Quy hoạch báo chí, xuất bản cần phù hợp với xu thế phát triển
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Quan tâm phát triển hệ thống thông tin cơ sở, mạng lưới xuất bản gắn với nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền của chính quyền cơ sở, đổi mới công nghệ, phương thức thông tin, chú trọng hạ tầng công nghệ viễn thông cho vùng sâu, vùng xa - Ảnh: VGP/Minh Khôi |
Theo báo cáo của Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT), trong quá trình xây dựng dự thảo Quy hoạch, cơ quan soạn thảo đã cập nhật các dự báo, đánh giá về xu thế phát triển, cũng như các kịch bản phát triển đến năm 2050 trong bối cảnh khoa học, công nghệ phát triển nhanh chóng, phù hợp với định hướng phát triển chung của quy hoạch ngành quốc gia giai đoạn 2021-2030, định hướng đến 2050.
Theo đó, Quy hoạch bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với hoạt động của mạng lưới báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở và xuất bản, in, phát hành.
Quy hoạch thống nhất, đồng bộ, phát triển bền vững, hợp lý và hài hòa với các nội dung kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh; xây dựng mạng lưới báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở và xuất bản, in, phát hành có tính định hướng, chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu tiếp cận thông tin của nhân dân, góp phần nâng cao dân trí, tạo sự đồng thuận xã hội, khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch là tổ chức, sắp xếp hợp lý, tinh gọn mạng lưới các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở và xuất bản, in, phát hành để cung cấp thông tin chính xác, kịp thời và có giá trị tới nhân dân.
Quy hoạch nhằm thực hiện thành công chuyển đổi số, đổi mới mô hình quản lý, cách thức tổ chức, vận hành; Đa dạng hoá phương thức cung cấp nội dung và hoạt động sản xuất kinh doanh trên đa nền tảng, đa phương tiện, lấy người dân làm trung tâm.
Bên cạnh đó, Quy hoạch để hực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực thông tin; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước, nhu cầu thông tin của người dân, bảo đảm an ninh quốc phòng, bắt kịp xu thế thông tin, truyền thông của thế giới, góp phần nâng cao uy tín, vị thế và hình ảnh Việt Nam.
Ghi nhận các ý kiến lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Bộ TT&TT, Bộ KH&ĐT, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, Quy hoạch nhằm phát huy vai trò của báo chí, xuất bản là công cụ sắc bén của Đảng, Nhà nước trong công tác thông tin, tuyên truyền về đường lối, chủ trương, chính sách, giáo dục tư tưởng…
Phó Thủ tướng nêu rõ: Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021- 2030 là một quy hoạch ngành của Bộ TT&TT và phải bao hàm nội dung của Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 (Quyết định 362).
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu đến năm 2025 phải hình thành được những đơn vị truyền thông đối ngoại chủ lực (truyền hình, phát thanh, báo viết, nhà xuất bản) - Ảnh: VGP/Minh Khôi |
Tuy nhiên, đây cũng là một nhiệm vụ khó khăn, nhạy cảm, nhất là trong xác định vị trí, quan hệ với của các văn bản quy hoạch, quản lý báo chí có liên quan như Quyết định 362. Do vậy, Bộ trưởng Bộ TT&TT phải hết sức quan tâm chỉ đạo sâu sát, giải quyết ngay những vấn đề vướng mắc trong quá trình xây dựng Quy hoạch theo nhiệm vụ được giao tại Luật Quy hoạch (có hiệu lực từ năm 2019); báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý ngay; "khẩn trương hoàn thiện các thủ tục phê duyệt Quy hoạch".
Trong thời gian tới, cơ quan soạn thảo tiếp tục làm rõ nội dung quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp còn nguyên giá trị của Quyết định 362; đồng thời bổ sung thêm hệ thống các chủ trương quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mới, đặc biệt là giai đoạn từ 2025 đến 2030 và tầm nhìn 2050 nhằm cụ thể hoá một bước các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước.
Phó Thủ tướng lưu ý, Bộ TT&TT cần quan tâm phát triển hệ thống thông tin cơ sở, mạng lưới xuất bản gắn với nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền của chính quyền cơ sở, đổi mới công nghệ, phương thức thông tin, chú trọng hạ tầng công nghệ viễn thông cho vùng sâu, vùng xa; xác định rõ đến năm 2025 phải hình thành được những đơn vị truyền thông đối ngoại chủ lực (truyền hình, phát thanh, báo viết, nhà xuất bản); nghiên cứu thêm các phương thức truyền thông đối ngoại khác.
Bên cạnh đó, Quy hoạch phải chú trọng công tác, cơ chế quản lý nhằm hình thành dòng chảy thông tin chính thống mạnh mẽ trước sự phát triển hết sức nhanh chóng, có tính đột biến các phương thức truyền thông mới đa nền tảng, đa phương tiện, cũng như tình trạng báo hoá tạp chí.
Phó Thủ tướng giao Bộ TT&TT chỉ đạo hoạt động của cơ quan soạn thảo một cách khoa học, nghiêm túc, có sự phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương, lắng nghe ý kiến của các cơ quan truyền thông chính thống, các địa phương, chuyên gia, nhà quản lý… để xây dựng Quy hoạch khả thi, có tính mới, đột phá, đi vào thực chất, phù hợp với xu thế phát triển. Từ đó, Bộ TT&TT khẩn trương hoàn thiện lại dự thảo Quy hoạch, lấy ý kiến các thành viên Chính phủ, báo cáo cấp thẩm quyền theo quy định, hoàn thành thủ tục để Thủ tướng Chính phủ có thể phê duyệt trong tháng 6/2023.