này cũng như thắt chặt quản lý đối với các cá nhân có những nội dung không phù hợp với cộng đồng"?
Chị Bùi Phương Nga, Á hậu 1 cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2018 đặt câu hỏi tại buổi đối thoại |
Trả lời về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Việt Hùng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đánh giá cao sáng kiến của người dân trong việc sử dụng mạng xã hội để lan tỏa cách sống đẹp, hành vi đẹp và những tư tưởng đẹp đến với đông đảo mọi người trong đó có lớp trẻ.
Lấy ví dụ về phim "Đào, phở và piano" được thực hiện bởi ngân sách nhà nước và được Tiktoker Giao Cùn review, lan tỏa trên mạng xã hội, thu hút công chúng, đưa bộ phim lan tỏa xa hơn và đang trở thành hiện tượng, hiện đang là phim tham dự giải Oscar danh giá, đồng chí Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh về vai trò của những người nổi tiếng với việc quảng bá văn hóa Thủ đô.
Bên cạnh đó, vẫn còn những trường hợp sử dụng mạng xã hội để lan truyền những thông tin, hình ảnh không được đẹp. Đồng chí Nguyễn Việt Hùng cho biết thời gian qua việc đấu tranh với những thông tin xấu, độc lan truyền trên mạng xã hội không đơn giản. Đầu mối tại Việt Nam là Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông đã rất nỗ lực và quyết liệt với vấn đề này.
Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã phối hợp rất chặt chẽ với Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan làm việc với các trang mạng xã hội gỡ rất nhiều những tin bài xấu, độc.
Đồng chí Nguyễn Việt Hùng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội giải đáp câu hỏi tại buổi đối thoại |
2 năm vừa qua, chúng ta đã gỡ khoảng gần 4000 tin bài có nội dung xuyên tạc, trái với pháp luật của Việt Nam trên các mạng xã hội. Tháng 6/2022 Sở đã kí biên bản ghi nhớ hợp tác chặt chẽ với Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử trong công tác đấu tranh để các mạng xã hội phải gỡ hết các thông tin xấu độc, trái với pháp luật Việt Nam, ảnh hưởng đến người dân. Bên cạnh đó Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cũng tham mưu Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội ban hành nhiều kế hoạch để đưa những thông tin tích cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu.
Đó là việc đưa lên Cổng thông tin điện tử Chính phủ nhiều thông tin kịp thời, tích cực về thành phố Hà Nội với nhiều cách giật tít, đưa tin hấp dẫn.
Nhiều báo chí của Hà Nội cũng có những cách làm hay như triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội của báo Nhân dân để lan tỏa hình ảnh đẹp và lịch sử hào hùng của Thủ đô, hội tụ sự quan tâm của đông đảo công chúng.
"Cùng với các hình thức truyền thông đa phương tiện, báo chí cũng góp phần lấy cái đẹp dẹp cái xấu, mang đến những cái hay, cái đẹp để bạn đọc thưởng thức và tìm hiểu. Tin rằng, những thông tin tốt đẹp, tích cực, chính thống, lành mạnh sẽ lan truyền một cách mạnh mẽ hơn thông qua mạng xã hội để đông đảo tầng lớp Nhân dân trong đó có thanh niên được tiếp cận và định hướng hành vi, ý thức của mình.
Đồng thời, thanh niên Hà Nội sẽ sử dụng mạng xã hội một cách thông minh, có chọn lọc để lựa chọn cho mình những thông tin lành mạnh, hữu ích, lan tỏa những điều tốt đẹp về Hà Nội và cuộc sống", đồng chí Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh.