Tài trợ khoa học: Khi thủ tục được dỡ bỏ, sáng tạo sẽ thăng hoa
Quỹ VinIF mới khởi động được 3 năm nhưng đã và đang góp phần làm đa dạng về loại hình, nguồn lực tài trợ cũng như tạo “đòn bẩy” tích cực tới khoa học Việt Nam.
Chật vật tìm kinh phí gặp nguồn đầu tư… “mạo hiểm”
Là chủ nhân của Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2018, PGS. TS. Trần Đình Phong - Trưởng khoa Khoa học cơ bản và Ứng dụng (trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội) chia sẻ: “Từng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam tìm đến và đề nghị chúng tôi đưa công trình khoa học ra thương mại hóa. Nhưng ngược lại, khi tôi hỏi về việc hợp tác để cùng nghiên cứu và phát triển thành công nghệ lõi, sau đó mới tiến đến mục đích thương mại thì phần lớn trong số họ chưa sẵn sàng.”
Ấp ủ giấc mơ chế tạo linh kiện quang điện hóa cho sản xuất nhiên liệu Hydro từ nước, nhằm góp phần giúp Việt Nam làm chủ công nghệ năng lượng sạch, PGS. TS. Trần Đình Phong dành hơn 12 năm nghiên cứu lĩnh vực này. Xác định đây là bài toán rất lớn, cần dồn lực vào nghiên cứu cơ bản trong thời gian dài, PGS. Phong cho rằng “Nếu doanh nghiệp đầu tư rồi hỏi ngày mai linh kiện của anh đâu thì rất khó. Vì thế, để triển khai ý tưởng của mình, đôi khi chúng tôi cần những nguồn đầu tư mạo hiểm”.
PGS. TS Trần Đình Phong - Trưởng khoa Khoa học cơ bản và Ứng dụng (Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội) là một trong 20 chủ nhiệm dự án được VINIF tài trợ năm nay |
Giữa lúc tìm thêm nguồn tài trợ để nghiên cứu độ bền của vật liệu, nhằm tạo ra những linh kiện đáp ứng yêu cầu sản xuất công nghiệp, anh cùng cộng sự tìm thấy Quỹ Đổi mới Sáng tạo Vingroup (VinIF). Vượt qua ba vòng đánh giá, dự án do PGS.TS. Trần Đình Phong chủ nhiệm được lựa chọn là một trong 20 nghiên cứu tiêu biểu VinIF tài trợ năm nay.
“Từ ý tưởng cho đến công trình khoa học, bằng phát minh sáng chế là một bước, để ra được sản phẩm ứng dụng lại là một bước nữa. Một dự án 2-3 năm khó lòng tạo ra được sản phẩm như thế, chưa kể đến việc thương mại hóa. Trên thế giới, cả ngàn ý tưởng mới chỉ có một vài ý tưởng được hiện thực hóa. Kể cả họ dừng lại ở bước mô hình hay công bố khoa học thì đó vẫn là những viên gạch xây dựng nền tảng cho các nghiên cứu sau này” - PGS.TSKH Phan Thị Hà Dương (Giám đốc Điều hành Quỹ VinIF, Tập đoàn Vingroup) chia sẻ.
Với sự đồng hành của VinIF, bên cạnh nguồn lực tài chính để phát triển công trình khoa học, PGS. Phong còn hy vọng có thể kết nối với mạng lưới các đơn vị doanh nghiệp trong nước và quốc tế, hướng tới ứng dụng năng lượng mới vào sản xuất công nghiệp tại Việt Nam.
“Đòn bẩy” cho tiên phong - khác biệt - thực chất
Từ 63 dự án khoa học nhận tài trợ năm 2019 và 2020, đến nay VinIF đã có 163 sản phẩm dạng hệ thống, thiết bị và 159 sản phẩm dạng phần mềm, cơ sở dữ liệu được ra đời. Bên cạnh đó, các nhóm nghiên cứu cũng đã xuất bản 143 công bố khoa học tại các tạp chí Q1 (nhóm những tạp chí khoa học uy tín nhất thế giới) và hội thảo uy tín quốc tế, đăng ký thành công 34 bằng sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước.
PGS. TSKH Phan Thị Hà Dương - Giám đốc điều hành Quỹ VINIF điểm lại những con số nổi bật của Chương trình Tài trợ Dự án Khoa học Công nghệ trong 3 năm qua |
Bên cạnh nguồn lực tài chính, VinIF còn đồng hành cùng đội ngũ thực hiện dự án trong việc kết nối với mạng lưới chuyên gia tư vấn và truy cập cơ sở dữ liệu lớn. Kết quả nghiên cứu cũng sẽ được VinIF tư vấn đăng ký bảo hộ bằng độc quyền sáng chế và giới thiệu nguồn đầu tư để tiếp tục triển khai ứng dụng vào các sản phẩm, giải pháp thực tiễn.
