Quảng Nam: Vì sao giá cát xây dựng trên địa bàn tăng đột biến?
Khai thác cát tại mỏ của Công ty Trường Lợi, sông Vu Gia, huyện Đại Lộc (Ảnh: V.Q) |
Tại cuộc họp, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam, cho biết có 2 mỏ tại huyện Duy Xuyên và huyện Đại Lộc đang dừng hoạt động do cung cấp hồ sơ liên quan cho cơ quan Công an.
Sẽ thiếu nguyên liệu nếu không quy hoạch thêm các mỏ?
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 13 giấy phép khai thác cát, sỏi và 25 giấy phép khai thác đá hoạt động, với trữ lượng đá hơn 2 triệu m3/năm. Đối với đất san lấp, hiện có 8 mỏ còn giấy phép với trữ lượng hơn 1 triệu m3; Đất san lấp tại các mỏ đá là hơn 500 ngàn m3. Ngoài ra, có 24 trường hợp mỏ đang hoàn thiện giấy tờ để chờ cấp phép hoạt động liên quan đến mỏ cát, sỏi.
Về đấu giá 41 khu vực khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường thông tin có hai địa phương được đấu giá thành công về khoáng sản cát, đất sét. Ngoài ra, việc đấu giá khai thác khoáng sản của các địa phương hiện nay vẫn còn chậm.
Về thực trạng thiếu hụt cát trong xây dựng tại các địa phương, theo Sở Tài nguyên và Môi trường, thủ tục cấp phép khai thác không thể cắt giảm được và phải theo quy định pháp luật.
"Hiện các mỏ khoáng sản hết hạn sẽ không được gia hạn. Đến năm 2024, nếu không gia hạn cấp phép thì trên địa bàn tỉnh chỉ còn 2 mỏ đi vào hoạt động khoáng sản, trong đó có mỏ cát tại huyện Đại Lộc", Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay.
Các điểm tập kết cát tại Đại Lộc đang "neo bến" kể từ Tết Nguyên đán cho đến nay (Ảnh: V.Q) |
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết ngoài việc Công an tỉnh, Thanh tra Chính phủ đang làm việc liên quan đến một số mỏ khoáng sản, trong thời gian đến Thanh tra tỉnh sẽ thực hiện thanh tra đối với một số đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Kiến nghị lùi thời gian thanh tra các mỏ khoáng sản
Trước thực trạng các mỏ khoáng sản như đã nêu trên, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh kiến nghị bổ sung quy hoạch và tổ chức đấu giá, nếu không nguồn nguyên liệu khoáng sản tại Quảng Nam sẽ thiếu, nhất là các địa phương như Đại Lộc...
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, đơn vị cũng kiến nghị Công an tỉnh kiểm tra hoạt động của 2 đơn vị mỏ tại huyện Đại Lộc và Duy Xuyên.
Mỏ cát của Công ty Quang Cử tại huyện Đại Lộc (Ảnh: V.Q) |
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, việc gia hạn các mỏ khoáng sản trong trường hợp đơn vị hết hạn nhưng hội tụ đủ hồ sơ và mỏ hiện trạng vẫn còn trữ lượng trong thời hạn thì sẽ được gia hạn theo quy định.
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng kiến nghị dời các đợt thanh tra của Thanh tra tỉnh về các mỏ khoáng sản sang năm 2024.
Các địa phương đề nghị quy hoạch thêm các mỏ khoáng sản
Theo UBND huyện Đại Lộc, trước Tết, giá cát ổn định với 3 mỏ và 4 bến bãi (mỏ Quang Cử, Trường Lợi và Pha Lê) với trữ lượng cho phép 170 ngàn m3. Tuy nhiên, từ sau Tết Nguyên đán 2023, các đơn vị khai thác, tập kết lại không thực hiện việc khai thác, tập kết như trước.
