Sự cấp thiết khi lập hãng bay chở hàng IPP Air Cargo của ông Johnathan Hạnh Nguyễn
Việc lập hãng bay là rất phù hợp, là thời cơ cho Đà Nẵng
Theo nguồn tin của phóng viên, ngày 14/7, UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải đóng góp ý kiến về việc thành lập hãng hàng không chuyên biệt vận chuyển hàng hóa IPP Air Cargo của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG).
Trong văn bản, UBND TP Đà Nẵng cho biết, thành phố luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương, cùng với sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, thành phố đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội.
Đặc biệt, Bộ Chính trị đã rất quan tâm đến sự định hướng phát triển thành phố, từ năm 2003 đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16/10/2003 về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong đó, có nêu phương hướng, nhiệm vụ phát triển dịch vụ logistics thành phố đến năm 2020 là đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế.
Năm 2019, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2015, trong đó xác định năm lĩnh vực mũi nhọn của thành phố để phát triển kinh tế gồm: Du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; Công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; Công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; Sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp.
Bên cạnh đó, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP Đà Nẵng lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 và nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố được HĐND thành phố thông qua đã nêu mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Trong đó, dịch vụ logistics đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế.
Việt Nam cần một hãng hàng không như IPP Air Cargo để tránh lãng phí thị trường vận tải hàng hóa |
Vì vậy, UBND TP Đà Nẵng đánh giá, việc Tập đoàn Liên Thái Bình Dương đề xuất thành lập hãng hàng không chuyên biệt vận chuyển hàng hóa IPP Air Cargo và Trung tâm điều hành hoạt động bay của IPP Air Cargo tại thành phố là rất phù hợp với định hướng phát triển, là cơ hội lớn để thành phố thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị và là thời cơ mang lại sự phát triển bền vững cho nền kinh tế Đà Nẵng trong tương lai.
Trên cơ sở đó, UBND TP Đà Nẵng đề nghị Bộ Giao thông vận tải ủng hộ và sớm có ý kiến đề xuất Thủ tướng xem xét, chấp thuận chủ trương thành lập hãng hàng không chuyên biệt vận chuyển hàng hóa IPP Air Cargo tại TP Đà Nẵng.
Được biết, công văn trên của UBND TP Đà Nẵng ngoài gửi Bộ Giao thông vận tải còn được gửi đến Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.
Theo đề xuất của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, dự án thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, tương đương 100 triệu USD, trong đó 30% là vốn chủ sở hữu và 70% còn lại là vốn huy động.
Theo kế hoạch, trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, hãng bay IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 máy bay chở hàng. Sang năm thứ hai sẽ tăng lên 7 chiếc và tăng lên 10 chiếc vào năm thứ 3 hoạt động.
Trong đó, IPP Air Cargo lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa, đạt doanh thu 71 triệu USD vào năm đầu tiên, dự kiến bắt đầu có lãi từ năm thứ 4 kể từ khi khai thác chuyến bay đầu tiên.
Doanh nghiệp của tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn mong muốn cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư, cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không vào quý III/2021, lấy chứng chỉ nhà khai thác vào quý IV/2021 và thực hiện chuyến bay thương mại vào quý II/2022.
Hãng bay IPP Air Cargo khai thác dịch vụ vận chuyển hàng hóa không nằm trong danh mục các dự án cần phải phê duyệt chủ trương đầu tư của các cấp có thẩm quyền nhưng cần được cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.
Năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về mặt nguyên tắc với Bộ Giao thông vận tải về việc chỉ xem xét lập hãng bay mới sau khi thị trường hàng không phục hồi (dự kiến năm 2022). Tuy nhiên, Chính phủ cũng giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu việc thành lập một hãng hàng không chuyên chở hàng hoá để giải quyết tình trạng nông sản Việt Nam khó vươn ra thế giới vì chi phí logistics.
Thị trường vận chuyển hàng hóa đang để lãng phí
Thị trường hàng không quốc tế và trong nước hiện đang gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19. Trong đó, mảng vận tải hành khách đã hạn chế rất nhiều vì các quy định phòng chống dịch.
