Quy hoạch điện VIII: Cắt giảm điện tái tạo, tăng điện than là “những bước lùi”
Mối lo vì “đẻ” thêm thủ tục gây khó nhà đầu tư điện gió Tập đoàn Đức Thắng có đủ lực làm cụm điện gió gần 14.000 tỷ ở Hà Tĩnh? |
Cắt giảm điện tái tạo, tăng điện than
Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) vừa có kiến nghị lần 4 để góp ý cho dự thảo tờ trình của Bộ Công thương và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện VIII).
Theo VSEA, so với bản trình vào tháng 3/2021, lần này có những điểm mới như cắt giảm tổng công suất nguồn điện trong cả 2 giai đoạn (2030-2045) của thời kỳ quy hoạch; tăng cường kiểm soát và giám sát thực hiện quy hoạch; thể hiện rõ quan điểm, mục tiêu ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là nguồn năng lượng tái tạo phân tán và cuối cùng là tập trung cân bằng phụ tải nội vùng để hạn chế truyền tải từ xa.
Tuy nhiên, những vấn đề tồn tại lớn mà các chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đã được VSEA tập hợp, góp ý trong 3 lần kiến nghị trước đây vẫn chưa được giải quyết. Thậm chí, bản thảo lần này thể hiện “những bước lùi” khi tăng thêm khoảng 3.000MW điện than và giảm khoảng 8.000MW điện tái tạo vào năm 2030, trong khi lộ trình “điện cạnh tranh” chưa rõ ràng, bố trí nguồn lực thực hiện quy hoạch, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư chưa thuyết phục.
Theo VSEA, dự thảo có phần đi ngược lại quan điểm xuyên suốt được xác định trong Nghị quyết 55/NQ-TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: “Nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hoá hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng. Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng; kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng”.
Việc tập trung các nguồn điện truyền thống này cho lưới điện hiện tại chỉ nhằm đảm bảo tính ổn định của hệ thống điện mà làm mất đi cơ hội bắt nhịp và hòa nhập, tạo xung lực cho nền kinh tế năng lượng tiên tiến và phát triển xanh của quốc gia.
VSEA cho rằng, Quy hoạch điện VIII nên kiên định với con đường phát triển năng lượng tái tạo, tránh bị những trở ngại của năng lượng tái tạo vừa qua cản trở định hướng này. Thay vì cắt giảm mạnh nguồn điện sạch từ năng lượng tái tạo, tăng nguồn điện than nguy cơ gây ô nhiễm với nhiều hệ lụy, cần ưu tiên chính sách để tạo ra hệ sinh thái cho phát triển năng lượng tái tạo bền vững, với chi phí giá thành ngày càng cạnh tranh.
Chỉ khi có “lộ trình điện cạnh tranh rõ ràng” với cơ chế, chính sách đồng bộ, thì ngành công nghiệp non trẻ này của Việt Nam mới phát triển, công nghệ hiện đại được áp dụng, doanh nghiệp trong nước có thể cung cấp các dịch vụ nhiều hơn từ thiết kế, xây lắp, vận chuyển, vận hành, bảo trì… có những đóng góp quan trọng vào chiến lược an ninh năng lượng quốc gia.
Dự thảo Quy hoạch điện VIII đề xuất tăng điện than, giảm năng lượng tái tạo |
Đồng thời, những dự án điện than có tính khả thi thấp, các địa phương không ủng hộ và khó tiếp cận tài chính (tương đương khoảng 16.400MW) cần được xem xét lại cẩn trọng và tìm các phương án thay thế.
Các phương án thay thế mà VSEA đề xuất bao gồm điện mặt trời nổi kết hợp với các nhà máy thủy điện hiện có, đẩy mạnh khai thác tiềm năng điện gió, điện mặt trời phân tán, phát triển mô hình kết hợp “lợi ích kép – dual use” điện mặt trời, điện gió với nông nghiệp, thủy sản kết hợp thực hiện các chương trình sản xuất sạch hơn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn năng lượng.
Bên cạnh đó, để tạo điều kiện khai thác hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo, Quy hoạch điện VIII nên đưa giải pháp khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư lưới điện và xem xét ngay việc nghiên cứu ứng dụng giải pháp pin tích trữ không gây hại môi trường. Công nghệ lưu trữ ngày càng rẻ, cần có chính sách tạo điều kiện kết hợp với nắm bắt công nghệ tiên tiến của thế giới để bộ đôi năng lượng tái tạo và lưu trữ ở quy mô lớn, trung bình, nhỏ tham gia vận hành ngành điện trong tương lai.
