Tết của giới trẻ hiện đại khác như thế nào thời “ông bà anh”
Check in với hoa đào: Cách đón chào Tết của giới trẻ Hà thành |
Mỗi khi Tết đến xuân về, đâu đó chúng ta có thể nghe tiếng than “Tết bây giờ sao nhạt”, “Tết xưa vui hơn” cùng những hoài niệm về cái Tết xưa cũ đầy kỷ niệm. Tuy nhiên, giới trẻ hiện đại đã “đổi mới” ít nhiều cách đón Tết cổ truyền và Tết vẫn luôn là điều thiêng liêng, đặc biệt.
Với Lê Thị Hiền, 25 tuổi, làm việc tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Tết là dịp nghỉ dài nhất trong năm để cô trở quê hương sum vầy cùng gia đình. Năm nay, cô đã đặt vé chuyến xe về quê ăn Tết vào ngày 28/12 Âm lịch. Trong thời đại công nghiệp 4.0, lại làm việc ở lĩnh vực công nghệ, Hiền vốn tiếp xúc gần cả như cả ngày với internet và thiết bị công nghệ nên cô gái 9X cũng coi những ngày nghỉ Tết là dịp để bản thân nghỉ ngơi thoải mái nhất.
Lê Thị Hiền chia sẻ: “Mỗi dịp Tết, mình đi xa trở về nhà, sum vầy cùng gia đình thật tuyệt vời. Mình luôn dành thời gian giúp cha mẹ dọn nhà, gói bánh chưng, đi chợ sắm đồ cho Tết, cắm hoa, bày mâm ngũ quả, đi thăm, chúc Tết người thân.
Bạn trẻ viết thư pháp cho ngày Tết thêm ý nghĩa |
Gia đình mình còn có các anh chị ở nước ngoài không về dịp Tết, thì cả nhà quây quần bằng cách gọi video trực tuyến. Mình về nhà gọi cho các anh, chị bằng Zalo, Facbook, cả nhà cùng nhìn thấy nhau, bố mẹ cũng yên tâm hơn. Với mình, Tết luôn ngập tràn hạnh phúc”.
Hoàng Ngọc Anh (24 tuổi) rất thích Tết. Nghỉ Tết kéo dài, cô có thể thoải mái nghỉ ngơi, đi du lịch với bạn bè, người thân, hay tận hưởng những ngày nghỉ theo cách dành riêng cho mình. Tuy nhiên, không vì thế mà Ngọc Anh hờ hững phong vị của Tết truyền thống với bánh chưng xanh, lì xì, cành đào, cây quất. Bởi vậy, cô gái 9X luôn biết dung hòa Tết hiện đại và Tết truyền thống.
Vài năm gần đây, Ngọc Anh thường đi du lịch trong dịp nghỉ Tết. Thường thì cô sẽ đi du lịch đến ngày mùng 2 Tết sẽ “hạ cánh” tại nhà hoặc mùng 2 sẽ “cất cánh”. Cô gái thích “xê dịch” nhưng không bao giờ quên những phong tục mang đậm nét giá trị văn hóa của dân tộc như tục lì xì, xông đất đầu năm, ăn bánh chưng, cắm hoa đào...
Nhiều người trẻ đi du lịch vào dịp nghỉ Tết |
Làm nghề hướng dẫn viên du lịch, đi xa quanh năm nên Nguyễn Văn Lâm (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) luôn háo hức mỗi dịp Tết đến, xuân về. Đối với cậu, Tết dù truyền thống hay hiện đại đều là sợi dây gắn kết gia đình, dành cho nhau sự sẻ chia sau một năm làm việc vất vả.
Quẳng gánh lo công việc căng thẳng, tạm gác lại những chuyến đi, Tết là khoảng thời gian Văn Lâm thỏa sức nghỉ ngơi sau một năm dài bận rộn. Chàng trai trẻ rất quan tâm đến việc tặng qùa Tết cho người thân. Với Lâm, quà Tết không chỉ còn là bánh kẹo, cặp gà, chai rượu mà đã được thay bằng những món mới mẻ trên nền tảng công nghệ 4.0.
Nguyễn Văn Lâm dành rất nhiều thời gian để tự tay lựa chọn những món quà Tết thật chu đáo, không cần đắt tiền nhưng phải ý nghĩa gửi gắm tâm tình của mình vào trong từng món quà trao tặng trong dịp Tết thiêng liêng để mong một năm mới tưng bừng…
Chia sẻ cách đón Tết của các bạn trẻ cho thấy họ luôn háo hức ngóng chờ Tết, đồng thời đưa những giá trị, khuôn khổ truyền thống vượt qua “lối mòn” của Tết xưa, để phù hợp với thời hiện đại. Bởi họ là những người ở thế hệ mới, trong một xã hội đã đổi thay rất nhiều. Chính điều này tạo nên sự khác biệt trong cách vui chơi, “ứng xử” với Tết của người trẻ so với thời “ông bà anh”.