Quảng Nam tái cơ cấu thị trường du lịch theo hướng xanh, bền vững
Để vực dậy ngành du lịch ảm đạm sau dịch bệnh, Quảng Nam đang tìm hướng phát triển mới để thích ứng
Đại dịch covid làm ảnh hưởng nặng nề với nền kinh tế, trong đó ngành du lịch là một trong những ngành bị chịu thiệt hại nặng nề nhất. Để vực dậy ngành du lịch ảm đạm sau dịch bệnh, Quảng Nam đang tìm hướng phát triển mới để thích ứng.
Với định hướng cơ cấu lại ngành và tìm hướng đi cho du lịch xanh, bền vững sau khi dịch bệnh COVID-19 được khống chế và đẩy lùi, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao – Du lịch Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng chia sẻ: Khủng hoảng COVID-19 đã gây thiệt hại nặng nề cho kinh tế du lịch nhưng cũng tạo cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp hoạt động du lịch nhìn nhận lại quá trình hoạt động, mở hướng du lịch xanh, bền vững. Đây là những vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay để ngành du lịch Quảng Nam vượt qua khó khăn và lấy lại đà tăng trưởng.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam chủ trì hội thảo |
Đánh giá về thị trường khách du lịch đến Quảng Nam thời gian qua và cơ cấu lại thị trường chiến lược cho du lịch Quảng Nam trong thời gian đến, Chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam Trần Trọng Kiên nhấn mạnh: Sau đại dịch COVID -19, xu hướng du lịch có quy mô nhỏ, quy mô hộ gia đình, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái đã bắt đầu khôi phục. Đây là cơ sở để kỳ vọng về sự thành công của chủ trương chú trọng thị trường khách du lịch nội địa, người Việt Nam du lịch Việt Nam.
Du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm về văn hóa, lịch sử và sự kiện sẽ là những sản phẩm có khả năng lấy lại sự phục hồi cho ngành du lịch. Cộng đồng doanh nghiệp cần có giải pháp và sản phẩm du lịch, dịch vụ hấp dẫn để đón thị trường khách du lịch này.
“Bình quân mỗi năm, Việt Nam có 12 triệu lượt người đi du lịch nước ngoài, nay dịch bệnh, số người này sẽ không thể đi được, nếu chúng ta xây dựng tốt các sản phẩm, cũng như chú trọng chất lượng dịch vụ thì mới thu hút được lượng khách trên. Bởi đây là lượng khách thực sự có tiền”, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Minh chia sẻ.
Chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam Trần Trọng Kiên phát biểu tại hội thảo |
Nhận diện và đề xuất giải pháp xây dựng thương hiệu du lịch Xanh, bền vững cho Quảng Nam, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam Phan Xuân Thanh đề xuất: Nhà nước và doanh nghiệp cùng đồng hành để xây dựng và bảo trợ thương hiệu du lịch “xanh” trên cơ sở giảm thiểu rác thải, khí thải gây ô nhiễm môi trường.
Cộng đồng doanh nghiệp du lịch cùng hợp tác để tạo ra một mạng lưới hỗ trợ rộng khắp trong quá trình bảo trợ sản phẩm du lịch chất lượng. Điều quan trọng nhất trong qúa trình xây dựng thương hiệu du lịch xanh là phải tạo ra sự thay đổi nhận thức trong cộng đồng, cải thiện sinh kế cho cộng đồng, bảo tồn và phát huy bền vững các giá trị di sản và văn hóa truyền thống.
Đảo Cù Lao Chàm, Hội An |
Đánh giá cao vai trò của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong phát triển du lịch Quảng Nam, Ông Micheal Croft - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, chia sẻ: Nếu chúng ta coi trải nghiệm thực tế về các giá trị di sản là chìa khóa thành công, thì yếu tố còn lại là tính bền vững của công tác bảo tồn. Du lịch là nhân tố của sự biến đổi, ngành du lịch cần phải đi trước để đảm bảo rằng những tác động từ du lịch đối với môi trường, với di sản đang được quản lý tốt và bền vững. Đây là điều hết sức quan trọng trước khi triển khai bất kỳ dự án nào.
Nhiều đại biểu còn chia sẻ về các giải pháp công nghệ truyền thông và kỹ thuật số hướng đến du lịch trải nghiệm, du lịch xanh, quảng cáo và giới thiệu sản phẩm, dịch vụ điện tử, gia tăng doanh thu cho du lịch từ dữ liệu (Big database). Đồng thời, giới thiệu bộ tiêu chí xanh cho du lịch Quảng Nam.
Hội thảo có sự tham gia của 200 đại biểu |
Tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nhấn mạnh: Khủng hoảng dịch bệnh Covid-19 gây thiệt hại nghiêm trọng nhưng cũng là cơ hội chúng ta cùng nhìn lại mình, cộng đồng du lịch phải đồng hành tìm giải pháp thích nghi, đổi mới trong hoạt động du lịch nhằm tăng sức đề kháng và khả năng ứng phó khủng hoảng; đồng thời định hướng phát triển du lịch theo mô hình du lịch xanh, bền vững, thân thiện với môi trường và đột phá nhằm lấy lại đà tăng trưởng du lịch trong thời gian đến. Đây cũng là cơ sở để cơ cấu lại ngành và tìm hướng đi cho du lịch xanh, bền vững trong thời gian đến của Quảng Nam.