Tháng 5 – Nhớ nước Nga
Ngày 22/12/1991 dân chúng ở thủ đô Moscow mang theo quốc kỳ Liên bang Nga khổng lồ trên Quảng trường Đỏ |
Thoáng thế mà đã tháng 5 rồi. Cũng gần nửa năm trôi qua rồi. Chỉ còn mấy hôm nữa đến ngày Chiến thắng Phát xít. Dù bây giờ lại đang nhen nhúm hình thành chủ nghĩa phát xít mới. Vì thế, chiến thắng phát xít càng có ý nghĩa thời sự hơn bao giờ hết. Dù lịch sử có biến thiên thế nào thì loài người vẫn phải biết ơn nước Nga, có phải thế không, ông Trần Đăng Khoa?
Đúng vậy. Còn nhớ cách đây hơn chục năm rồi, VTV1 có chương trình truyền hình trực tiếp THẦY TRÒ XÔ VIỆT, dài đến gần ba tiếng đồng hồ mà người xem vẫn không thấy dài. Hấp dẫn. Cảm động. Ấn tượng. Đấy là cảm giác chung của hàng ngàn cựu lưu học sinh Liên Xô có mặt trong hội trường Mỹ Đình và hàng triệu khán giả ngồi trước màn ảnh nhỏ hôm ấy. Chương trình rất ám ảnh. Tốp phóng viên rất giỏi, lại được chuẩn bị khá công phu.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn thấy tiếc, vì nhiều thầy cô và những cưụ học sinh nổi tiếng, trong đó có không ít người đang giữ những trọng trách của đất nước, lại không có mặt. Còn nhiều chuyện rất hay mà chưa được dãi bày. Thêm nữa, chương trình rất hoành tráng nhưng cũng chỉ là chuyện THÀY TRÒ XÔ VIỆT. Còn nhiều thày trò ở các nước khác trong khu vực Đông Âu nữa chứ. Có lẽ vì thế mà gần đây xuất hiện một cuốn sách khá đặc biệt. Người viết nó không phải là các nhà thơ, nhà văn, mà đều là các “tay ngang”. Họ không viết văn, mà chỉ thật thà kể chuyện. Đời có thế nào thì kể như thế. Và rồi vô tình, họ lại dựng được một “bảo tàng” sinh động, lưu giữ những vẻ đẹp đang bị mất đi.
Ông vừa nói người dựng lên “cái bảo tàng văn chương” lại không phải các nhà thơ, nhà văn. Vậy họ là ai?
Là các nhà khoa học, các nhà quản lý, thậm chí những người lao động bình thường, rất xa lạ với công việc chữ nghĩa. Khi đã ở 50, 60, cái tuổi không còn trẻ nữa, thảng hoặc có người đã chếch sang phía bên kia của con dốc đời người, họ mới bắt đầu kể về thời trẻ, về cái TUỔI THANH XUÂN… khi họ không còn thanh xuân nữa. Mọi chuyện đều rất thật. Có cảm giác họ cứ xẻ từng mảng đời sống tươi ròng được cất giữ trong ký ức mà vật lên trang giấy. Không hư cấu, không dàn dựng. Vậy mà lại xúc động. Xúc động cũng bởi nó thật. Rất thật. Cả những chuyện riêng tư, thầm kín của một đời người. Những bí mật không dễ phát lộ ở một thời đói khổ, bần hàn. Rồi những chuyện vui vui. Cả những chuyện cười ra nước mắt. Và rồi kỷ niệm của họ lại đánh thức tiếp những ký ức trong tôi và những ai từng học ở nước Nga và sống ở các nước Đông Âu.
Tôi sang du học Nga sau họ 5 năm. Thời tôi sang là năm 1987, khi ấy, Nước Nga đã bắt đầu khó khăn. Tôi còn nhớ ông thầy của tôi. GS.TS. I. Kunhitxưn. Ông là giáo sư triết học, nhà giáo công huân Liên Xô. Buổi lên lớp nào của ông, giảng đường cũng đông nghịt người. Rất nhiều học viên các năm trước cũng xuống nghe lại. Vì bài giảng của ông luôn có nhiều thông tin mới. Tri thức trong ông luôn bổ sung. Trang giáo án luôn mở. Nó không phải là cái khuôn đã đóng cứng. Một thời ông bị dị nghị, rồi còn bị ngồi tù vì đã nói thật, nói thẳng điều cảnh báo về những bất cập của chủ nghĩa xã hội Xô viết. Những bất cập ấy, nếu không khắc phục thì tất yếu sẽ dẫn đến sự sụp đổ.
Khi M. Gorbachev lên nắm quyền, nhờ công cuộc đổi mới, ông được ra tù và trở lại giảng đường. Lúc bấy giờ M. Gorbachev có uy tín lắm. Không ít người coi ông như Lênin tái thế. Nhà văn I. Bônđarev kêu lên: “Cái bi kịch của nhà nước chúng ta là phải dạy những người quá giỏi, nuôi những cái bụng quá no và may sắm cho những người có quá nhiều quần áo đẹp”. Ca tụng Nhà nước Xô viết đến như vậy, quả cũng là tài lắm. Giáo sư I. Kunhitxưn không có được cái nhìn lạc quan như thế. Ngay từ những ngày ấy, ông cũng lại cảnh báo rằng, cuộc “cải tổ” của M. Gorbachev sẽ “thành công” ở nhiều nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới, nhưng chính M. Gorbachev thì sẽ thất bại thảm hại. Nếu ông ta không bị bắn thì cũng ngã ngựa giữa đường.
