Tăng cường quản lý chất thải để phòng, chống dịch
Từ hôm nay (1/11), Hà Nội giảm chất thải nhựa tại nơi công sở Thường trực Thành ủy đối thoại với người dân vùng ảnh hưởng môi trường từ Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn |
Đối với rác thải y tế từ các bệnh viện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, các tổ thu gom thực hiện nghiêm ngặt quy trình xử lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế |
Cần thực hiện nghiêm công tác quản lý chất thải
Để tăng cường thực hiện một số biện pháp quản lý chất thải để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là các tỉnh, thành phố đang có dịch chỉ đạo các đơn vị có liên quan tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đúng Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, Công văn của Văn phòng Chính phủ hướng dẫn Chỉ thị 16/CT-TTg về phòng, chống dịch Covid-19 và các khuyến cáo, hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc phòng, chống dịch bệnh và xử lý chất thải.
Cụ thể, các địa phương cần chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt, chất thải y tế lây nhiễm.
Trong đó, chất thải y tế lây nhiễm tại các cơ sở y tế, khu vực điều trị và chăm sóc bệnh nhân bị lây nhiễm, khu vực cách ly (cách ly tập trung tại các khu vực Quân đội, cách ly tại khách sạn, khu nghỉ dưỡng, cách ly tại nhà và các khu vực cách ly khác theo quy định) phải được thu gom, vận chuyển, xử lý an toàn và đảm bảo thực hiện đúng theo các quy định tại Thông tư liên tịch của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế, Thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại và theo các quy định của pháp luật có liên quan.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là các tỉnh, thành phố đang có dịch ưu tiên xử lý tại chỗ chất thải y tế lây nhiễm phát sinh tại các cơ sở y tế, cụm cơ sở y tế tại địa phương có công trình, thiết bị xử lý chất thải y tế theo quy định. Trong trường hợp cần thiết, có thể xử lý tại cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế lây nhiễm đảm bảo khoảng cách thu gom ngắn nhất từ nơi phát sinh tới cơ sở xử lý.
Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc vận hành các công trình bảo vệ môi trường đối với các cơ sở y tế, các cơ sở xử lý chất thải y tế, các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Khử khuẩn nước thải sau xử lý tại các cơ sở y tế, các cơ sở cách ly tập trung, các cơ sở xử lý chất thải y tế lây nhiễm đảm bảo không làm phát tán mầm bệnh ra môi trường…
Trong tổng số chất thải được tạo ra bởi các hoạt động chăm sóc sức khỏe, khoảng 85% là chất thải thông thường, không nguy hại tương đương với chất thải sinh hoạt. 15% còn lại được coi là vật liệu nguy hiểm có thể truyền nhiễm, hóa chất hoặc phóng xạ.
Chất thải trong chăm sóc sức khỏe có chứa các vi sinh vật có khả năng gây hại có thể lây nhiễm cho bệnh nhân, nhân viên y tế và cộng đồng. Các mối nguy tiềm ẩn khác có thể bao gồm các vi sinh vật kháng thuốc lây lan từ các cơ sở y tế ra môi trường.
Mặc dù chiếm tỉ lệ nhỏ nhưng chất thải hóa học và dược phẩm có thể gây ra các nhiễm độc cấp, mãn tính, chấn thương và bỏng,... Hóa chất độc hại và dược phẩm ở các dạng dung dịch, sương mù, hơi,… có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường da, hô hấp và tiêu hóa,... gây bỏng, tổn thương da, mắt, màng nhầy đường hô hấp và các cơ quan trong cơ thể như: gan, thận,…
Các chất khử trùng, thuốc tẩy như clo, các hợp chất natri hypoclorua có tính ăn mòn cao. Thủy ngân khi xâm nhập vào cơ thể có thể liên kết với những phân tử như axit nucleic, protein,… làm biến đổi cấu trúc và ức chế hoạt tính sinh học của tế bào. Nhiễm độc thủy ngân có thể gây thương tổn thần kinh với triệu chứng run rẩy, khó diễn đạt, giảm sút trí nhớ,… và nặng hơn nữa có thể gây liệt, nghễnh ngãng, với liều lượng cao có thể gây tử vong.
Chất gây độc tế bào có thể xâm nhập vào cơ thể con người bằng các con đường: tiếp xúc trực tiếp, hít phải bụi và các sol khí, qua da, qua đường tiêu hóa, tiếp xúc trực tiếp với chất thải dính thuốc gây độc tế bào, tiếp xúc với các chất tiết ra từ người bệnh đang được điều trị bằng hóa trị liệu.
Tuy nhiên, mức độ gây nguy hiểm của các chất thải này còn phụ thuộc nhiều vào hình thức phơi nhiễm. Một số chất gây độc tế bào gây tác hại trực tiếp tại nơi tiếp xúc đặc biệt là da và mắt với các triệu chứng thường gặp như chóng mặt, buồn nôn, nhức đầu và viêm da.
Ảnh hưởng của chất thải phóng xạ tùy thuộc vào loại phóng xạ, cường độ và thời gian tiếp xúc. Các triệu chứng hay gặp là đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn và nôn nhiều bất thường,… ở mức độ nghiêm trọng hơn có thể gây ung thư và các vấn đề về di truyền.
