Tết Chôl Chnăm Thmây gọi mời du khách tới đồng bằng sông Cửu Long
ảnh minh họa (nguồn IT)
Hằng năm, trong những ngày Tết, các chùa trong phum, sóc lúc nào cũng tưng bừng, náo nhiệt, từng đoàn người với những bộ quần áo màu sắc sặc sỡ, nét mặt vui tươi, trên tay cầm nhang đèn, hoa quả vào chùa đón mừng năm mới.
Tết Cổ truyền Chôl Chnăm Thmây diễn ra chủ yếu tại chùa Khmer. Trong ngày đầu của năm mới, đồng bào Khmer các phum, sóc rủ nhau đến chùa đón lễ hội - nơi ngập tràn sắc màu Phật giáo. Ở đây, họ được nghe các vị sư tụng kinh cầu phúc lộc, mùa màng bội thu.
Còn các phật tử sẽ thực hiện nghi thức đặt bát hội dâng những mâm cơm lên cho các vị sư. Một hoạt động thu hút nhiều phật tử tham gia nhất là lễ đắp núi cát thể hiện ý nghĩa tích phúc đức mong cầu được điều lành, lộc tài cho con cháu. Đối với các lễ hội Khmer, tôn giáo, tín ngưỡng Phật giáo như hòa quyện vào đời sống của các thiện tín, thể hiện qua truyền thuyết và nghi thức thờ phụng.
Những ngày Tết Chôl Chnăm Thmây ở các phum, sóc, chùa chiền Khmer náo nhiệt suốt ngày đêm. Thời gian này, mọi người được đi trong hương hoa, nghe lời cầu kinh, niệm phật râm ran và được xem các lễ hội dân gian linh đình. Từ người già đến trẻ đều xúng xính diện những quần áo mới, đẹp nhất. Các cô gái mặc sà rông sặc sỡ, tay bưng mâm có tấm lụa vàng phủ các lễ vật cúng phật. Tất cả diễn ra trong khung cảnh thanh bình, no ấm.
Tết Chôl Chnăm Thmây rộn ràng đông vui nhất là đúng 12 giờ trưa, ngày mùng 3 Tết. Ngày này, người dân thỉnh tượng Phật trong chùa ra sân, dùng nước ướp ngũ hoa đã chuẩn bị trước để Sư cả tắm tượng Phật. Người dân hứng nước tắm này để xức lên đầu, toàn thân với quan niệm được mạnh khỏe và Phật ban phước trong năm và xóa tội lỗi. Điểm nhấn của nghi thức độc đáo này chính là lúc mọi người thoải mái té nước. Người Khmer quan niệm rằng, ai được đón nhận nước té càng nhiều càng tốt, và như thế là nhận được lời cầu chúc năm mới nhiều may mắn, khỏe mạnh và hạnh phúc.
Những năm gần đây, bà con Khmer luôn ý thức chi tiêu tiết kiệm trong các dịp lễ, Tết truyền thống. Bà con chỉ vui chơi vài ba ngày rồi bắt tay vào sản xuất, kinh doanh. Đây còn là dịp để đồng bào Khmer thắt chặt tình đoàn kết với đồng bào Kinh.
Với những nét độc đáo, đặc sắc được lưu giữ qua nhiều thế hệ, dịp Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer luôn là thời điểm hút du khách trong và ngoài nước đến với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Trong 5 năm gần đây, du lịch ĐBSCL tăng trưởng hơn 10%/năm về lượt khách lưu trú và doanh thu. Đặc biệt là cơ sở lưu trú tăng lên đáng kể. Dịch vụ từng bước được cải thiện, đảm bảo đủ điều kiện phục vụ du khách. Năm 2018, ĐBSCL đón 40,7 triệu lượt khách đến với các khu điểm du lịch và sử dụng dịch vụ du lịch. Trong đó, lượt khách đến với khu vực này dịp Tết Chôl Chnăm Thmây góp phần đáng kể.