Thanh niên Bá Thước khởi nghiệp thành công với mô hình du lịch homestay
Bức tranh du lịch ấn tượng xứ Thanh
Trước kia, nhiều bản làng trên vùng đất khắc nghiệt nơi miền Tây xứ Thanh luôn phải chật vật trong cái đói nghèo. Những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, bản Đôn đã khoác lên trên mình “tấm áo mới”, tươi sáng hơn.
Với nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa đặc sắc, Bá Thước đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch. Trong đó, hạt nhân là du lịch cộng đồng nhằm tạo sinh kế bền vững và nâng cao thu nhập cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số.
Để ngành “công nghiệp không khói” phát triển bền vững, huyện đang tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở; cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh nhằm kêu gọi các nhà đầu tư lớn góp phần tạo nên bức tranh du lịch thực sự ấn tượng nơi miền Tây xứ Thanh.
Với lợi thế thiên nhiên sẵn có, Pù Luông tập trung khai thác, chào bán các sản phẩm nghỉ dưỡng vùng núi, du lịch sinh thái núi, du lịch cộng đồng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông và hình thành một số sản phẩm du lịch mới như: Tuyến du lịch sông Mã, du lịch lòng hồ thủy điện Bá Thước II, du lịch mạo hiểm khám phá hang động, đỉnh Pù Luông, đi bộ xuyên rừng…Khu du lịch homestay tại Bản Đôn, xã Thành Lâm, huyện miền núi Bá Thước, Thanh Hóa |
Để phát triển sản phẩm du lịch toàn tỉnh, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Đề án "Phát triển du lịch cộng đồng huyện Bá Thước đến năm 2020, tầm nhìn 2030". Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương đã chọn 2 làng du lịch cộng đồng của huyện làm sản phẩm OCOP điểm của Trung ương, gồm: Dự án xây dựng công viên tre luồng và chuỗi du lịch sinh thái Pù Luông tại các làng du lịch cộng đồng ở xã Thành Sơn và Cổ Lũng.
Từ khi được khuyến khích làm du lịch cộng đồng, cuộc sống của các hộ gia đình tại vùng núi phía Tây Thanh Hóa được nâng lên. Mô hình phát triển du lịch này vừa giúp người dân loại bỏ được những hủ tục; Giữ gìn, phát huy nét đẹp truyền thống văn hóa ông cha truyền lại, từ đó giúp họ có được thu nhập cao hơn so với việc đi rừng làm nương. Nhiều thanh niên trẻ lập nghiệp ở xa nay đã trở về, khởi nghiệp du lịch cộng đồng và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Điểm độc đáo thu hút đông đảo du khách tới nơi đây chính là các bản làng vẫn đang bảo tồn, khai thác được giá trị văn hóa đặc sắc để phát triển du lịch nghỉ dưỡng sinh thái. Mặc dù dịch bệnh Covid-19 xuất hiện và đã tác động tiêu cực đến tất cả các lĩnh vực, trong đó có ngành Du lịch, song Bá Thước vẫn đạt được những kết quả tích cực. Lượng khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng trên địa bàn huyện vẫn tăng khá so với cùng kỳ. 6 tháng đầu năm 2021, huyện Bá Thước đã đón 19.860 lượt khách, tăng 26,7% so với năm 2020.
Khai thác lợi thế phát triển mô hình nghỉ dưỡng sinh thái homestay
Từ mảnh đất quê hương giàu tiềm năng, anh Hà Văn Thược (sinh năm 1989), trú tại Bản Đôn, xã Thành Lâm, huyện miền núi Bá Thước (Thanh Hóa) đã chọn khởi nghiệp bằng cách làm kinh tế du lịch.
Năm 2015, sau khi biết thông tin UBND huyện Bá Thước đang phát triển du lịch tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, anh quyết định phát triển du lịch dựa vào vẻ đẹp sinh thái để xây dựng mô hình khu nghỉ dưỡng homestay trên 1,2ha đất nông nghiệp của gia đình.
Để thực hiện mô hình này, anh vay người thân và ngân hàng 140 triệu đồng, dựng nhà bằng tre, luồng, lợp mái bằng lá cọ. Tuy nhiên, khi mới đi vào hoạt động, khu nghỉ dưỡng chỉ có 4 phòng 8 giường, sức chứa còn thấp.
Anh Hà Văn Thược tại khu nghỉ dưỡng sinh thái homestay của gia đình |
Không nản chí, chàng trai trẻ vẫn kiên trì vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm, tích luỹ thêm vốn liếng để mở rộng, quảng bá khu du lịch giúp nhiều du khách biết đến hơn. Mỗi khi có khách, anh luôn tiếp xúc với họ để nắm bắt sở thích, phục vụ chu đáo, thăm hỏi, đưa đến những địa điểm du lịch lý tưởng trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Nhờ đó, lượng khách đến nghỉ dưỡng đã dần tăng lên.
Từ năm 2017 đến nay, khu nghỉ dưỡng được đầu tư khang trang, thái độ phục vụ tận tình, cùng những món ăn dân dã do gia đình anh nấu, khách nước ngoài đến khu sinh thái ngày càng đông, hiện lên tới gần 300 lượt khách mỗi tháng. Những đợt cao điểm từ tháng 3 đến tháng 8, khu nghỉ dưỡng của gia đình anh Thược luôn trong tình trạng "cháy" phòng.
Khu vực bể bơi vô cực trở thành điểm check-in yêu thích của các du khách |
Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Thược còn giúp đỡ các đoàn viên, thanh niên khác và truyền đạt kinh nghiệm trong phát triển kinh tế từ mô hình khu nghỉ dưỡng sinh thái của mình.
Theo anh Hà Quý Tôn, Phó Bí thư Đoàn xã Thành Lâm, toàn xã có nhiều thanh niên đang phát triển mô hình homestay, trong đó có anh Hà Văn Thược. Anh Thược luôn tích cực tham gia các hoạt động Đoàn, sẵn sàng giúp đỡ và hỗ trợ người nghèo. Anh là tấm gương tiêu biểu cho thanh niên các xã vùng cao dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đi đầu trong phát triển kinh tế, làm giàu tại quê hương.
Anh Thược đã xây dựng thành công mô hình khu nghỉ dưỡng sinh thái homestay tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông với thu nhập 400 triệu/năm và tạo việc làm cho rất nhiều thanh niên địa phương với mức lương 4-5 triệu/người/tháng.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhiều tháng dài, cơ sở phải tạm dừng đón khách. Tuy nhiên, trong thời gian ngừng đón khách, cơ sở thường xuyên duy trì việc kết nối, quảng bá du lịch tới các du khách có nhu cầu tham quan, khám phá bản sắc văn hóa, ẩm thực của đồng bào dân tộc sau khi dịch bệnh ổn định.