Thái độ, kiến thức và kỹ năng, chìa khóa để người trẻ làm việc trong môi trường số
Thông qua bảo tàng, di tích: Người trẻ tìm về văn hóa, lịch sử Hà Nội |
Chiều 17/3, Diễn đàn “Tiếng nói tuổi trẻ - Hành động của Đoàn” được Ban Bí thư Trung ương Đoàn tổ chức để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các bạn đoàn viên, thanh niên, các em thiếu nhi; Đồng thời trao đổi với thanh thiếu nhi về nững vấn đề các bạn trẻ hiện nay đang quan tâm.
Nâng cao năng lực số
Diễn đàn diễn ra sôi nổi với các câu hỏi được bạn trẻ gửi tới chương trình. Bạn Nguyễn Mạnh Ninh, đoàn viên chi đoàn Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh quan tâm đến vấn đề chuyển đổi số, nhất là hình thành con người số.
Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy trả lời câu hỏi của các bạn trẻ |
Trước sự quan tâm này, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy cho rằng, muốn chuyển đổi số cần có những con người làm trong môi trường số. Có hai yếu tố quan trong xây dựng “con người số” là nhận thức số và năng lực số.
Nhận thức số đóng vai trò rất quan trọng, vì chuyển đổi số có tính chất phá hủy, thay đổi hoàn toàn phương thức làm việc cũ. Nếu nhận thức không đúng vai trò của nó thì không có quyết tâm để thực hiện thay đổi.
“Thái độ, kiến thức và kỹ năng giúp chúng ta làm việc được trong môi trường số. Vai trò của tổ chức Đoàn và tổ chức khác là cần tạo môi trường để bạn trẻ phát triển kỹ năng số đó. Từng đoàn viên thanh niên cần có ý thức tham gia vào quá trình chuyển đổi số và tự nâng cao năng lực số là điều rất quan trọng. Cả Đoàn Thanh niên và đoàn viên, thanh niên cùng làm thì sẽ thực hiện quá trình chuyển đổi số tốt được”, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy chia sẻ.
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy cũng thông tin, hiện Trung ương Đoàn đang xây dựng đề án “Nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên Việt Nam giai đoạn 2023 - 2030” trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu hỗ trợ thanh thiếu niên nâng cao nhận thức, thái độ; Trang bị kiến thức, kỹ năng phục vụ giao tiếp xã hội, học tập, nghiên cứu, giải trí, làm việc, khởi nghiệp sáng tạo... trong môi trường số. Đề án với nhiều nhóm giải pháp khác nhau.
Bạn trẻ tham dự diễn đàn |
Thông tin thêm về đề án, anh Nguyễn Thiên Tú, Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học công nghệ và tài năng trẻ (Trung ương Đoàn) cho biết: Đề án xác định mục tiêu chung, cụ thể qua từng giai đoạn.
Trong đó, đề án đặt ra 5 nhóm nhiệm vụ: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về năng lực số; Đề xuất phối hợp với các cơ quan doanh nghiệp số để phát triển năng lực số; Hợp tác quốc tế trong nâng cao năng lực số; Năng lực sử dụng thiết bị phần, khai thác phần mềm, đổi mới sáng tạo…
Bên cạnh đó, các cơ quan tham mưu tiến hành nghiên cứu khảo sát để xây dựng khung năng lực số;xây dựng bộ chỉ số về năng lực số.
Tăng sức đề kháng trên không gian mạng
Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương |
Bên cạnh chuyển đổi số, rất nhiều bạn trẻ quan tâm đến việc giúp thanh niên tăng cường ‘sức đề kháng’ trước các thông tin xấu, độc, sai sự thật trên mạng xã hội”.
Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Ngọc Lương cho biết đây là câu hỏi thú vị và mang tính thời sự; hay được đặt ra tại nhiều diễn đàn, tọa đàm. Hiện Thủ tướng Chính phủ đã ban hành đề án giáo dục lý tưởng đạo đức cách mạng lối sống văn hóa trên không gian mạng giai đoạn 2022 - 2030, trên cơ sỏ đề xuất của Trung ương Đoàn. Trung ương Đoàn cũng đã ban hành nhiều kế hoạch, nội dung để thực hiện các nội dung công việc.
Theo Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, bạn trẻ cần thực hiện 4 điều để phát huy tốt lợi ích, gía trị của mạng xã hội, đồng thời khắc phục những mặt tiêu cực khi sử dụng mạng xã hội.
Các đồng chí trong Ban Bí thư Trung ương Đoàn |
Thứ nhất, mỗi bạn trẻ cần hình thành ý thức, thái độ và văn hóa sử dụng mạng xã hội tích cực. Chúng ta đã có Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua năm 2019, Trung ương Đoàn cũng thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn, tọa đàm cung cấp thông tin liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội. Cũng có nhiều tài liệu giấy, điện tử và hệ thống báo chí của Đoàn giúp các bạn sử dụng mạng xã hội an toàn.
Thứ hai, các bạn cần tự trang bị kho tàng tri thức, kiến thức và cập nhật thông tin, từ chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, các kế hoạch của Trung ương Đoàn. Bên cạnh đó, các bạn tích cực tham gia hoạt động xã hội, của Đoàn, Hội. Qua đó có lý luận và thực tiễn để nhận diện vấn đề.
Thứ ba, các thông tin tiêu cực bớt đi thì cần sự chung tay của cộng đồng, các bạn trẻ. Chúng ta lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lan tỏa nhiều câu chuyện, hành động đẹp, nghĩa cử nhân ái...
Đại biểu tham dự diễn đàn |
Thứ tư, mỗi bạn trẻ ngoài kiến thức, cần bản lĩnh để đấu tranh, phê bình, phản biện những thông tin xấu độc, hành vi chưa tốt, lệch chuẩn trên mạng xã hội.
“Với những nội dung như vậy, tôi tin các bạn sẽ có lá chắn vững chắc, lăng kính sàng lọc thông tin”, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương cho biết.