Thanh Hóa ra công điện khẩn trương ứng phó bão số 4
Nhiều tàu thuyền của ngư dân TP Sầm Sơn được đưa lên bờ để tránh bão số 4
Nội dung công điện nêu rõ, vào 4h, ngày 16/8, vị trí tâm bão cách Móng Cái 210 km, cách Thái Bình 320 km, cách Vinh 450 km. Sức gió mạnh nhất gần tâm bão cấp 9, giật cấp 11. Dự báo trong 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây - Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10 km; đến 4 giờ ngày 17 - 8, vị trí tâm bão ở khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc, 106,9 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 8, cấp 9.
Từ này đến ngay 18/8, tại Thanh Hóa có khả năng mưa đặc biệt to, lượng mưa từ 400 đến 500 mm/đợt. Các sông trên địa bàn tỉnh sẽ xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ từ 3 đến 6m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên sông Bưởi có thể lên mức báo động 3 và trên báo động 3; vùng thượng lưu sông Mã có khả năng lên mức báo động 3… Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét ở khu vực miền núi, ngập úng ở các vùng trũng thấp.
Nhiều tàu thuyền của ngư sân TP Sầm Sơn được đưa lên đường phố để tránh bão số 4 |
Nhằm chủ động ứng phó với cơn bão số 4, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các địa phương, giám đốc các sở, ban, ngành cấp tỉnh, các công ty thủy lợi, điện lực…Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, thông tin cảnh báo kịp thời để chủ động triển khai các biện pháp phòng, tránh, ứng phó có hiệu quả.
Nghiêm cấm các tàu thuyền ra khơi. Tổ chức, hướng dẫn sắp xếp tàu thuyền neo đậu bảo đảm an toàn; tuyệt đối không để người ở lại trên các tàu thuyền, lồng bè và chòi canh nuôi trồng thủy sản; Tại các huyện miền núi, kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, thông báo cho người dân để chủ động phòng tránh và kiên quyết sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Các công việc trên phải hoàn thành trước 18 giờ ngày 16/8.
Đối với các hồ xung yếu có cửa van, điều tiết hạ thấp mực nước để bảo đảm an toàn; riêng hồ Cửa Đạt, yêu cầu Công ty TNHH MTV Sông Chu theo dõi chặt chẽ lượng mưa về hồ để quyết định vận hành xả nước hồ dưới cao trình + 105m…Kiểm tra, triển khai các biện pháp gia cố bảo đảm an toàn hệ thống đê điều; đặc biệt là các trọng điểm xung yếu, các sự cố do đợt mưa lũ trước chưa được khắc phục.
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu. Hoãn tất cả các cuộc họp, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai ứng phó bão số 4.
Sáng nay, hồ Cửa Đạt (huyện Thường Xuân) đã bắt đầu xả lũ với lưu lượng 50m3/s. Đến đầu giờ chiều nay, cả 5 cửa đã được mở xả với lưu lượng 1000m3/s.
Hồ Cửa Đạt đã bắt đầu xả lũ từ sáng ngày 16/8 để đảm bảo việc điều tiết khi lượng mưa lớn đổ về |
Hồ Cửa Đạt có dung tích thiết kế 1,45 tỷ m3, chiều cao thân đập 118 m, ngoài nhiệm vụ cắt giảm lũ cho hệ thống sông Chu còn tưới, tạo nguồn cho 86.862 ha cây trồng.
Toàn tỉnh Thanh Hóa có 610 hồ chứa. Trong đó có 490 hồ đã đầy nước, 124 hồ chứa không đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ; 40 công trình trọng điểm về đê điều.
Các trọng điểm về hồ đập và đê điều đều đã được triển khai thực hiện phòng chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ, sẵn sàng sơ tán khoảng hơn 7.000 hộ dân sinh sống ở khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất.
Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Thường trực BCH PCTT & TKCN.