Ra mắt Tủ sách "Văn học trong nhà trường"
Bìa 6 cuốn đầu tiên trong bộ sách "Văn học trong nhà trường" do NXB Kim Đồng ấn hành
Bài liên quan
“Vua phóng sự miền Tây” lần đầu tiên “hành phương Bắc” ra mắt sách
Khi thi ca khoác lên người "tấm áo mới" của trường mỹ cảm âm nhạc
Đông A “phá lệ”, 10 bản đặc biệt cuốn “Hán Sở diễn nghĩa” đã có chủ
Ra mắt bản dịch đầy đủ "Hán sở diễn nghĩa" và giới thiệu bộ sách "Hán Sở diễn nghĩa liên hoàn họa"
Theo chủ trương mới đã công bố trên các phương tiện truyện thông, trong chương trình Ngữ văn cải cách chỉ quy định một số tác phẩm bắt buộc, phần còn lại các bộ sách giáo khoa có thể tùy tiêu chí mà có cách lựa chọn riêng. Vì vậy việc tự đọc và đọc thêm là rất quan trọng để các học sinh có một nền tảng kiến thức văn học phong phú, vững vàng.
Bộ sách sẽ lần lượt giới thiệu tác phẩm của các tác giả thuộc nhiều trào lưu, thể loại thời kì… xét thấy nên được khuyến khích tìm hiểu trong chương trình học phổ thông. Đến với bộ sách, bạn đọc sẽ gặp những tác giả từ trung đại đến hiện đại của Việt Nam và nước ngoài.
Đó là những Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mạc Tử, Nguyễn Bính, Tố Hữu… trong thơ; những Ngô Gia văn phái, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Tô Hoài, Nam Cao… trong văn xuôi; Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Lưu Quang Vũ… trong kịch; Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan… trong phê bình thơ, văn.
Đó cũng là những Lý Bạch, Đỗ Phủ, Lỗ Tấn… của Trung Quốc, Tagore của Ấn Độ, Shakespeare, Byron… của Anh, Molière, Balzac… của Pháp, Puskin, Sholokhov… của Nga, cùng Andersen, Grimm… mà tên tuổi đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia để đến với nhân loại.
Văn, hay văn học, là môn học đặc biệt gắn bó với mỗi học sinh. Ngay khi bắt đầu đi học, mới còn tập đọc, tập ghép vần, chúng ta đã được làm quen với những câu văn, câu thơ đơn giản mà khiến ta nhớ mãi, rút ra từ các tác phẩm văn học. Lên các lớp trên, chúng ta học đến những trào lưu và thể loại, phong cách và đặc trưng, hay những thứ thuộc về văn học sử, như tác gia văn học, giai đoạn văn học, kể cả các nền văn học khác trên thế giới.
Thậm chí sau khi đã tốt nghiệp, ra trường, vào đời, nhiều người chúng ta vẫn tiếp tục tìm hiểu về văn chương, chữ nghĩa để làm phong phú thêm cho cuộc sống tinh thần của mình, tu dưỡng tâm hồn, tình cảm của mình để cân bằng với những áp lực của cuộc sống hằng ngày… có thể nói, chúng ta học văn suốt đời.
Khác với nhiều môn, văn học không có các công thức có tính bất biến như toán, không có các định lí có tính phổ quát như lí, cũng không có các học thuyết có tính quy luật như sinh… Văn học, khác với tất cả, không có một chìa khóa chung nào để giải mã tất cả các tác phẩm, không có một đáp án duy nhất nào để hiểu đúng về một bài thơ hay một truyện ngắn. Văn học là phạm trù của cái riêng - cái gọi là cá tính sáng tạo của tác giả với tác phẩm của mình, cái làm nên nét đặc sắc riêng của chính tác phẩm ấy.
Vì vậy, học văn chính là học mỗi tác phẩm riêng biệt. Thậm chí một tác phẩm có thể học xuyên suốt các cấp, mỗi cấp lại học cao lên một bậc.
Cũng từ mỗi tác phẩm ấy, một khi được tiếp cận, được mở mang những cái hay, cái đẹp qua lời bình chú của các chuyên gia văn học từng dày công nghiên cứu tác phẩm, chúng ta sẽ ngộ ra một điều then chốt: văn học có tính tất yếu của nó, đó là tuân theo cái đẹp và mang tính nhân văn. Đó cũng là hai tiêu chí chung nhất của các tác phẩm trong bộ sách mà Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu lần này.
Ngoài giá trị tư liệu học tập, hi vọng bộ sách còn giúp bồi dưỡng thêm tình yêu văn học, khích lệ tư duy sáng tạo giúp người đọc có được cho mình những nhận định khách quan và hợp lí.