Tái cấu trúc doanh nghiệp - đừng rơi tình trạng "bình mới rượu cũ"
Đó là chia sẻ của Chủ tịch Câu lạc bộ CEO 1983, Tổng Giám đốc Công ty CP đào tạo và phát triển nhân lực DGroup Lê Dung tại chương trình CEO Exchange với chủ đề "Chiến lược tái cấu trúc cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs)".
Các khách mời chia sẻ tại chương trình CEO Exchange với chủ đề "Chiến lược tái cấu trúc cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs)". |
Chương trình được tổ chức ngày 16/8 do Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội), Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội (HanoiBA) chủ trì, phối hợp cùng Câu lạc bộ CEO 1983.
Chia sẻ tại CEO Exchange, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Nguyễn Hải Hùng nhìn nhận, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) hiện đang đứng trước nhiều khó khăn, từ áp lực cạnh tranh, sự biến đổi không ngừng của thị trường cho đến những vấn đề về tài chính và nguồn lực.
“Những rào cản trên đặt ra đòi hỏi các doanh nghiệp cần tái cấu trúc. Đây không chỉ là thách thức dành riêng cho các tập đoàn lớn mà còn là nhu cầu sống còn đối với các doanh nghiệp nói chung…” - ông Nguyễn Hải Hùng khẳng định.
Chủ đề tái cấu trúc doanh nghiệp vừa và nhỏ thu hút sự quan tâm của các doanh nhân trẻ |
Nói về tái cấu trúc SMEs, Chủ tịch HanoiBA khoá VII, Tổng Giám đốc Công ty CP thương mại Citicom Lê Phụng Thắng chia sẻ góc nhìn về tái cấu trúc doanh nghiệp. Theo ông Thắng, đó là quá trình thay đổi cấu trúc, hoạt động và quản lý của một tổ chức.
“Tái cấu trúc doanh nghiệp thường có 5 loại, đó là tái cấu trúc về tổ chức, về quy trình, về tài chính, về nguồn lực và về kinh doanh. Đây là giải pháp giúp tăng hiệu quả hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh, thích ứng với sự thay đổi, tăng trưởng và là động lực cho phát triển bền vững của các doanh nghiệp…” - ông Lê Phụng Thắng nói thêm.
Cùng chung quan điểm, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Misa Nguyễn Xuân Hoàng cho rằng, việc tái cấu trúc không còn là lựa chọn, mà đã trở thành yếu tố sống còn đối với sự phát triển của doanh nghiệp nói chung, SMEs nói riêng.
Ban tổ chức chương trình tặng hoa cảm ơn các khách mời |
Việc tái cấu trúc không chỉ giúp các doanh nghiệp tối ưu hoá nguồn lực và giảm thiểu lãng phí mà còn mở ra những cơ hội để cải tổ, đổi mới. Từ đó, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển vượt bậc trong tương lai.
“Khi nào cần tái cấu trúc” là vấn đề được nhiều đại biểu tham gia CEO Exchange. Chia sẻ quan điểm về câu hỏi này, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển lãnh đạo chiến lược TS Dương Thị Thu cho rằng, doanh nghiệp cần tái cấu trúc khi muốn tìm một hướng đi mới để nâng cao hiệu quả hoạt động và gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Muốn tái cấu trúc, cần thực hiện được 5 bước: đánh giá tổng quan tình hình, lập kế hoạch tái cấu trúc, triển khai và quản lý thực hiện, giao tiếp và quản lý thay đổi, kiểm tra và đánh giá kết quả. “Dựa trên những nguồn lực, các doanh nghiệp cần xác định được việc gì cần làm trước, việc gì sẽ làm sau…” - TS Dương Thị Thu nói thêm.
Chia sẻ tại CEO Exchange, Chủ tịch Câu lạc bộ CEO 1983, Tổng Giám đốc Công ty CP đào tạo và phát triển nhân lực DGroup, đơn vị tổ chức chương trình Lê Dung nhấn mạnh, việc doanh nghiệp phải tái cấu trúc trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống. Hoạt động này thực chất là tạo ra đổi mới và tiến hoá của doanh nghiệp trong từng chu kỳ hoạt động kinh doanh.
CEO Exchange tháng 8 được tổ chức thành công, mang lại nhiều giá trị cho cộng đồng doanh nghiệp trẻ Hà Nội. |
Việc tái cấu trúc phải được thực hiện đồng loạt dựa trên 3 thế chân kiềng gồm: tổ chức quản trị - khoa học và công nghệ - tài chính và kinh doanh. Cũng bởi vậy nên thực tế nhiều doanh nghiệp thời gian qua làm cấu trúc không đồng bộ, không cộng hưởng các yếu tố nên thường rơi vào tình trạng “bình mới rượu cũ”.
Cũng theo CEO Lê Dung, khoa học - công nghệ hiện nay đã thay đổi và các nhu cầu lựa chọn của khách hàng cũng rất phong phú. Chính vì vậy, các doanh nghiệp không thể đi sau nếu không muốn bị đào thải.
“Muốn tái cấu trúc doanh nghiệp, cần tầm nhìn phát triển, ý chí cải cách và “cài đặt” tinh hoa vào doanh nghiệp. Thứ nữa, đây nên được coi là sự nghiệp lớn của các doanh nhân, mang tính tự chủ, tự thân và thích ứng với môi trường kinh tế, kinh doanh, chứ không phải chờ đợi hỗ trợ từ Chính phủ…” - CEO Lê Dung nhấn mạnh.