Như vậy chất thải y tế nếu không được quản lý an toàn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người, trong đó đối tượng có nguy cơ cao nhất là nhân viên y tế vì đây là những người thường xuyên phải tiếp xúc trực tiếp với chất thải y tế. Để hạn chế những ảnh hưởng của chất thải y tế đối với sức khỏe của nhân viên y tế cũng như sức khỏe cộng đồng, chất thải y tế cần phải được quản lý an toàn từ khâu phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển cho đến khi tiêu hủy cuối cùng theo đúng các quy định hiện hành.
Để tăng cường biện pháp quản lý chất thải để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Bộ TN&MT đã ban hành Công văn số 676/ BTNMT-TCMT ngày 14/2/2020 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, hướng dẫn cụ thể về việc lưu giữ, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế lây nhiễm (bao gồm khẩu trang y tế thải bỏ sau khi sử dụng) theo đúng quy định và đảm bảo phòng, ngừa dịch bệnh.
Đồng thời, Tổng cục Môi trường cũng báo cáo Lãnh đạo Bộ TN&MT và chuẩn bị phương án để hướng dẫn xử lý chất thải y tế lây nhiễm phát sinh tại các địa phương (từ các cơ sở y tế, khu vực cách ly) trong trường hợp vượt quá năng lực xử lý của địa phương.
Theo Tổng cục Môi trường, khẩu trang y tế phát sinh do người dân sử dụng tại các cơ sở y tế hay khẩu trang y tế phát sinh do người dân sử dụng trong quá trình sinh hoạt hàng ngày khi thải bỏ hiện đang phát sinh một khối lượng chất thải cần xử lý. Do vậy, Tổng cục đã tham mưu Lãnh đạo Bộ ký Công văn số 676/BTNMT-TCMT ngày 14 tháng 2 năm 2020 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để tăng cường các biện pháp quản lý chất thải và phòng, chống dịch bệnh.
Theo đó, đối với các loại khẩu trang sử dụng trong hoạt động sinh hoạt thông thường của người dân, không có nguy cơ nhiễm bệnh thì được sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất cần. Khi thải bỏ, các loại khẩu trang này được được thu gom, xử lý như đối với chất thải thông thường.
Đối với chất thải y tế lây nhiễm phát sinh từ các cơ sở y tế, khu vực cách ly được thu gom, xử lý theo quy định tại Thông tư số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 Thông tư liên tịch của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế; Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 5 năm 2015 về quản lý chất thải nguy hại.
Bộ Y tế cũng đã có công văn ngày 30/3/2020 của Bộ trưởng, đề nghị Thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai các nội dung sau:
Đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, thành phố chỉ đạo và đảm bảo kinh phí cho các cơ sở y tế, các cơ sở cách ly tập trung thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện nghiêm việc phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải, đặc biệt là xử lý chất thải lây nhiễm, nước thải, đảm bảo không làm phát tán mầm bệnh ra môi trường.
Đồng thời, chỉ đạo cơ quan, đơn vị quản lý môi trường của địa phương chịu trách nhiệm vận chuyển, xử lý chất thải rắn tại các cơ sở y tế, cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn, đảm bảo kịp thời hàng ngày và khi cần. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan của địa phương tăng cường truyền thông, hướng dẫn người dân sử dụng và thải bỏ khẩu trang đúng quy định; không sử dụng lại đối với khẩu trang sử dụng một lần.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế, các cơ sở cách ly tập trung thuộc thẩm quyền quản lý trong việc thực hiện quản lý, xử lý chất thải.
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Y tế, thực hiện nghiêm việc phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải y tế, đặc biệt là xử lý chất thải lây nhiễm, nước thải y tế, đảm bảo không làm phát tán mầm bệnh ra môi trường. Tăng cường giám sát vận hành hệ thống xử lý nước thải y tế và khử khuẩn nước thải y tế, đảm bảo đạt yêu cầu trước khi thải ra môi trường.
Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thu gom, lưu giữ, chuyển giao chất thải y tế, đặc biệt là đối với khẩu trang y tế, các phương tiện phòng hộ cá nhân đã qua sử dụng thải bỏ.
Phòng chứa rác thải của chung cư Handiresco Complex 31 Lê Văn Lương – Hà Nội được vệ sinh sạch sẽ, có hướng dẫn sử dụng rõ ràng nhằm phòng chống dịch Covid - 19 |
Xử lý triệt để rác thải tránh lây lan dịch bệnh
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cũng đã ban hành Quyết định về việc ban hành “Hướng dẫn quản lý chất thải và vệ sinh trong phòng, chống dịch Covid-19”.
Ban Chỉ đạo yêu cầu việc quản lý chất thải y tế trong phòng, chống dịch Covid-19 phải tuân thủ theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT của Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường; đảm bảo không phát tán mầm bệnh trong quá trình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải trong phòng, chống dịch Covid-19; đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh, người chăm sóc người bệnh, người tham gia quản lý chất thải y tế và các đối tượng liên quan trong phòng, chống dịch Covid-19.
