Sinh viên Bách khoa chế tạo thiết bị giám sát truyền dịch cho bệnh nhân Coivid-19
Giảm áp lực cho y, bác sĩ
Đó chính là những ưu điểm nổi bật trong đề tài “Nghiên cứu, ứng dụng bức xạ hồng ngoại trong cảnh báo sớm truyền dịch y tế” do nhóm sinh viên Viện Cơ khí, trường Đại học Bách khoa Hà Nội (nhóm BK307) thực hiện. Nhóm gồm 5 thành viên: Nguyễn Văn Hà (K61), Ngô Mạnh Tùng (K62), Trần Việt Cường (K62), Triệu Văn Đức (K61), Phạm Thành Tôn (K61).
Theo nhóm trưởng Nguyễn Văn Hà, cuối tháng 3/2020, dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam, y, bác sĩ tại tuyến đầu phải chịu áp lực rất lớn. Tất cả bệnh nhân Covid-19 đều phải cách ly và không có người thân chăm sóc, nên các bệnh viện phải cần nhiều y, bác sĩ hơn.
Mặt khác, khi bệnh nhân truyền dịch, người thân cũng phải theo dõi quá trình truyền. Từ thực tế này, nhóm đã đưa ra ý tưởng sản xuất một sản phẩm giám sát truyền dịch, nhằm giảm vất vả cho y, bác sĩ, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
Nhóm bạn trẻ với thiết bị ứng dụng bức xạ hồng ngoại cảnh báo sớm trong truyền dịch y tế |
Tuy nhiên, biến ý tưởng thành thực tế khiến nhóm gặp nhiều khó khăn. May mắn, nhóm được Tiến sĩ Cao Xuân Bình cùng các thầy cô giáo là giảng viên Viện Cơ khí, trường Đại học Bách khoa Hà Nội hướng dẫn, hỗ trợ. Các thành viên trong nhóm cũng tham khảo, tiếp thu các ý kiến đóng góp để đưa vào sản phẩm.
Sau gần một năm miệt mài nghiên cứu, với nhiều đêm không ngủ, nhóm bạn trẻ đã tạo ra sản phẩm ứng dụng bức xạ hồng ngoại trong cảnh báo sớm truyền dịch y tế.
“Điểm mới và sáng tạo của sản phẩm này là các thiết bị trong một phòng, một tầng, một khu vực sẽ được liên kết với nhau, nhận tín hiệu từ bộ vi xử lý qua sóng wifi, thông qua giao thức MQTT (Message Queuing Telemetry Transport). Các thông số sẽ hiển thị trên máy tính ở phòng trực qua phần mềm giám sát và cơ sở dữ liệu tích hợp”, Phạm Thành Tôn cho biết.
Từ đó, nhân viên giám sát sẽ quản lý được tất cả bệnh nhân đang sử dụng bình truyền dịch, bao gồm danh sách các bệnh nhân, loại dung dịch đang được truyền, tốc độ truyền, số lượng bình cần truyền, số lượng bình đã thay… Dữ liệu có thể được trao đổi và theo dõi từ nhiều thiết bị ngoại vi khác nhau.
Bên cạnh đó, thiết bị sẽ hiển thị vận tốc truyền và dự đoán thời gian hết dung dịch để cảnh báo y, bác sĩ cần phải đến thay bình truyền. Với ưu điểm này, một bác sĩ, điều dưỡng có thể chăm sóc cho nhiều bệnh nhân cùng một lúc, tiết kiệm thời gian, sức lực và trên hết là bảo đảm an toàn cho bệnh nhân.
Sản xuất công nghiệp
Nhóm bạn trẻ cho biết thêm, hệ thống sử dụng bức xạ hồng ngoại để nhận biết giọt nước. Cảm biến thu phát hồng ngoại sẽ tính toán được mỗi giọt nước đi qua để có mức cảnh báo. Việc sử dụng phương pháp này sẽ không để thiết bị tiếp xúc trực tiếp với dung dịch trong bình truyền.
Với nhiều ưu điểm nổi bật sản phẩm đã đoạt giải Nhất cuộc thi Sáng tạo trẻ Bách khoa năm 2020 |
Ngoài ra, việc thiết bị sử dụng cảm biến quang học có thể cho kết quả chính xác nhất, hạn chế việc báo động giả do sai lệch như cảm biến khác. Việc sử dụng bức xạ hồng ngoại cũng giúp thiết bị hoạt động ổn định, tăng tuổi thọ làm việc.
Điểm mạnh của sản phẩm còn ở chỗ, nó thích hợp với điều kiện môi trường, khí hậu làm việc khác nhau; Kết nối được với nhiều thiết bị thông minh và tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường.
Với những ưu điểm nổi bật sản phẩm ứng dụng bức xạ hồng ngoại trong cảnh báo sớm truyền dịch y tế đã xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi “Sáng tạo trẻ Bách khoa năm 2020”.
Theo Tiến sĩ Cao Xuân Bình, giảng viên Viện Cơ khí, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, sản phẩm đã thử nghiệm trên các bình có dung tích khác nhau (100ml, 250ml, 500ml…), các loại dung dịch (nước, muối…) tại Trạm Y tế của trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Quá trình thử nghiệm sản phẩm đã hoạt động ổn định.
Tuy nhiên, không dừng lại ở đó Tiến sĩ Cao Xuân Bình cùng các học trò tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện sản để đưa ra thị thị trường. “Hiện nay chúng tôi đã thiết kế xong kiểu dáng công công nghiệp và chọn linh kiện phù hợp để có thể sản xuất và đưa ra thị trường. Giá của sản phẩm sẽ phụ thuộc nhiều yếu tố, tuy nhiên sẽ rẻ hơn rất nhiều so với ngoại nhập”, Tiến sĩ Cao Xuân Bình chia sẻ.
Tiến sĩ Cao Xuân Bình cho biết thêm, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, đặc biệt ở những vùng tâm dịch lực lượng y bác sĩ rất vất vả, gặp nhiều khó khăn. Vì vậy việc ứng dụng sản phẩm vào điều trị cho người bệnh sẽ giúp y bác, sĩ tiết kiệm được thời gian, sức lực. Từ phòng trực, một bác sĩ có thể theo dõi việc truyền dịch cho nhiều bệnh nhân. Quá trình truyền dịch cũng sẽ được lưu lại để đưa vào bệnh án điện tử nhằm phục vụ tốt hơn việc điều trị cho người bệnh trong tương lai.
Sớm đưa sản phẩm ra thị trường và ứng dụng vào lĩnh vực y tế cũng là mong muốn của tất cả các thành viên trong nhóm. Nhiều bạn trẻ trong nhóm đến từ quê hương Bắc Giang, Hải Dương… những nơi là tâm dịch và chịu hưởng nặng nề bởi Covid-19. Các bạn trẻ muốn góp sức chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 ở quê nhà để cuộc sống trở lại bình thường.