Ngoài ra, theo VSEA, dự thảo Quy hoạch điện VIII cần tiếp tục làm rõ 2 vấn đề then chốt, đảm bảo tính khả thi khi thực hiện là việc bố trí nguồn vốn và định hướng cơ bản phân kỳ vốn đầu tư thực hiện quy hoạch và lộ trình tiến tới “thị trường điện cạnh tranh” theo Nghị quyết 55-NQ/TW và lộ trình, tiến độ hoàn thiện lưới truyền tải điện quốc gia, vùng miền thực hiện Quy hoạch.
Điện than nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến môi trường
Lý giải cho những đề xuất, kiến nghị của mình, VSEA cho rằng, so với tờ trình hồi tháng 3/2021, tờ trình lần này có tổng công suất điện lắp đặt toàn hệ thống giảm 7.688MW vào năm 2030 và giảm 15.046MW vào năm 2045, nhưng công suất này giảm do việc cắt giảm công suất của năng lượng tái tạo.
Cụ thể, đến năm 2030, năng lượng tái tạo bị cắt giảm 8.170MW trong khi điện than tăng thêm 3.076MW so với tờ trình hồi tháng 3-2021. Tương tự, đến năm 2045, năng lượng tái tạo giảm 16.110MW và điện than tăng thêm 513 MW.
Ngoài ra, dự thảo lần này đã tăng công suất thủy điện thêm 612MW vào năm 2030 và 3.305MW vào năm 2045 để bù cho phần giảm của điện gió, mặt trời và sinh khối, nhờ vậy, tăng tính phù hợp với chỉ tiêu của Nghị quyết 55-NQ/TW.
Tuy nhiên, ngoài chỉ tiêu năm 2030 đạt, thì việc giảm mạnh công suất năng lượng tái tạo vào năm 2045, khiến tổng năng lượng tái tạo toàn ngành năng lượng trong kịch bản cơ sở chỉ đạt 71,2 TOE (tấn dầu tương đương), thấp hơn so với chỉ tiêu cận dưới của Nghị quyết 55-NQ/TW là 76 TOE.
Trong khi đó, theo VSEA, lộ trình “điện cạnh tranh” là chưa rõ ràng, bố trí nguồn lực thực hiện quy hoạch, đặc biệt nguồn vốn đầu tư là chưa thuyết phục.
Mặt khác, theo VSEA, dự thảo Quy hoạch điện VIII chưa nhìn nhận đúng mức về vai trò của nguồn năng lượng tái tạo vì thế chưa đưa ra các giải pháp hiệu quả để khai thác nguồn năng lượng có chi phí nhiên liệu 0 đồng này.
Điện gió mang lại nhiều lợi ích, phát triển lâu dài bền vững nhưng lại bị đề xuất cắt giảm |
Theo đó, phần đánh giá về hiện trạng phát triển nguồn điện toàn quốc của Tờ trình nêu “trong khi các nguồn năng lượng tái tạo có tổng công suất lắp đặt khoảng 17369MW (chiếm tỷ lệ 25% công suất lắp đặt hệ thống) nhưng chỉ sản xuất sản lượng điện năng khoảng 4,63% tổng điện năng sản xuất toàn hệ thống”.
Cách viết này có thể gây ra nhìn nhận tiêu cực về năng lượng tái tạo. Cần nhận định một cách công bằng là do hệ thống lưới không đáp ứng được nên nguồn năng lượng tái tạo phải tiết giảm công suất, dẫn tới sản lượng điện không được như khả năng phát. Ngoài ra việc cắt giảm hiện nay là do quy hoạch về nguồn và lưới đã không được tính toán đúng trong giai đoạn trước đó.
Trong khi đó, lợi ích về tạo việc làm khi phát triển năng lượng tái tạo chưa được đánh giá trong dự thảo quy hoạch điện.
Theo kết quả nghiên cứu gần đây nếu phát triển năng lượng tái tạo thì sẽ tạo ra số lượng việc làm gấp đôi trên cùng một công suất so với điện than; tạo việc làm cho người dân trong quá trình phục hồi sau đại dịch là một vấn đề bức thiết. Nếu tiếp tục thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo nhất là các giải pháp phân tán thì có thể góp phần tạo ra nhiều việc làm ở các địa phương.
VSEA cũng cho rằng, dự thảo vẫn đặt cược vào điện than trong vòng 10 năm chính của quy hoạch (2021-2030), và tiếp tục kéo dài sự phát triển này sang giai đoạn 2035-2045. Đây là lựa chọn ẩn chứa nhiều rủi ro và khó khả thi.
