Tăng cường tính chuyên nghiệp trong công tác phòng chống thiên tai
Công tác diễn tập cứu hộ cứu nạn được các địa phương tổ chức thường xuyên nhằm tăng cường tính chuyên nghiệp trong công tác phòng chống thiên tai
Bài liên quan
Khắc phục khó khăn, thách thức trong công tác phòng chống thiên tai
Đảm bảo công tác phòng chống thiên tai từ cấp cơ sở
Tăng cường truyền thông nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra
Ứng dụng có hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ” trong vùng rốn lũ
Nỗ lực vì cộng đồng
Có thể thấy rằng, trong năm vừa qua, mặc dù thiên tai không diễn ra dồn dập và khốc liệt như những năm trước nhưng lại mang nhiều yếu tố cực đoan, dị thường. Cụ thể, năm 2019, nước ta phải hứng chịu 16/21 loại hình thiên tai, trong đó có 7 cơn bão và 4 cơn áp thấp nhiệt đới, 222 trận dông, lốc sét; 10 trận lũ quét, sạt lở đất; 4 đợt rét đậm, rét hại; 8 đợt nắng nóng; 63 trận mưa lớn, ngập lụt; 13 trận động đất; sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển nghiêm trọng tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long…
Mặc dù thiệt hại do thiên tai gây ra là rất lớn, tuy nhưng nhờ có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, của cộng đồng, cả hệ thống chính trị, đặc biệt là việc xã hội hóa hoạt động phòng chống thiên tai nên công tác khắc phục hậu quả và tái thiết sau thiên tai được diễn ra nhanh chóng. Thiệt hại về người do thiên tai đã giảm đáng kể.
Cùng với đó, nhận thức và kỹ năng ứng phó của các cấp chính quyền cơ sở và cộng đồng đã có nhiều bước tiến thông qua công tác truyền thông, tập huấn. Hệ thống quan trắc cảnh báo và công trình phòng, chống thiên tai được xây dựng, nâng cấp với 1.850 trạm đo khí tượng thuỷ văn, hải văn, 419 đập dâng và 6.336 hồ chứa thủy lợi... Đặc biệt, việc ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế trong phòng, chống thiên tai ngày càng được tăng cường.
Công tác diễn tập cứu hộ cứu nạn được các địa phương tổ chức thường xuyên nhằm tăng cường tính chuyên nghiệp trong công tác phòng chống thiên tai |
Một trong những điểm nhấn nổi bật của công tác phòng chống thiên tai trong giai đoạn vừa qua chính là việc ứng dụng công nghệ thông tin. Điều này thể hiện rõ nét nhất qua công tác dự báo, cảnh báo sớm các thiên tai. Theo đó, nhiều công nghệ về phòng, chống thiên tai được áp dụng như: xây dựng hệ thống quan trắc mưa trên toàn quốc với hơn 1.800 trạm đo mưa tự động; dự báo mưa, bão bằng nhiều mô hình tiên tiến trên thế giới; ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn (Big data) trong xây dựng các cơ sở dữ liệu quan trắc...
Trong quá trình triển khai thực hiện công tác phòng chống thiên tai, một số tỉnh, thành ở nước ta có sự bứt phá mạnh mẽ với nhiều mô hình phòng chống thiên tai hiện đại mang lại hiệu quả cao trong việc cảnh báo sớm và giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Đơn cử như tỉnh Thừa Thiên Huế, Lào Cai, Đăclak...
Cụ thể, năm 2019 vừa qua, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo, hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên Huế hoàn thành kế hoạch xây dựng tỉnh điển hình phòng, chống thiên tai tại 3 cấp (tỉnh, 2 huyện và 2 xã) với nhiều hoạt động thiết thực từ kiện toàn Ban Chỉ huy các cấp; ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ huy, Văn phòng thường trực. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo còn hướng dẫn triển khai kế hoạch phòng, chống thiên tai, phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai...
Chung tay giảm thiểu thiệt hại do thiên tai
Nhận định về công tác phòng chống thiên tai của nước ta trong những năm vừa qua, đồng chí Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết: Với sự chủ động, quyết liệt triển khai toàn diện công tác phòng chống thiên tai, thiệt hại do thiên tai năm 2019 đã giảm thiểu so với trung bình nhiều năm, nhất là những năm gần đây.
Có được những kết quả khả quan nêu trên là do thời gian vừa qua, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Tổng Cục phòng chống thiên tai đã triển khai thực hiện nhiều phương án nhằm ứng phó và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Đặc biệt, công tác truyền thông nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực cộng đồng, huy động nguồn lực, sự tham gia của toàn xã hội cũng được đẩy mạnh…
Bên cạnh việc tổ chức các buổi diễn tập, các địa phương cũng thường xuyên kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại các điểm xung yếu |
Để sẵn sàng chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, thời gian tới, Tổng cục sẽ tổ chức thực hiện tốt các quy chế của Ban Chỉ đạo; tăng cường kiểm tra việc triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Ban Chỉ đạo tại các bộ, ngành, địa phương.
Cùng với đó là tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo trong các hoạt động phòng ngừa thiên tai, nhất là việc đôn đốc triển khai sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống thiên tai, xây dựng triển khai chính sách nhất là chính sách về huy động và triển khai nguồn lực khắc phục hậu quả, phục hồi, tái thiết sau thiên tai. Đồng thời nhân rộng mô hình tỉnh điển hình về phòng chống thiên tai và hoàn thành thành lập, hoạt động đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã.
Ngoài ra, trong giai đoạn tới, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Tổng Cục phòng chống thiên tai sẽ tăng cường tính chuyên nghiệp, bổ sung công cụ, trang thiết bị, phương tiện, nhất là trang thiết bị, phương tiện chuyên dùng đảm bảo hoạt động hiệu quả của Ban Chỉ đạo. Chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ việc xây dựng Trung tâm điều hành Quốc gia về phòng chống thiên tai…