Ngày 25/12/1991, Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev tuyên bố từ chức, qua đó, Liên Xô tan rã |
Theo Giáo sư, tất cả các cuộc cách mạng đều sẽ thành công. Vì cái tốt, cái tiến bộ, văn minh sẽ thay thế cái cũ, cái lạc hậu. Nhưng chính những người khởi xướng cuộc cách mạng ấy đều phải bị trả giá và đều hứng chịu nỗi bi thảm nặng nề, không ai thoát được, kể cả vị Lãnh tụ Thiên tài, V.I Lê Nin. Sau này, tôi thấy đúng như thế. Người ta giật đổ không ít tượng V.I. Lê Nin ở chính nước Nga và ở hầu hết các nước Đông Âu.
Sống ở nước Nga, tôi biết nước Nga cũng rất khó khăn. Dân Nga cũng nghèo lắm. Mùa đông, có gia đình hai mẹ con chỉ có một cái áo bành tô để thay nhau ra đường. Mátxcơva hàng hoá có khá hơn, nhưng chỉ ra đến ngoại ô, đời sống cũng đã chật vật, hàng hoá khan hiếm. Rồi trì trệ. Nhìn đâu cũng thấy xếp hàng. Suốt ngày xếp hàng. Mua gì cũng phải xếp hàng. Có khi xếp hàng đến mấy lần chỉ để mua một cái bánh mì hay một cân thịt. Xếp hàng chọn thực phẩm. Xếp hàng thanh toán tiền. Rồi xếp hàng nhận thực phẩm đã được lựa chọn. Thật có lý khi Tổng thống V. Putin cho rằng: “Ai không nhớ thời Xô Viết thì đó là người không có tim, nhưng ai lại muốn trở lại thời Xô Viết thì người đó lại không có đầu”.
Tuy nhiên thế, chẳng ai nghĩ chủ nghĩa xã hội Xô Viết lại có thể sụp đổ ngay trên chính mảnh đất quê hương của nó. Và tôi cũng không ngờ mình lại là người trực tiếp chứng kiến cái giây phút thay đổi kinh hoàng ấy. Hôm M. Gorbachev đọc lời thoái vị, tôi có mặt tại Quảng Trường Đỏ. Đó là đêm ngày 25/12/1991. Khi ấy, dù trời lạnh 32 độ âm, nhưng Quảng Trường Đỏ vẫn đông nghịt người, trong đó có rất nhiều cựu chiến binh, những anh hùng Xô Viết ngực đeo đầy Huân chương. Có người còn mang theo radio, để nghe M. Gorbachev đọc lời thoái vị trong Điện Kremlin. Hàng chục ngọn đèn pha với công suất lớn dọi loà loà lên nóc Điện. Vào đúng 0 giờ, một cái bóng nhỏ xíu như cái tăm nhoè xuất hiện trên nóc Điện Kremlin, rồi sau đó lá cờ Liên Xô rơi xuống sân Hồng Trường như một chiếc lá úa, và thay vào đó là lá cờ của nước Nga thời Nga Hoàng.
Liên Xô tan rã đã khiến cho cuộc sống của nhiều người Nga bị bần cùng hóa. |
Rất nhiều người Nga đã khóc, trong đó có rất nhiều các cựu chiến binh. Rồi sau đó là bạo loạn. Người ta nổ súng vào Nhà Trắng – Nhà Quốc hội Nga. Rồi biểu tình. Rồi người ta bắn nhau trên đường phố. Thày hiệu trưởng khuyên chúng tôi, nếu không có việc gì thì không ra đường. Bao nhiêu cửa hàng vẫn mở nhưng không có hàng hoá. Ngay cả những người giàu trí tưởng tượng cũng không thể hình dung, đất nước Xô Viết, niềm tin yêu của chúng ta lại có những tháng ngày ảm đạm như thế. Rồi nước Nga sẽ ra sao? Bao xương máu của một thời chẳng lẽ đều vô nghĩa?
- Đúng là không thể tưởng tượng được…
Vào một một ngày xao động “không thể tưởng tượng được” như thế, tôi tìm đến nghĩa trang Danh nhân, nơi yên nghỉ của nhiều bậc thiên tài và những nhà cách mạng lỗi lạc. Người đầu tiên tôi đến thăm nhà văn Cách mạng nổi tiếng thế giới N. Oxtoroxky, cha đẻ của tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” với nhân vật trung tâm là Paven Cosaghin. Tôi ngạc nhiên khi thấy trên mộ ông, nơi có mô hình khẩu súng và chiếc mũ sắt cùng chữ ký của ông vẫn chất đầy hoa tươi. Mùa đông, hoa rất đắt. Ngày thường, 7 rup một bông hồng. Những ngày binh biến, 35 rup một bông. Vậy mà mộ ông phủ ngập hoa hồng. Ngỡ như ông vừa mới nằm xuống. Người thứ hai tôi đến thăm là Dôi A.
Trên mộ là bức tượng toàn thân nữ anh hùng trong tư thế bị trúng đạn. Tôi cũng ngạc nhiên khi quanh mộ chị cũng chất đầy hoa. Các em nhỏ còn dắt kẹo vào tay tượng chị, rồi thắt khăn quàng đỏ cho những cây tùng, cây bạch dương đứng bên mộ chị như những người lính gác. Hoá ra nhân dân vẫn không quên những người anh hùng, những chiến sĩ cách mạng chống phát xít. Hoá ra quá khứ vẫn đang mở ra. Quá khứ không ở sau lưng mà vẫn ngời sáng ở trước mặt. Và những vẻ đẹp của một thời vẫn còn mãi, còn mãi mãi…
Cảm ơn ông!