UBND huyện Đại Lộc sau đó đã ra thời hạn khai thác từ ngày 10/2 nhưng sau đó các đơn vị vẫn không thực hiện. Về nguyên nhân, UBND huyện Đại Lộc cho biết các đơn vị nói trên có vấn đề về vệ sinh môi trường.
Hiện nay, có đơn vị là Công ty Pha Lê đã đảm bảo về môi trường sau khi khai thác lại từ ngày 22/2.
Đối với công ty Trường Lợi, theo UBND huyện Đại Lộc, đơn vị đang cung cấp hồ sơ cho Công an để phục vụ điều tra. Dự kiến vào sáng ngày 28/2, Trường lợi sẽ hoạt động khai thác trở lại.
"Hai đơn vị là Công ty Pha Lê và Trường Lợi sẽ khai thác hơn 100 ngàn m3 theo trữ lượng. Sau khi các đơn vị vào khai thác và giá cát đã được công khai, giá cát sẽ ổn định và đi vào quỹ đạo như trước đây", UBND huyện Đại Lộc thông tin.
Mỏ cát của Công ty Trường Lợi sẽ hoạt động lại vào ngày 28/2 (Ảnh: V.Q) |
Theo UBND huyện Đại Lộc, trữ lượng khai thác của Trường Lợi trong 3 tháng đã bằng trữ lượng khai thác của một năm. Do vậy, UBND huyện này đang tìm cách xử lý.
Về đá xây dựng, theo UBND huyện Đại Lộc, mỏ đá tại Đại Hiệp có chất lượng kém, không tốt. Ngoài ra, trên địa bàn có 2 mỏ được cấp phép nhưng sẽ thu hồi và thực hiện bồi thường do liên quan đến đường dây 500 kV.
Trong thời gian đến, UBND huyện đề xuất đấu giá tại 5 điểm và mỏ đá tại 2 điểm giảm diện tích quy hoạch.
Theo UBND huyện Duy xuyên, đơn vị có 1 mỏ cát nhưng đang dừng khai thác. Về mỏ đất, huyện có 1 mỏ phục vụ khai thác công trình tránh lũ và công trình và không được bán. Đối với đá, tình hình giá cát và thực trạng khai thác không có biến động tăng.
Khai thác đá tại huyện Núi Thành (Ảnh: V.Q) |
Về mỏ cát tạm dừng liên quan đến trạm bơm Cù Bàn (66 ngàn m3), UBND huyện sẽ xin ý kiến UBND tỉnh về việc cho thi công hoặc dừng.
Về 50 ha lúa đang bị ảnh hưởng với việc nạo vét trạm bơm Cù Bàn, UBND huyện đề xuất dùng ngân sách huyện để nạo vét, tránh khô hạn nếu UBND tỉnh không đồng ý việc cho nạo vét dự án.
Theo UBND thị xã Điện Bàn, hiện đơn vị không có mỏ khoáng sản đi vào khai thác nhưng đang có một mỏ đưa vào đấu giá tại xã Điện Thọ (mỏ cát). Hiện thị xã đề xuất 2 mỏ trên địa bàn để đi vào khai thác trong thời gian đến. Hiện guồn cát trên địa bàn thị xã đang khan hiếm.
Tại Quế Sơn có 2 mỏ đá đang hoạt động, riêng nguồn cát xây dựng đang khó khăn và khan hiếm. Về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, huyện Quế Sơn có 4 mỏ đất san lấp. Hiện, UBND huyện đang xây dựng kế hoạch đấu giá theo quy định.
UBND huyện Quế Sơn đề nghị quản lý giá cát, tránh tăng đột biết như vừa qua do phải đi mua từ các địa phương khác.