Tất cả những người tham gia quá trình thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải lây nhiễm, vệ sinh thiết bị, dụng cụ đựng chất thải phải được trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân theo quy định.
Tất cả chất thải rắn phát sinh từ khu vực phòng cách ly, khám, theo dõi, chăm sóc, điều trị người mắc hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 bao gồm cả đồ vải, quần áo thải bỏ của bệnh nhân, khẩu trang, trang phục phòng hộ cá nhân của người tham gia thực hiện các công việc quản lý chất thải y tế, vệ sinh dụng cụ đựng chất thải, giặt là, vệ sinh môi trường đều được coi là chất thải lây nhiễm (sau đây gọi là chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2) và phải được phân loại ngay vào thùng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy, có lót túi, có biểu tượng cảnh báo chất thải có chứa chất gây bệnh.
Tất cả các khăn, gạc sau khi lau phải được bỏ vào thùng đựng chất thải lây nhiễm có dán nhãn "chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2". Phân, nước tiểu của người mắc hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 phải được thu gom vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của cơ sở y tế để xử lý đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
Tại các khu vực phòng cách ly y tế ở sân bay, cửa khẩu, chất thải gồm khẩu trang, phòng cách ly tại cơ sở cách ly y tế tập trung, khăn, giấy lau mũi, miệng, trang phục phòng hộ cá nhân thải bỏ phải được phân loại ngay vào thùng màu vàng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy, có lót túi, có biểu tượng cảnh báo chất thải có chứa chất gây bệnh để vận chuyển, xử lý như đối với chất thải lây nhiễm theo hướng dẫn.
Hết thời gian cách ly, nếu người được cách ly không xuất hiện triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, thu gom túi đựng chất thải và xử lý như chất thải thông thường...
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành môi trường thành phố Đà Nẵng đã kích hoạt các biện pháp thu gom, xử lý triệt để và đúng quy định các loại rác thải y tế, rác thải sinh hoạt, góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường, ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh.
Trước đó, khi thành phố Đà Nẵng thực hiện lệnh phong tỏa tại khu vực Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C và Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng (thuộc phường Thạch Thang, quận Hải Châu), Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng đã đặt 11 thùng thu gom rác tại các đoạn đường chính và đường kiệt. Đồng thời, thông báo cho người dân bỏ rác vào thùng để đơn vị tiến hành thu gom từ 8 giờ đến 9 giờ sáng hàng ngày.
Đối với công nhân thu gom rác mới tại khu vực này yêu cầu phải mặc trang phục bảo hộ để tránh lây nhiễm dịch bệnh. Ngoài ra, công ty cũng bố trí một xe quét đường vào duy trì vệ sinh các đoạn đường xung quanh 3 bệnh viện để bảo đảm không lây nhiễm dịch bệnh cho công nhân.
Ngoài ra, UBND các quận, huyện trên địa bàn thành phố cũng đã có những chỉ đạo về tăng cường thu gom, xử lý rác dứt điểm trong ngày, không để rác tồn lưu bảo đảm vệ sinh môi trường nhằm tránh lây nhiễm dịch bệnh.
Đơn cử như UBND quận Sơn Trà (thành phố Đà Nẵng) đã có văn bản chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường quận tăng cường kiểm tra công tác thu gom rác thải, không để ùn ứ rác sinh hoạt trên địa bàn quận, nhất là tại các khu dân cư và các điểm cách ly y tế.
UBND 13 phường thuộc quận Hải Châu cũng đã tuyên truyền nhân dân gói chặt rác sinh hoạt trong các bao đựng để thuận tiện thu gom và bỏ rác đúng quy định, không để vương vãi rác. Đồng thời, yêu cầu Xí nghiệp Môi trường Hải Châu thu gom rác sinh hoạt dứt điểm trong ngày, không để rác tồn lưu trên đường phố...
Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng Võ Minh Đức cho hay, để bảo đảm thu gom, xử lý rác sinh hoạt trong thời gian dịch bệnh, công ty đã xây dựng kế hoạch, phương án xử lý chất thải tại các khu vực cách ly y tế, đặc biệt là khu vực Ký túc xá phía tây thành phố và các bệnh viện.
“Đối với rác thải y tế từ các bệnh viện trên địa bàn thành phố, các tổ thu gom thực hiện nghiêm ngặt quy trình xử lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế; Tăng cường phun khử khuẩn Cloramin B đối với phương tiện vận chuyển chất thải y tế trước khi xử lý.
Cùng với đó, Công ty đã đề nghị các bệnh viện và Sở Y tế trang bị đầy đủ thùng chứa rác tại các khu vực cách ly để bảo đảm an toàn cho công nhân trong quá trình thu gom, vận chuyển và xử lý rác. Để làm tốt công tác xử lý rác thải đô thị, bên cạnh nguồn kinh phí đầu tư cho thiết bị hiện đại, ý thức của người dân đóng vai trò rất quan trọng”, Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng Võ Minh Đức nhấn mạnh.
* “Đây là bài viết tuyên truyền bảo vệ môi trường của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020” |