Theo PGS.TSKH Phan Thị Hà Dương: “VinIF có cơ chế tài chính linh hoạt, hợp lý nhằm giúp các nhà nghiên cứu có điều kiện làm việc tốt nhất, với thủ tục hành chính đơn giản nhất. Điều này xuất phát từ mong muốn giúp các nhà khoa học được làm thật, tiêu đồng tiền thật, được nhận thù lao tương xứng với công sức nghiên cứu. Sau 3 năm triển khai, chúng tôi đã tài trợ gần 450 tỷ đồng cho các dự án, tạo ra 322 sản phẩm”.
Từ góc nhìn của chuyên gia nghiên cứu, TS. Ngô Tất Trung, Giám đốc Trung tâm Tư vấn di truyền và Sàng lọc ung thư - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết:“Một trong những điểm đặc biệt trong cách thức tài trợ của VinIF là việc “bỏ qua tất cả những rào cản về thủ tục hành chính, đặt đổi mới sáng tạo lên trên hết”.
Dự án của chúng tôi về “Ứng dụng công nghệ di truyền tiên tiến trong chẩn đoán sớm ung thư gan” đã bước đầu cho kết quả ấn tượng, với một bằng sáng chế đã được gửi đăng ký và một bài báo khoa học Q1 được công bố trước thời hạn. “Nếu không có VinIF, nghiên cứu của chúng tôi sẽ phải chờ rất lâu nữa mới có thể thực hiện” - Tiến sĩ Trung cho biết.
Đánh giá tác động của VinIF, PGS. TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết:“Việc VINIF tài trợ cho các đề tài, dự án góp phần làm thay đổi cơ chế, cách xét chọn, đánh giá các đề tài theo hướng có chất lượng, tinh gọn. Các tác động tích cực này không những ảnh hưởng tới Đại học Bách khoa Hà Nội mà còn tới cộng đồng khoa học, các cơ quan quản lý trong nước”.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy đánh giá cao sự đóng góp của VINIF đối với sự phát triển của Khoa học và Công nghệ Việt Nam |
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy: “Sự thành lập của Quỹ Đổi mới Sáng tạo Vingroup (VinIF) là một tín hiệu đáng mừng cho thấy nền Khoa học - Công nghệ Việt Nam đang đi đúng hướng so với tất cả các quốc gia đã phát triển trên thế giới: ở đó, doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ trong việc tạo thêm nguồn lực thúc đẩy Khoa học - Công nghệ phát triển. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đề xuất để có nhiều doanh nghiệp khác ở Việt Nam học theo mô hình của Tập đoàn Vingroup, hình thành ra những quỹ đầu tư, tài trợ cho nghiên cứu khoa học”. |
Không chỉ tháo gỡ rào cản về tài chính và hành chính, VinIF còn hướng tới tạo điều kiện để nhà nghiên cứu được chủ động về công bố khoa học. Một trong những điểm mới của Chương trình Tài trợ Dự án Khoa học - Công nghệ năm nay là mỗi nhóm nghiên cứu tự đề xuất một danh sách các tạp chí Q1 uy tín dự kiến đăng tải. Hội đồng khoa học sẽ mời ba chuyên gia am hiểu lĩnh vực phản biện, từ đó, Quỹ sẽ thống nhất danh sách với đề tài. Đây được cho là bước đi tiên phong của VinIF, nhằm tôn trọng sự khác biệt trong những công bố thuộc nhiều chuyên ngành hẹp, đồng thời, vượt qua các chỉ số chung để đi vào thực chất năng lực của đội ngũ và ý nghĩa của đề tài.
Xét chọn kỹ lưỡng, ưu tiên tài trợ mũi nhọn, VinIF không chỉ hỗ trợ cá nhân các nhà khoa học, mà còn đang từng bước kiến tạo một hệ sinh thái toàn diện về nghiên cứu - ứng dụng - đào tạo và chia sẻ tri thức. VinIF được kỳ vọng sẽ làm đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho khoa học Việt Nam, góp phần thay đổi quan điểm đầu tư và khung tài chính dành cho khoa học.
Vắc-xin Covid-19 “made in Vietnam” vượt tiến độ dự kiến TTTĐ - Với quy trình nghiên cứu thần tốc, dự án vắc-xin “made in Vietnam” phòng virus SARS-CoV-2 được các nhà khoa học của Công ... |
Lần đầu tiên có doanh nghiệp tư nhân đồng tài trợ để giải quyết yêu cầu cấp bách của xã hội TTTĐ - “Lần đầu tiên có sự đồng tài trợ không gắn với quyền lợi trực tiếp của doanh nghiệp mà để giải quyết yêu ... |
Giới khoa học Việt “tuyên chiến” với đại dịch Covid-19 TTTĐ - Với phương châm luôn chung tay trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, các nhà khoa học Việt Nam đã bắt ... |
“Cha đẻ” lý thuyết học máy đến Việt Nam TTTĐ - Theo lời mời của Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn (VinBDI) thuộc Tập đoàn Vingroup, giáo sư Leslie Valiant – người khai sinh ... |