Trong 10 năm chính của quy hoạch (2021-2030), nhiệt điện than vẫn tiếp tục tăng mạnh, khoảng 22.000MW từ nay tới 2030, đưa tổng công suất điện than năm 2030 lên gần gấp đôi so với mức hiện có vào năm 2020. Giai đoạn 2030-2045 điện than dự kiến tăng thêm khoảng 8.000MW nữa.
"Chúng tôi cho rằng tính khả thi của những dự án này cần được đánh giá lại dựa trên khả năng tiếp cận vốn trong thực tế, quá trình phát triển những dự án này trong quá khứ và những thay đổi lớn gần đây của ngành than", VSEA cho biết.
Theo VSEA, ba quốc gia đầu tư cho nhiệt điện than ở Việt Nam (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) đã chính thức tuyên bố dừng cấp vốn cho các dự án điện than mới. Vì vậy, câu hỏi lớn đặt ra là Việt Nam sẽ tiếp cận nguồn tài chính nào để phát triển điện than?
Việc thiếu vốn khiến tình trạng dự án treo từ quy hoạch này sang quy hoạch khác như thế này là một sự lãng phí về nguồn lực của địa phương, và kìm hãm sự phát triển kinh tế của người dân, gây ra nhiều bức xúc trong đời sống của người dân địa phương. Nếu những dự án không khả thi tiếp tục được đưa vào quy hoạch mà không thể tiếp cận được nguồn vốn không chỉ ảnh hưởng tới an ninh năng lượng mà còn kéo lùi sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương cũng như của cả nước.
Bên cạnh đó, sự biến động của giá than trong thời gian qua cảnh báo rủi ro rất lớn về hệ lụy kinh tế nếu tiếp tục phát triển điện than. Hiện giá điện than không hề rẻ mà ngược lại đắt nhất và đắt hơn tất cả các loại năng lượng tái tạo đang hưởng giá FIT (ưu đãi). Khi sản lượng điện than chiếm gần 50% tổng sản lượng hệ thống điện, với xu thế biến động tăng giá như vừa qua sẽ tạo nên áp lực lớn đối với ngành điện và làm tăng giá điện.
Mặt khác, theo VSEA, dự thảo cũng không phản ánh được nguyện vọng của các bên liên quan bao gồm người dân, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức khoa học độc lập, đối tác phát triển…
Theo phân tích, việc ưu tiên phát triển mạnh năng lượng tái tạo, không phát triển thêm điện than mới là nguyện vọng của người dân và chính quyền ở nhiều địa phương. Việc từ chối tiếp nhận, để xuất dừng dự án hoặc chuyển đổi nhiên liệu của một loạt địa phương trong thời gian qua như Thừa Thiên Huế, Bạc Liêu, Long An, Tiền Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Quảng Ninh đã cho thấy rõ sự không ủng hộ điện than.
Đối với khối doanh nghiệp, cơ chế ưu đãi đã giúp thị trường điện mặt trời ở Việt Nam phát triển bùng nổ từ con số 0 lên khoảng 17.000MW trong vòng 2 năm. Tuy nhiên, với dự thảo như hiện tại thì ngành điện mặt trời ở Việt Nam vừa mới khởi sắc đã lập tức bị bóp nghẹt.
Quy hoạch chỉ phát triển 2.000MW điện mặt trời trong vòng 10 năm tới (tương ứng 200MW/năm) sẽ thu hẹp thị trường khiến hàng loạt doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam trong lĩnh vực này chết yểu, bởi doanh nghiệp tư nhân nào có thể đủ sức chờ đợi để đầu tư lại vào điện mặt trời sau 10 năm nữa.
Tháng 3/2021, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ Công thương truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) nghiên cứu thông tin phản ánh ý kiến chuyên gia về cơ cấu nguồn nhiệt than trong dự thảo Quy hoach điện VIII. Theo đó, một số cơ quan báo chí dẫn lời các chuyên gia đánh giá, trong dự thảo Quy hoach điện VIII, cơ cấu nhiệt điện than vẫn được duy trì cho tới năm 2045 trong khi đó lợi thế về năng lượng tái tạo chưa được tận dụng, khai thác đúng mức. Đồng thời, dự thảo Quy hoach điện VIII đang mâu thuẫn với quy hoạch tích hợp Đồng bằng sông Cửu Long và Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Các nhà máy nhiệt điện than nên được thay thế bằng năng lượng khí đốt và năng lượng tái tạo. Về thông tin phản ánh nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công thương nghiên cứu, đánh giá trong quá trình xây dựng và trình duyệt quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. |