Sẽ xử lý nghiêm các doanh nghiệp vận tải hành khách nếu không lắp camera
Hoàn thành lắp đặt camera trước ngày 31/12
Thực hiện kế hoạch của Bộ Giao thông Vận tải, đoàn công tác của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cùng Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã đi kiểm tra tại một số đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn Thủ đô về tiến độ triển khai lắp đặt camera theo quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Báo cáo kế hoạch triển khai lắp đặt camera hành trình cho các phương tiện xe khách của đơn vị, ông Phạm Quang Cường, Phó Giám đốc Công ty TNHH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến cho biết: Hiện đơn vị đã lắp đặt được gần 70% phương tiện. Với số xe còn lại, để bảo đảm các điều kiện kinh doanh vận tải theo quy định, đơn vị đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Phát triển công nghệ điện tử Bình Anh, dự kiến đến ngày 15/12/2021, hoàn thành 100% theo quy định.
“Việc lắp đặt giúp doanh nghiệp giám sát hành vi lái xe không tuân thủ quy định về an toàn giao thông hay tự ý giao xe cho người khác. Bên cạnh đó, camera trên xe còn giúp doanh nghiệp kiểm soát được yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19”, ông Phạm Quang Cường nói.
Bộ Giao thông Vận tải kiên quyết xử lý các doanh nghiệp vận tải không lắp đặt camera trước ngày 31/12/2021 |
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và UBND thành phố Hà Nội, thời gian qua, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã đôn đốc các doanh nghiệp vận tải thực hiện việc lắp đặt. Trên cơ sở rà soát số liệu của các đơn vị vận tải của 30 quận, huyện, thị xã, Sở đã giao cho các Đội Thanh tra giao thông địa bàn đến từng doanh nghiệp để tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp triển khai lắp đặt.
Thống kê cho thấy, trên địa bàn thành phố có trên 34.000 xe trong diện phải lắp đặt camera song tính đến hết tháng 10/2021, mới có khoảng 17% phương tiện lắp đặt. Tỷ lệ này còn rất thấp so với yêu cầu. "Từ nay đến ngày ngày 31/12/2021, sở sẽ tiếp tục đôn đốc các đơn vị vận tải lắp đặt. Đồng thời giao Thanh tra và các phòng nghiệp vụ của sở xây dựng phương án tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Đào Việt Long thông tin.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Phan Thị Thu Hiền khẳng định, thiết bị camera không chỉ phục vụ công tác quản lý nhà nước mà còn cả quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Việc lắp đặt camera đối với doanh nghiệp là thực sự cần thiết. Chính vì vậy, Tổng cục mong muốn doanh nghiệp tăng tốc độ lắp đặt, bảo đảm theo đúng quy định.
“Thời hạn phải hoàn thành lắp đặt không thể lùi được nữa. Sau ngày 31/12/2021, nếu các doanh nghiệp chưa lắp đặt camera, chúng tôi sẽ yêu cầu các sở, ngành và lực lượng chức năng xử lý nghiêm”, Phó Tổng Cục trưởng Phan Thị Thu Hiền nhấn mạnh.
Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm theo quy định
Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, dù đã có nhiều văn bản yêu cầu sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố đôn đốc các đơn vị kinh doanh vận tải khẩn trương thực hiện lắp camera trên xe kinh doanh vận tải theo lộ trình tại Nghị định 10 nhưng đến nay mới có hơn 25.000 trên tổng số 200.000 phương tiện phải lắp camera (đạt khoảng hơn 12%).
Trước đó, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cũng có văn bản nhắc nhở các đơn vị vận tải khẩn trương lắp camera hoàn thành trước ngày 31/12/2021. Hiệp hội khuyến khích doanh nghiệp lắp camera phải đạt chuẩn theo tiêu chuẩn Quốc gia TCVN13396 và cân nhắc lắp đặt thiết bị sử dụng công nghệ 4G trở lên.
Ảnh minh họa |
Ông Quyền cho rằng, sau khi có tiêu chuẩn trên, các doanh nghiệp sẽ yên tâm và lắp camera đúng hạn trước 31/12/2021 như Chính phủ quy định.Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, các đơn vị vận tải vẫn có thể chọn camera theo tiêu chí của Nghị định 10 và Thông tư 12. Tuy nhiên, lắp camera theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN13396 sẽ tối ưu và tiết kiệm lâu dài bởi được tích hợp thiết bị giám sát hành trình công nghệ 4G, nên không cần sử dụng thiết bị 2G cũ đã lắp. Vì thế, xe chỉ cần duy trì 1 simcard 4G, chỉ phải bảo hành một thiết bị, giảm tránh tổn hại ắc quy và hao phí nhiên liệu, sắp tới nhà mạng cắt 2G sẽ không bị ảnh hưởng.
Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, trường hợp sau ngày 31/12/2021 xe kinh doanh vận tải vẫn chưa lắp camera giám sát thì các đơn vị đăng kiểm sẽ từ chối tiếp nhận kiểm định phương tiện.
Để thúc tiến độ lắp camera, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Thanh tra Bộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai Nghị quyết số 66 ngày 1/7/2021 của Chính phủ và đôn đốc thực hiện quy định về lắp camera trên xe ôtô kinh doanh vận tải theo quy định tại Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải.
Cụ thể, các sở Giao thông Vận tải chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị vận tải kinh doanh vận tải thực hiện nghiêm việc lắp đặt camera trên xe để ghi, lưu trữ hình ảnh trong quá trình tham gia giao thông đối với các phương tiện thuộc diện phải lắp camera theo quy định tại Nghị định số 10/2020.
Thời gian thực hiện xong trước ngày 31/12/2021 theo Nghị quyết số 66 của Chính phủ, tuyên truyền đến lái xe, đơn vị kinh doanh vận tải phải lắp đặt camera trên xe ô tô để tránh bị xử phạt từ ngày 1/1/2022.
Các sở Giao thông Vận tải giao thanh tra giao thông phối hợp kiểm tra các phương tiện trước khi xe xuất bến và trong quá trình khai thác hoạt động kinh doanh, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm không lắp camera trên xe theo quy định, báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 5/12/2021.
Nghị định 100/2019 quy định xử phạt đối với lái xe, doanh nghiệp vi phạm lắp camera như sau: Nghị định 10 quy định: Trước ngày 1/7/2021, ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên và xe vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình xe tham gia giao thông. Đối với lái xe: Phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng với người điều khiển xe ô tô kinh doanh vận tải khách và hàng hóa không lắp camera theo quy định (đối với loại xe có quy định phải lắp camera) hoặc có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hình ảnh trên xe (kể cả người lái xe) trong quá trình xe tham gia giao thông theo quy định. Đối với doanh nghiệp: Phạt tiền từ 5 - 6 triệu đồng với cá nhân, từ 10 - 12 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải không lắp camera theo quy định (đối với loại xe có quy định phải lắp camera) hoặc có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hình ảnh trên xe, người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông theo quy định. Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung bị tước quyền sử dụng phù hiệu (biển hiệu) từ 1 - 3 tháng đối với xe vi phạm. |