Tăng 90% mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác cát
Đại biểu bấm nút thông qua Tờ trình của UBND TP Hà Nội |
Theo Tờ trình của UBND TP Hà Nội, mức giá tính thuế tài nguyên khoáng sản hiện nay tăng so với giá tính thuế tài nguyên khoáng sản tại thời điểm ban hành Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐND ngày 3/7/2017 của HĐND TP.
Cụ thể: Đá xây dựng từ 50.000 đồng/m3 lên 88.000/m3, tăng thêm 80%; Nhóm đá vôi, đá sét làm xi măng, Puzolan tăng thêm trung bình 130%; Cát đen san lấp tăng từ 15.000 đồng/m3 lên 56.000 đồng/m3, tăng thêm 270%; Đất san lấp tăng từ 15.000 đồng/m3 lên 49.000 đồng/m3, tăng thêm 140%.
Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản là thành phần cấu thành giá tính thuế tài nguyên. Do vậy, phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn TP cần phải tăng lên để phù hợp với biến động tăng của giá tính thuế tài nguyên.
Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP đã cơ bản được kiểm soát. Các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đã hoạt động bình thường trở lại. Qua tham vấn hầu hết các doanh nghiệp đều thống nhất với mức điều chỉnh tăng phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoảng sản.Mặt khác, mức phí bảo vệ môi trường tăng thêm của khoáng sản vật liệu xây dựng chỉ chiếm khoảng 1% của giá vật liệu xây dựng trên địa bàn TP. Do vậy, mức tăng này tác động không đáng kể đến giá vật liệu xây dựng.
Chỉ số giá tiêu dùng dự kiến đến năm 2025 tăng khoảng 50% so với năm 2012, do vậy mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn TP cần tăng thêm 50%. Đồng thời, đề xuất tăng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản thêm 10% do đặc thù của TP Hà Nội theo Nghị quyết số 115/2020/QH14.
Như vậy, đề xuất mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn TP tăng thêm 60% so với mức quy định tại Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND ngày 7/7/2020 và mức tối đa quy định tại Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ.
Riêng đối với khoáng sản cát (cát san lấp, cát xây dựng), đây là loại khoáng sản được khai thác chủ yếu ở TP Hà Nội, hiện nay có 9 giấy phép khai thác còn hiệu lực. Hoạt động khai thác cát có thể tác động đến dòng chảy, đê điều, công trình thủy lợi. Việc tăng thêm mức thu phí bảo vệ môi trường đối với việc khai thác cát so với 7 loại khoáng sản còn lại trên địa bàn TP sẽ khuyến khích sử dụng vật liệu khác thay thế cát xây dựng. Qua đó, góp phần hạn chế khai thác, giảm vấn đề ô nhiễm môi trường và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, đê điều và công trình thủy lợi trên địa bàn TP của các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác.
Đồng thời tham khảo mức tăng phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản đề xuất tại Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 164/2016/NĐ-CP, phí bảo vệ môi trường tối đa đối với khai thác khoáng sản cát trong Dự thảo đã nâng lên 7.500 đồng/m3.
Vì vậy, đề xuất tăng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoảng sản cát thêm 90% (lên mức 7.600 đồng/m3) so với mức quy định tại Nghị quyết số 08/2020/NQ-HĐND ngày 7/7/2020.
Nghị quyết sửa đổi mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn TP, như sau:
Đá làm vật liệu xây dựng thông thường: 8.000 đồng/m3. Các loại đá khác (Đá vôi, đá sét làm xi măng, Puzolan): 4.800 đồng/m3. Các loại cát khác (Cát san lấp, cát xây dựng...): 7.600 đồng/m3. Đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình: 3.200 đồng/m3. Đất sét, đất làm gạch, ngói: 3.200 đồng/m3. Cao lanh: 11.200 đồng/m3. Nước khoáng thiên nhiên: 4.800 đồng/m3. Than bùn 16.000 đồng/tấn.