Nguồn cát xây dựng tại tỉnh Quảng Nam đang khan hiếm và cần được giải quyết (Ảnh: V.Q) |
Liên quan đến các dự án có sử dụng khoáng sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, một số dự án đưa ra đấu thầu nhưng không có đơn vị nào tham gia, nhất là tại thị xã Điện Bàn.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, liên quan đến đất rừng sản xuất về việc khai thác mỏ khoáng sản, đơn vị vẫn đề xuất thực hiện theo quy định của pháp luật. Thời gian quan, do nguồn cung không đáp ứng đủ nên dẫn đến tình trạng việc cung ứng cho các địa phương gặp khó.
Về việc thực hiện khai thác mỏ sau khi nộp ngân sách, khắc phục các đường giao thông tại các khu vực có mỏ đi qua, Sở Tài chính đề nghị UBND tỉnh cần có cơ chế để xử lý khéo việc các doanh nghiệp khai thác và thu lợi.
Đại diện Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: V.Q) |
Đấu giá nhưng không có nhà thầu?
Theo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam, đối với trữ lượng 1,3 triệu m3 cát tạp chất tại sông Cổ Cò, phía đơn vị đã tổ chức đấu giá đến 3 lần nhưng vẫn không có đơn vị tham gia dự thầu.
Giá khởi điểm của mỗi khối cát tạp chất này là 144 ngàn đồng. Do vậy, Ban này đã có báo cáo gửi Sở Tài chính và có thông báo yêu cầu khảo sát và tổ chức đấu giá lại theo quy định.
Đại diện Sở Tài chính cho biết, theo quy định các camera phải có lưu trữ nhưng nhiều đơn vị không có lưu trữ (dung lượng quá lớn - PV) nên đơn vị phải tổ chức kiểm tra đột xuất và ấn định theo sản lượng cấp phép. Do vậy, việc kiểm tra qua camera như hiện nay là không hiệu quả.
Thanh tra, kiểm tra để ngăn thất thoát tài nguyên
Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết có sự quản lý, gây thất thoát trong việc khai thác khoáng sản cát nên đề nghị các địa phương có khai thác cát kiểm tra.
Theo ông Quang, các đơn vị không thể lấy lý do nghỉ tết, thanh tra, kiểm tra... của cơ quan chức năng để nghỉ khai thác, khiến nguồn cát xây dựng gặp khó như vừa qua.
Việc niêm yết và bán cát theo giá, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cơ quan liên quan vào cuộc thanh tra, nhất là về trốn thuế gây thất thoát tài nguyên khoáng sản. Theo ông Quang, các địa phương cần chia sẻ nguồn cát để phục vụ công trình trên địa bàn.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng các địa phương nên khẩn trương và chủ động tổ chức đấu giá các mỏ khoáng sản, phục vụ nhu cầu thi công các công trình.
Tuy nhiên, các địa phương không nên ào ạt tổ chức đấu thầu gây mất cân bằng nguồn cung - cầu của thị trường.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam (Ảnh: V.Q) |
Ông Thanh cũng thống nhất các mỏ khoáng sản cần rà soát hạ tầng giao thông từ việc một tuyến đường nhưng lại được đấu cùng một lúc, khi khu vực này có nhiều mỏ khoáng sản cùng sử dụng chung.
Về tải trọng xe, các đơn vị khai thác và đơn vị liên quan cần vào cuộc quản lý, nhất là Công an tỉnh và Công an xã.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị đơn vị liên quan quản lý chặt chẽ các camera, cân tải trọng nhất là từ Cục thuế tỉnh; Đồng thời xử lý nghiêm việc doanh nghiệp lắp đặt camera nhưng lại vi phạm trong khai thác (vượt trữ lượng khai thác...). Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị việc gom các đơn vị mỏ nhỏ để thực hiện việc đấu thầu mỏ lớn.
Ông Lê Trí Thanh cũng yêu cầu các doanh nghiệp công bố giá bán khoáng sản công khai và phải bán đúng giá. Đề nghị xử lý các doanh nghiệp bán "hai giá" hoặc bán không đúng với giá đã niêm yết.