Tập đoàn IPPG làm việc với Bộ GTVT về đề xuất lập hãng bay chở hàng hóa
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Công ty Cổ phần IPP Air Cargo về kiến nghị thành lập hãng hàng không vận chuyển hàng hóa.
Cụ thể, Văn phòng Chính phủ đề nghị Công ty Cổ phần IPP Air Cargo làm việc với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) để thực hiện theo quy định.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tháng 6/2021, khi nhận được đề nghị của Công ty Cổ phần IPP Air Cargo về kiến nghị thành lập hãng hàng không vận chuyển hàng hóa, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT báo cáo về kiến nghị của doanh nghiệp.
Trong tháng 7/2021, Bộ GTVT đã hai lần có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc đánh giá tình hình thị trường hàng không và kiến nghị của Công ty Cổ phần IPP Air Cargo.
Trong văn bản báo cáo Thủ tướng, Bộ GTVT cho biết, theo quy định của pháp luật, bất kỳ doanh nghiệp nào nếu có đủ điều kiện đều có thể tham gia thị trường kinh doanh vận tải hàng không.
Tuy nhiên, trong giai đoạn khó khăn của thị trường vận tải hàng không hiện nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Bộ GTVT cho rằng việc thành lập hãng hàng không mới (bao gồm cả việc thành lập mới hãng hàng không chuyên chuyển hàng hóa) là chưa phù hợp.
Việt Nam cần một hãng hàng không như IPP Air Cargo để tránh lãng phí thị trường vận tải hàng hóa |
"Công ty Cổ phần IPP Air Cargo hoàn toàn có thể đề nghị thành lập hãng hàng không vận chuyển hàng hóa theo đúng quy định của pháp luật vào thời điểm sau khi thị trường hàng không phục hồi (dự kiến 2022)", Bộ GTVT nêu rõ.
Sau đó, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần IPP Air Cargo tiếp tục có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin hỗ trợ việc thành lập hãng hàng không chuyên biệt vận tải hàng hóa.
Theo đó, lãnh đạo Công ty Cổ phần IPP Air Cargo kiến nghị Thủ tướng cho phép công ty được chuẩn bị các thủ tục để thành lập hãng hàng không chuyên biệt vận chuyển hàng hóa trong thời gian này và sẽ thực hiện các chuyến bay vào năm 2022 (tuỳ theo tình hình dịch bệnh) để doanh nghiệp có cơ sở xúc tiến việc đàm phán, ký hợp đồng mua máy bay Boeing, xúc tiến các cuộc gặp cấp cao với phía Mỹ để giúp cân bằng cán cân thương mại hai chiều giữa Mỹ và Việt Nam.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT hướng dẫn, thẩm định các thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không nhằm đáp ứng các điều kiện an toàn bay theo quy định hiện hành.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn |
Trước đó, theo đề xuất của Công ty Cổ phần IPP Air Cargo, dự án thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, tương đương 100 triệu USD, trong đó 30% là vốn chủ sở hữu và 70% còn lại là vốn huy động.
Theo kế hoạch, trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, hãng bay IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 máy bay chở hàng. Sang năm thứ hai sẽ tăng lên 7 chiếc và tăng lên 10 chiếc vào năm thứ 3 hoạt động.
Trong đó, IPP Air Cargo lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa, đạt doanh thu 71 triệu USD vào năm đầu tiên, dự kiến bắt đầu có lãi từ năm thứ 4 kể từ khi khai thác chuyến bay đầu tiên.
Công ty của tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn mong muốn cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư, cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không vào quý III/2021, lấy chứng chỉ nhà khai thác vào quý IV/2021 và thực hiện chuyến bay thương mại vào quý II/2022.
Theo các chuyên gia, thủ tục thành lập hãng không rất phức tạp, vì vậy dù cơ quan quản lý có chấp nhận thành lập IPP Air Cargo thì hãng bay này cũng cần rất nhiều thủ tục để có thể cất cánh, nhanh nhất cũng phải đến năm 2022 mới bắt đầu hoạt động được.
Vì vậy, để hãng hàng không IPP Air Cargo có thể thành lập vào năm 2022 theo dự kiến, các cơ quan có thẩm quyền cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện các bước chuẩn bị, để khi thẩm định sẽ không phải loay hoay tốn thời gian thêm nữa về thủ tục.
Về đề xuất này, Tập đoàn IPPG cho biết, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ 4.0 và tác động của thương mại điện tử trong bối cảnh hiện tại, dẫn đến việc định hướng đầu tư vận chuyển hàng hóa và hậu cần chuyên nghiệp là rất cần thiết trong giai đoạn này. Mặt khác, hiện nay trung bình 88% thị trường vận chuyển hàng hóa của Việt Nam do các hãng vận chuyển nước ngoài chiếm lĩnh.
Với hơn 35 năm hoạt động trong lĩnh vực kinh đoanh thương mại gắn với hàng không, Tập đoàn IPPG đang đầu tư hệ thống kho bãi, logistics vận chuyển hàng hóa tập trung và áp dụng các công nghệ quản lý, khai thác tiên tiến tại các tỉnh, thành phố lớn tại Việt Nam để khép kín các dịch vụ vận chuyển trong nội địa Việt Nam và vận chuyển quốc tế.
Vì vậy, vừa qua Tập đoàn IPPG đã gửi hồ sơ tới Bộ GTVT và trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập hãng hàng không vận chuyển hàng hóa IPP Air Cargo (độc lập so với các hãng hàng không vận chuyển hành khách).
Tập đoàn IPPG cũng khẳng định, hiện IPP Air Cargo lên kế hoạch ký biên bản ghi nhớ mua 10 máy bay B777 Freighter vận chuyển hàng hóa trị giá khoảng 3,5 tỷ USD với Tập đoàn Boeing.
Được biết, B777F là phiên bản chuyên chở hàng hóa, với trọng tải tối đa 103.700 kg (tương tự 110.000 kg), tầm bay tối đa 18.057 km hoặc 9.200 km với trọng tải kết cấu tối đa và nếu thương vụ này được thực hiện thành công, IPP Air Cargo sẽ có năng lực vận tải hàng hóa bằng đường hàng không lớn bậc nhất khu vực Đông Nam Á.