Tập trung nguồn lực, sẵn sàng trở thành đô thị phía Đông của Thủ đô
Phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế
Huyện Gia Lâm có nhiều tuyến đường giao thông quan trọng như: Quốc lộ 1A; 1B; Quốc lộ 3 mới; Quốc lộ 5; Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; Đường Hà Nội - Hưng Yên; Đường 181...; Đường thuỷ sông Hồng, sông Đuống, ga Yên Viên và hệ thống đường sắt ngược lên phía Bắc và xuôi cảng biển Hải Phòng...
Cùng với địa hình giao thông thuận lợi, trên địa bàn huyện có nhiều khu đô thị, khu công nghiệp và các trung tâm thương mại được hình thành. Nhiều làng nghề nổi tiếng, thu hút khách thập phương trong và ngoài nước tới tham quan, du lịch như làng gốm sứ Bát Tràng, dát vàng, may da Kiêu Kỵ, chế biến thuốc Bắc Ninh Giang... Đây chính là những động lực và tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế thương mại, du lịch, dịch vụ giao thông, góp phần giúp Gia Lâm trở thành khu đô thị lớn.
Đồng chí Lê Anh Quân, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm |
Nói về những kết quả nổi bật mà huyện Gia Lâm đã đạt được trong những năm vừa qua, đồng chí Lê Anh Quân, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết: Trong giai đoạn 2016 - 2020, kinh tế địa phương tiếp tục phát triển ổn định và tăng trưởng khá, các chỉ tiêu cơ bản về kinh tế đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Cụ thể, giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu thuộc huyện quản lý tăng bình quân 11,03%/năm. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tăng, tỷ trọng nông nghiệp giảm. Trong đó, công nghiệp - xây dựng chiếm 51,5%, dịch vụ 40,5%; nông nghiệp - thủy sản 8%. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn năm 2020 ước đạt 62,5 triệu đồng, tăng 29,3 triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ.
Làng nghề gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm) được du khách trong và ngoài nước biết tới |
Giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng tăng bình quân hằng năm 9,4%. Toàn huyện có 1.110 doanh nghiệp công nghiệp và 2.226 hộ sản xuất công nghiệp. Các nghề truyền thống, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện có thế mạnh như sản xuất gốm sứ, sản phẩm từ da, chế biến gỗ, dược liệu… được duy trì và phát triển.
Công tác xây dựng Nông thôn gắn với phát triển đô thị được tập trung chỉ đạo quyết liệt, đạt hiệu quả cao. Toàn huyện đã huy động, giải ngân 2.696,9 tỷ đồng vốn xây dựng Nông thôn mới. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu vực nông thôn được quan tâm đầu tư xây dựng và nâng cấp. Bộ mặt nông thôn thay đổi rõ nét, tiến bộ hơn.
Phấn đấu đưa Gia Lâm trở thành đô thị văn minh, hiện đại
Trong nhiệm kỳ mới, huyện Gia Lâm đề ra mục tiêu tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đến năm 2025 trở thành quận, định hướng đến năm 2030 là đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại. Do đó, ngay thời điểm hiện tại, huyện Gia Lâm đã không ngừng phấn đấu thể thực hiện thắng lợi các mục tiêu.
Làng nghề gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm) |
Nói về định hướng phát triển trong giai đoạn tới, đồng chí Lê Anh Quân, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết: Giai đoạn tới, huyện Gia Lâm sẽ tập trung phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp, xây dựng; Huy động các nguồn vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị; Tăng cường công tác quy hoạch, quản lý đô thị - xây dựng, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, huyện sẽ đẩy mạnh phát triển văn hoá - xã hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ, tạo nền tảng tinh thần xã hội vững chắc. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện, bền vững; Bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân.