Phòng ngừa hỏa hoạn trong mùa nắng nóng 2021
Liên tiếp các vụ cháy nổ diễn ra chỉ trong nửa đầu tháng 4 gây thiệt hại về người và tài sản cho thấy mối nguy hiểm từ các vụ hỏa hoạn trong mùa nắng nóng, đòi hỏi người dân cùng lực lượng chức năng của Hà Nội chung tay đẩy lùi “giặc lửa”.
Nguy cơ cháy nổ luôn tiềm ẩn
Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng qua, trên địa bàn Hà Nội liên tiếp xảy ra những vụ hỏa hoạn, thậm chí đã cướp đi sinh mạng của nhiều người.
Đau lòng nhất là vụ hỏa hoạn xảy ra vào đêm 3/4, rạng sáng ngày 4/4 tại số 311 phố Tôn Đức Thắng, phường Hàng Bột, quận Đống Đa. Vụ hỏa hoạn đã cướp đi sinh mạng của cả 4 thành viên trong gia đình. Nguyên nhân dẫn tới vụ cháy được xác định do chập điện, đám cháy bùng phát dữ dội bởi trong nhà chứa nhiều hàng hóa dễ cháy, cả gia đình không thể thoát ra ngoài bởi nhà không có lối thoát hiểm.
Vụ hỏa hoạn tại phố Tôn Đức Thắng (Hà Nội) rạng sáng ngày 4/4, khiến 4 người thiệt mạng |
Tiếp đó, ngày 15/4, hàng loạt vụ cháy đã xảy ra liên tiếp tại các quận nội thành ở Hà Nội, gây nhiều thiệt hại về vật chất, khiến người dân hoang mang.
Điển hình như, khoảng 8 giờ ngày 15/4, một đám cháy bất ngờ bùng phát kèm theo cột khói xuất hiện ở sau ngôi nhà số 48 trên Trần Thái Tông (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Mặc dù sau khoảng 10 phút đám cháy đã được dập tắt và vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng khiến người dân xung quanh hoang mang.
Trước đó, rạng sáng 15/4, hỏa hoạn bùng phát trên tầng 2 của ngôi nhà số 126 trên phố Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Sau khoảng 20 phút, đám cháy đã được dập tắt. Theo thông tin, vụ cháy không có thiệt hại về người nhưng đã làm hư hại nhiều tài sản trong nhà.
Cũng liên quan đến hỏa hoạn, khoảng 7 giờ 15 phút ngày 14/4, một đám cháy đã bùng phát tại nhà xưởng ở số 74 đường Định Công (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Các lực lượng chức năng đã kịp thời tiếp cận hiện trường để hướng dẫn người lao động thoát nạn, triển khai công tác chữa cháy. Khoảng 20 phút sau, đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn. Vụ cháy không gây thiệt hại về người.
Với tần suất xuất hiện liên tục trong một khoảng thời gian ngắn khiến nhiều người thiệt mạng một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo nguy cơ cháy nổ rất cao ở các hộ gia đình, nhất là khi mùa nắng nóng sắp đến.
Theo thống kê của Bộ Công an, từ đầu năm đến nay, toàn quốc đã xảy ra 712 vụ cháy, trong đó có 335 vụ cháy nhà dân (chiếm 47,1%); Đặc biệt gần đây, đã liên tiếp xảy ra một số vụ cháy tại các khu dân cư, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.
Cẩn trọng phòng ngừa chập cháy điện mùa nắng nóng
Sau vụ cháy tại số nhà 311 phố Tôn Đức Thắng (Đống Đa, Hà Nội) khiến 4 người thiệt mạng vừa qua, các chuyên gia khuyến cáo người dân cũng như cơ quan chức năng phải đặc biệt quan tâm phòng ngừa chập cháy điện khi phụ tải điện tăng vọt.
Việc trước mắt và lâu dài cần làm ngay trong phòng cháy, chữa cháy (PCCC) là mỗi gia đình cần nâng cao ý thức cảnh giác, có kiến thức về PCCC sẽ bảo đảm an toàn tổ ấm gia đình mình.
Trước mắt, trong mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện, đặc biệt với các thiết bị làm mát công suất lớn, tiêu thụ điện cao như máy điều hòa, quạt điều hòa, máy lạnh… tăng đột biến. Vì vậy, các hộ gia đình cần thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, tránh việc trang bị thêm các thiết bị làm mát mà không tính toán tới sự an toàn của lưới điện sẽ dễ dẫn đến hiện tượng quá tải chập mạch làm tăng nguy cơ xảy ra các vụ cháy nổ; Tuyệt đối không câu móc, đấu nối điện tùy tiện, không tự ý cơi nới, lắp thêm các thiết bị điện mà không nâng cấp dây dẫn điện...
Người dân cần cẩn trọng phòng ngừa chập cháy điện khi mùa nắng nóng đang tới gần |
Bên cạnh đó, qua thống kê, ngạt thở là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong do hỏa hoạn, cao hơn nguyên nhân tử vong do bị bỏng. Vì vậy, việc trang bị các kỹ năng thoát hiểm cần thiết sẽ giúp mỗi người có cách xử trí linh hoạt, phù hợp và hạn chế những thiệt hại về người, nếu hỏa hoạn xảy ra.
Để đẩy lùi nguy cơ hỏa hoạn trong mùa nắng nóng, các cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy. Trong đó chú trọng nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ cháy, nổ và hướng dẫn cụ thể các biện pháp phòng cháy, chữa cháy trong sinh hoạt; Đặc biệt là biện pháp phòng cháy trong sử dụng điện, hàn cắt kim loại, trong kinh doanh xăng dầu, khí đốt hóa lỏng, thắp hương thờ cúng...
Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; đôn đốc các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cơ sở doanh nghiệp chấp hành nghiêm các quy định về phòng cháy, chữa cháy.
Được biết, để tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn, kiềm chế số vụ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra, Bộ Công an mở đợt cao điểm về tuyên truyền, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy tại khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh từ ngày 15/4 đến 15/7/2021. Theo đó, Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho người dân.
Riêng đối với Hà Nội, ngay từ đầu năm 2021, thành phố cũng đã ban hành Chương trình số 22/CTr-UBND ngày 22/1/2021 về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2021. Theo đó ngoài việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về phóng cháy, thành phố cũng đặt ra yêu cầu tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; Tăng cường công tác hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy; Kịp thời phát hiện những tồn tại, thiếu sót để kiến nghị khắc phục, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Được biết, trong năm 2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có 3.270 trường hợp vi phạm quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy bị xử phạt với số tiền gần 17,8 tỷ đồng.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội), trong năm 2020, trên địa bàn Thủ đô vẫn có 74 khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao; 10.507 cơ sở thuộc danh mục có nguy hiểm về cháy, nổ; 2.702 cơ sở thuộc danh mục cơ sở, khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao do Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có trách nhiệm xây dựng phương án chữa cháy.
Do đó, có thể thấy, hỏa hoạn từ lâu luôn là nỗi lo lắng của mọi người dân và toàn xã hội. Vì nhiều lý do, nguy cơ về các vụ cháy cũng tăng lên trong mùa nắng nóng. Những nguy cơ này chỉ có thể được đẩy lùi trên cơ sở ý thức cảnh giác của mỗi người dân, mỗi gia đình và sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng để tránh xảy ra những vụ hỏa hoạn gây hậu quả thương tâm về người như trong thời gian qua.