Thanh Hóa: Nhiều hộ dân “bỗng dưng” mất đất khai hoang
Người dân bức xúc khi đất khai hoang và canh tác 30 năm nay bị cấp cho nhà văn hóa phố 7 một cách thiếu minh bạch.
Bài liên quan
Bắt giam cán bộ BQL dự án vì sai phạm trong đền bù
Theo đơn phản ánh của 4 hộ dân gồm gia đình ông: Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Thị Vinh, Nguyễn Thị Hoa, Phạm Ngọc Lâm, (trú tại khu phố 7, phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa): Năm 1989, 4 hộ cùng nhiều hộ dân khác về đây sinh sống và khai hoang đất trồng cây lâm nghiệp ổn định cho đến nay. Diện tích các hộ dân này khai hoang nằm cạnh nhà văn hóa khu phố 7, phường Bắc Sơn và được Xí nghiệp truyền giống cư trâu bò số 5 ký hợp đồng sản xuất và bảo vệ lâm - nông nghiệp (nay là Công ty thức ăn gia súc Thanh Ninh). Bên canh đó, lãnh đạo qua các thời kỳ của khu phố cũng xác nhận diện tích đất thực tế nhà văn hóa khu phố 7 từ khi xây dựng và các điểm giáp ranh với đất của các hộ dân.
Năm 2011, khi cơ quan chức năng về đo đạc để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) đã không mời những hộ dân có đất giáp ranh, lãnh đạo khu phố ra thực tế để ký xác nhận. Vì vậy GCNQSDĐ nhà văn hóa khu phố 7 cấp năm 2014 đã chồng lấn lên đất của các hộ dân đã khai hoang, sử dụng ổn định từ năm 1989. Cụ thể: Đất của nhà văn hóa khu phố 7 cấp chồng lấn lên đất của hộ bà Nguyễn Thị Vinh là: 484m2 (diện tích này đã trồng 1 vườn keo từ năm 2000, trồng đợt 3); chồng lấn vào diện tích của hộ ông Phạm Ngọc Lâm là: 500 m2 (diện tích này trồng keo và vải, trồng đợt 3 năm 1991); chồng lấn vào diện tích hộ bà Nguyễn Thị Hoa khoảng 700m2 (diện tích này trồng vải từ năm 1991).
Hợp đồng sản xuất và bảo vệ nông – lâm nghiệp giữa người dân và Xí nghiệp truyền giống trâu bò số 5. |
Sự việc trên được người dân phát hiện khi ông Phạm Ngọc Thời (nguyên trưởng khu phố 7 năm 2007 – 2012) có đơn khiếu nại. Đoàn thanh tra của thị xã Bỉm Sơn về đo đạc và căn cứ vào bản đồ năm 2011 để giải quyết thì tất cả những hộ dân trên mới biết đất của gia đình cấp đã được cắt cho nhà văn hóa từ khi nào chẳng ai hay biết? Các hộ dân cùng với lãnh đạo khu phố đã kiến nghị với đoàn thanh tra. Tuy nhiên, thanh tra thị xã Bỉm Sơn lại kết luận: “Đất của các hộ dân chuyển nhượng trái quy định của pháp luật”. Việc Thanh tra ra kết luận như vậy đã gây ra nhiều bức xúc. Đặc biệt khi các hộ dân gửi đơn kiến nghị lên UBND thị xã Bỉm Sơn thì ông Lê Văn Thường - Chánh Thanh tra thị xã có thái độ ép dân rút đơn, bỏ ngoài tai những vấn đề mà nhân dân đã trình bày một cách thực tế.
Ông Nguyễn Đình Thi bức xúc cho biết: Năm 2014 tôi có mua lại vườn keo của gia đình bà Nguyễn Thị Vinh đã trồng được 14 năm tuổi, mục đích để khai thác gỗ. Sau khi Thanh tra thị xã về làm việc, đo đạc, tôi mới tá hỏa biết diện tích vườn keo tôi mua đã được cấp cho nhà văn hóa phố 7 từ năm 2014. Khi chúng tôi có ý kiến thì Đoàn thanh tra lại kết luận: “Đất của chúng tôi chuyển nhượng trái quy định của pháp luật”. Chúng tôi yêu cầu UBND thị xã Bỉm Sơn làm rõ, trả lại đất cho các hộ dân.
Trong khi bà Nguyễn Thị Vinh gay gắt nói: đất gia đình khai hoang từ năm 1989 và có hợp đồng sản xuất và bảo vệ lâm - nông nghiệp với xí nghiệp truyền giống cư trâu bò số 5 (thuộc Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam, Bộ NN&PTNT, nay là Công ty thức ăn gia súc Thanh Ninh). Tại sao khi đo đạc cấp GCNQSDĐ cho nhà văn hóa, cơ quan chức năng không mời chúng tôi ra thực địa. Trong khi đất tôi khai hoang từ khi còn chưa có nhà văn hóa, lãnh đạo các thời kỳ cũng đo đạc, ký xác nhận đất của nhà văn hóa hiện chỉ có diện tích khoảng 2.000m2 .
Ông Lê Duy Thư – Bí thư chi bộ khu phố 7 từ năm 2012-2018, phường Bắc Sơn cho biết: Tôi được bầu làm Bí thư chi bộ năm 2012, năm 2014 cơ quan chức năng cấp GCNQSDĐ nhà văn hóa khu phố 7 tôi không được biết. Năm 2012, tôi cùng 7 trưởng khu phố qua các thời kỳ đã tiến hành đo đạc lại hiện trạng của nhà văn hóa từ khi được hình thành. Diện tích khoảng 2000m2 và cắm mốc giới. Những hộ dân kể trên khai hoang, canh tác đất từ năm 1989 thì người dân trong phố đều biết.
Hiện trạng nhà văn hóa khu phố 7 từ khi được thành lập đến nay. |
Về vấn đề trên, ông Lê Văn Thủy – Cán bộ địa chính phường Bắc Sơn cho biết: Theo sổ mục kê năm 1997 thì đây là diện tích đất của Nông trường Hà Trung. Tôi cũng vừa luân chuyển về phường được vài năm nên nguồn gốc đất cũng không nắm rõ. Còn việc các hộ dân kể trên khai hoang từ năm 1989 sẽ có người dân làm chứng. “Về nguyên tắc, kể cả khi cấp GCNQSDĐ cho các hộ gia đình cũng phải mời các hộ giáp ranh xem có chồng lấn, tranh chấp không và ký vào biên bản” – ông Thủy nói.