Tuy nhiên, trong đợt dịch bệnh này đã thấy được lĩnh vực vận tải hàng hóa rất tiềm năng mà các hãng bay đang để lãng phí.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Liên Thái Bình Dương |
Theo đánh giá các chuyên gia kinh tế, hiện hơn 80% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường hàng không ở Việt Nam là do các hãng hàng không nước ngoài vận chuyển. Trong khi đó, các hãng bay trong nước hiện tại lại chưa khai thác hết, để lãng phí tiềm năng.
Trong bối cảnh đó, để tận dụng tối đa tiềm năng đang có, doanh nghiệp của ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã đề xuất lập hãng hàng không IPP Air Cargo chở hàng hóa. Tuy nhiên, dù rất tâm huyết đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước nhưng bất ngờ là đề xuất này vẫn chưa được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận.
Trong báo cáo vừa gửi Chính phủ ngày 13/7, Bộ Giao thông vận tải thừa nhận “lỗ hổng” cũng như lợi ích của mảng vận tải hàng hóa bằng đường hàng không mà phải đến khi xảy ra dịch bệnh thì các hãng bay của Việt Nam mới bắt đầu tận dụng.
Theo báo cáo Bộ Giao thông vận tải, tỷ trọng doanh thu từ vận tải hàng hóa các hãng hàng không giai đoạn Việt Nam trong dịch một năm qua đều tăng gấp 3 lần so với giai đoạn trước dịch Covid-19.
Tuy nhiên, thực tế đây chỉ là giải pháp tình thế, chữa cháy cho tình trạng dư thừa máy bay hiện nay của các hãng bay. Như vậy, rõ ràng việc xuất hiện một hãng bay chuyên chở hàng hoá là rất cần thiết lúc này.
Mặt khác, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam là đất nước có nền nông nghiệp đang phát triển mạnh mẽ, nhu cầu đưa các sản phẩm nông nghiệp tươi bằng đường hàng không đang rất lớn, trong khi chi phí vận chuyển bằng đường biển đang gặp nhiều rào cản về hạ tầng (hầu hết nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long phải xuất khẩu qua cảng Cát Lái).
Hiện Việt Nam cũng chưa có hãng hàng không hàng hóa chuyên biệt được cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không. Thực tế, hàng hóa vận chuyển đường hàng không chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng trọng lượng hàng vận chuyển quốc tế (chưa đến 0,5%), nhưng lại chiếm khoảng 30% giá trị xuất nhập khẩu cả nước.
Bên cạnh đó, dịch vụ logistics được đánh giá là một trong những lĩnh vực có nhiều tiềm năng lớn và khả năng bứt phá mạnh nhất tại Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập sâu rộng và quá trình dịch chuyển, tái cơ cấu các chuỗi cung ứng quốc tế đang diễn ra ngày càng rõ nét. Vì vậy, việc thành lập một hãng hàng không chuyên biệt về vận chuyển hàng hóa tại thời điểm hiện nay là vô cùng cần thiết, tránh lãng phí tài nguyên đang có.
Theo đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, trong các biện pháp nhằm kéo giảm chi phí dịch vụ logistics và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, biện pháp phát triển vận tải hàng hóa bằng đường không và mở các tuyến bay chuyên chở hàng hóa quốc tế trực tiếp được đánh giá cao về tính khả thi.
Hướng giải pháp này cũng phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong Công văn 7709/VPCP-CN ngày 15/9/2020 mà Văn phòng Chính phủ gửi Bộ Giao thông vận tải về việc nghiên cứu, đánh giá việc “phải có một hãng hàng không với đội bay chuyên chở hàng hóa riêng biệt phục vụ cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, cho các tuyến đường riêng biệt”.
Đáng nói, dù đề xuất của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương về việc thành lập IPP Air Cargo chuyên chở hàng hóa nhận được sự quan tâm lớn của nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp logistics, song một số cơ quan có trách nhiệm thẩm định, cấp phép lại có vẻ như không “mặn mà” với tâm huyết vì lợi ích đất nước của doanh nghiệp.
