Siêu cảng Cần Giờ - niềm hy vọng vươn ra biển lớn
Hệ thống cảng biển TP Hồ Chí Minh: Phá vỡ rào cản, sức bật tương lai Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam Nâng cao năng lực cảng biển Việt Nam |
Dồn lực đầu tư siêu cảng
Tại hội nghị tổng kết của Bộ Giao thông Vận tải vừa qua, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) cho biết, sự gia tăng không ngừng về kích thước tàu biển và sản lượng hàng hóa đã tạo áp lực lớn lên hệ thống cơ sở hạ tầng hàng hải của Việt Nam.
Hiện nay, sản lượng hàng hóa qua các cảng biển Việt Nam đã đạt 30 triệu TEU, vượt xa dự báo cách đây 10 năm; trong khi đó, Singapore - cảng trung chuyển lớn nhất khu vực đang xử lý khoảng 37 triệu TEU.
Tuy nhiên, sự gia tăng không ngừng về kích thước tàu biển và sản lượng hàng hóa đang tạo áp lực lớn lên hệ thống cơ sở hạ tầng hàng hải của Việt Nam, trong đó, thách thức lớn nhất nằm ở vấn đề nạo vét luồng lạch.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, các dự án nạo vét cần phải được triển khai nhanh chóng để đáp ứng yêu cầu của các tàu lớn, nhưng thực tế ngân sách dành cho hoạt động này vẫn còn đang hạn chế và chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Cùng với đó, các cảng cũng cần áp dụng mô hình "cảng mở", tích hợp hệ thống hải quan nhằm giảm thời gian thông quan, giúp vận chuyển hàng liên cảng và tăng tính cạnh tranh.
Để giải quyết những điểm nghẽn nêu trên, VIMC sẽ tập trung nguồn lực lớn nhất vào các dự án cảng nước sâu mang tính chiến lược, điển hình là dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Phối cảnh dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (Ảnh: VIMC) |
Tổng Giám đốc VIMC cũng rất mong chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và đề nghị TP Hồ Chí Minh sớm hoàn thiện các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư. Theo VIMC, đây sẽ là bước đi quan trọng để nâng tầm ngành Hàng hải Việt Nam, cạnh tranh sòng phẳng với các cảng biển lớn trên thế giới.
Ngoài ra, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết sẽ đẩy nhanh các bước triển khai, phấn đấu khởi công dự án trong năm 2025, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Đồng thời, sau khi dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được phê duyệt, UBND TP Hồ Chí Minh sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư chiến lược thực hiện dự án.
Kỳ vọng vươn ra biển lớn
Theo hồ sơ đề xuất, dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được xây dựng trên diện tích 571ha, tổng mức đầu tư khoảng 113.531 tỷ đồng (tương đương 4,8 tỷ USD), do liên danh nhà đầu tư gồm Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn và Terminal Investment Limited Holding S.A (công ty thành viên Hãng tàu MSC) đề xuất đầu tư.
Đặc biệt, với sự tham gia của hãng tàu MSC cũng được đánh giá là lợi thế lớn của dự án này, bởi đây là hãng tàu lớn nhất thế giới có trụ sở chính tại Geneva, Thụy Sĩ. MSC có năng lực chuyên chở của đội tàu đạt trên 23 triệu TEU/năm, chiếm 18% tổng năng lực vận tải đội tàu thế giới cùng các tuyến dịch vụ kết nối tới hơn 500 cảng biển toàn cầu.
Theo dự kiến, dự án này cũng tạo ra việc làm cho khoảng 6.000 - 8.000 lao động trực tiếp tại cảng, cùng hàng chục nghìn lao động trong các lĩnh vực dịch vụ hậu cần, logistics và các ngành nghề liên quan.
Siêu cảng Cần Giờ đặt nhiều kỳ vọng trong tương lai |
Cụm cảng này còn giúp hàng hóa Việt Nam giảm sự phụ thuộc vào trung chuyển qua Singapore, tạo ra những tuyến vận chuyển hàng đi thẳng quốc tế từ Việt Nam và gia tăng đáng kể năng lực cạnh tranh của hàng hóa nội địa trên thị trường quốc tế.
Khi đi vào hoạt động, cảng Cần Giờ cùng với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải sẽ trở thành 1 tổ hợp cảng giúp nâng cao tính cạnh tranh của ngành Hàng hải Việt Nam, tái định tuyến lại bản đồ hàng hải của khu vực hiện tại và tương lai là châu Á.