Phó Thủ tướng yêu cầu "đơn giản hoá các thủ tục", nâng 50% công suất các mỏ cát đang khai thác
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Những mỏ được cấp phép lại hoặc cấp phép mới chỉ cung cấp cát đắp nền cho các dự án cao tốc và dừng khai thác sau khi hoàn thành - Ảnh: VGP/Minh Khôi |
Trước đó, Phó Thủ tướng đã trực tiếp khảo sát một số đoạn, tuyến cao tốc, mỏ khai thác cát đắp nền) trên sông Tiền thuộc tỉnh An Giang.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cuộc họp phải đưa ra phương án, giải pháp để bảo đảm nguồn vật liệu đắp nền đường cho các dự án giao thông trọng điểm. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm của Trung ương với các địa phương, giữa địa phương với nhau, trở thành hình mẫu về cơ chế phối hợp, điều phối vùng ĐBSCL.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, trên địa bàn khu vực ĐBSCL đang triển khai đầu tư 8 dự án cao tốc và 5 dự án nâng cấp mở rộng, xây mới các quốc lộ và cầu trên quốc lộ. Với tổng mức đầu tư các dự án khoảng 112.600 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao đổi với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Bộ GTVT trên ca nô đi khảo sát mỏ cát khai thác trên sông Tiền thuộc tỉnh An Giang - Ảnh: VGP/Minh Khôi |
Từ nay đến năm 2025 các dự án cao tốc sẽ triển khai đồng loạt, nhu cầu vật liệu cát là rất lớn, khoảng 47,8 triệu m3 và chủ yếu tập trung trong năm 2023 (17,8 triệu m3), năm 2024 (28,4 triệu m3).
Chính phủ đã ban hành các nghị quyết triển khai với một số cơ chế đặc thù trong việc cấp phép, khai thác vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án. Tuy nhiên, các dự án do Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản đều thiếu cát đắp nền.
Phó Thủ trướng Trần Hồng Hà lắng nghe kiến nghị của nhà thầu, doanh nghiệp khai thác mỏ cát trên sông Tiền thuộc tỉnh An Giang - Ảnh: VGP/Minh Khôi |
Các tỉnh ĐBSCL đã cấp phép 66 giấy phép khai thác với tổng trữ lượng khoảng 80 triệu m3, công suất khai thác khoảng 17 triệu m3/năm (trong đó cát san lấp là 14 triệu m3). Tuy nhiên, trữ lượng cát san lấp hiện tại chỉ còn khoảng 37 triệu m3.
Trong năm 2022, tại các tỉnh đang khai thác tại 24 mỏ có chất lượng đáp ứng yêu cầu của dự án, nếu tăng công suất khai thác ở các mỏ đang hoạt động thêm 50% trong 2 năm và dành toàn bộ khối lượng tăng thêm (khoảng 6,17 triệu m3) cũng chưa đáp ứng nhu cầu các dự án.
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo một số tỉnh ĐBSCL đã báo cáo về khả năng cung cấp các nguồn vật liệu cát, đất đắp nền cho các dự án cao tốc của Bộ GTVT. Tuy nhiên, đến nay, chỉ có tỉnh Đồng Tháp, An Giang dự kiến cung cấp khoảng 3 triệu m3 cát cho 2 dự án thành phần đoạn từ TP. Cần Thơ đến Cà Mau, trên tổng nhu cầu 18,5 triệu m3.
Phó Thủ tướng chủ trì cuộc họp với các tỉnh ĐBSCL, Bộ GTVT, các bộ ngành liên quan về nguồn cung cát đắp nền cho các dự án cao tốc |
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), tổng khối lượng cát đắp nền cho các tuyến cao tốc ĐBSCL khoảng 36 triệu m3, tương đương 70% nhu cầu. Đáng chú ý, tại tỉnh Long An có trữ lượng đất đắp nền khoảng 34 triệu m3 nhưng cần Bộ GTVT thẩm định về yêu cầu kỹ thuật.
Lãnh đạo Bộ GTVT, các địa phương kiến nghị tháo gỡ vướng mắc, rút ngắn thời gian, thủ tục giao các mỏ cát cho nhà thầu; cấp mới giấy phép khai thác; nâng công suất khai thác mỏ thêm 50%; rà soát, mở các mỏ khai thác mới.
Bộ TN&MT cũng kiến nghị nghiên cứu, thử nghiệm nguồn cát biển, đề nghị xem xét, nghiên cứu việc sử dụng vật liệu thay thế (cát nghiền từ đá, tro xỉ,…) để cung ứng đủ cho các dự án cao tốc và các công trình dân dụng.
Tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao các tỉnh ĐBSCL đã chủ động phối hợp, tìm giải pháp bảo đảm nguồn cát đắp nền cho các dự án giao thông trọng điểm của quốc gia với ưu tiên cao nhất.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương xây dựng kế hoạch về nhu cầu các loại vật liệu thi công, trong đó có cát đắp nền, theo tiến độ dự án từ nay đến năm 2024.
Trên cơ sở đánh giá toàn bộ trữ lượng các mỏ cát đắp nền đang khai thác, nâng công suất, mỏ mới hoạt động và công suất khai thác từng năm, Bộ TM&MT thực hiện phân bổ, điều tiết đối với từng mỏ, từng địa bàn, sát với tiến độ thi công.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp báo cáo về tình hình khai thác các mỏ cát đắp nền trên địa bàn tỉnh - Ảnh: VGP/Minh Khôi |
Bộ GTVT chỉ đạo các nhà thầu liên danh với các doanh nghiệp đang khai thác mỏ cung cấp vật liệu san lấp, đắp nền; thống nhất với địa phương để xác định mức giá vật liệu phù hợp, ổn định, không làm tăng vốn đầu tư.
Đối với các địa phương, Phó Thủ tướng yêu cầu "đơn giản hoá các thủ tục", nâng ngay công suất 50% ở các mỏ cát đang khai thác; cấp lại giấy phép khai thác các mỏ đã hết hạn; đưa vào hoạt động các mỏ mới phục vụ riêng cho các dự án cao tốc trên cơ sở quan trắc, giám sát chặt chẽ về môi trường.
"Những mỏ được cấp phép lại hoặc cấp phép mới chỉ cung cấp cát đắp nền cho các dự án cao tốc và dừng khai thác sau khi hoàn thành", Phó Thủ tướng nói.
Bộ GTVT rà soát lại thiết kế kỹ thuật về cao trình các tuyến cao tốc; tiếp tục xem xét phương án thi công phù hợp để bảo đảm tính bền vững, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng và lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL cũng trao đổi về định hướng đề xuất các dự án đầu tư dựa trên tiềm năng, thế mạnh của vùng, thúc đẩy sự phát triển của toàn vùng. Từ đó, xác định rõ vai trò của Hội đồng vùng trong điều phối, xác định các ưu tiên kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ để đưa ra những quyết sách, chiến lược phát triển vùng.