Việc Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chưa xem xét cho phép thành lập hãng hàng không chuyên chở hàng hóa trong giai đoạn hiện nay với lý do là một trong các biện pháp hạn chế tối đa khả năng mất cân đối cung cầu của thị trường, gây ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của ngành hàng không Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 có vẻ như chưa thật sự hợp lý, bởi có thể nhận thấy trong bối cảnh dịch bệnh, mảng vận tải hàng hóa bằng đường hàng không thực sự là rất cần thiết và mang lại hiệu quả cao.
Còn về năng lực tài chính mạnh cũng như công tác chuẩn bị thành lập hãng bay một cách kỹ càng của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương thì không thể phủ nhận, bởi đây là doanh nghiệp có tiềm lực đã được khẳng định trên thương trường
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Liên Thái Bình Dương cho biết đã âm thầm chuẩn bị đầy đủ từ nhân lực đến vật lực, không chỉ phục vụ việc thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo mà còn xây dựng chuỗi liên hoàn trung tâm logistics cung cấp giải pháp công nghệ thông minh, hiện đại nhất để quản lý kho hàng... tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp logistic sẽ được giải phóng hàng nhanh với các thủ tục đơn giản, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước.
"Tôi khẳng định mình chưa làm gì mà chưa làm đến nơi đến chốn và làm với tất cả tâm huyết. Tôi sẽ có cách để đấu với những người khổng lồ. Tôi cũng tin rằng thị trường sẽ ngày càng mở rộng và cạnh tranh lành mạnh hơn", ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhấn mạnh.
Lãnh đạo Tập đoàn Liên Thái Bình Dương cũng đánh giá, giai đoạn này thị trường hàng không chở khách khó khăn, nhưng lập hãng bay chở hàng lại có nhiều thuận lợi.
"Tôi làm gì cũng tính toán kỹ, có những dự án phải lên ý tưởng, kế hoạch đến 10 năm mới thực hiện chứ không phải đợi nước đến chân mới nhảy. Còn với việc lập hãng bay chở hàng hoá thì tôi đã có kinh nghiệm nhiều năm nên thời cơ chín muồi đã đến thì phải làm ngay. Mình không ra đúng thời điểm là đánh mất cơ hội vàng", ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói.
Cũng theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, khi biết Tập đoàn Liên Thái Bình Dương lập hãng hàng không, có nhiều hãng bán và cho thuê máy bay đã tiếp cận, đưa mức giá ngày càng xuống thấp. Khác với giai đoạn trước dịch, phi công hiện cũng luôn có sẵn. Công ty cũng đang có hàng trăm đơn xin ứng tuyển nhiều vị trí trong dự án này. Bên cạnh đó, ông cho rằng một hãng bay chở hàng cũng không tốn nhiều chi phí như phục vụ, bán vé, marketing... giống hãng bay chở khách.
Nhấn mạnh thêm về lý do lập hãng bay chở hàng đúng lúc ngành hàng không điêu đứng, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết ông thực sự quyết tâm khi thấy cước tàu biển tăng phi mã tại thời điểm đỉnh dịch. Còn đường hàng không, các doanh nghiệp lại phải trả cước vận chuyển tăng gấp 3-5 lần cho hàng hóa đi từ Châu Âu về Việt Nam.
"Nhu cầu vận tải càng cao, thì giá cước ngày càng tăng, trong khi 88% thị phần vận tải hàng hoá bằng đường hàng không lại do các hãng bay nước ngoài nắm giữ. Các hãng vận chuyển nước ngoài đang khống chế giá vì gần như họ một mình một chợ, đâu có ai cạnh tranh. Nếu tôi không làm, nhu cầu vận chuyển hàng hoá bằng đường hàng không vẫn sẽ bị tắc nghẽn, giá cả bất ổn làm các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước gặp nhiều khó khăn. Những điều đó thôi thúc tôi phải mở một hãng bay chở hàng hóa", ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ.