Phố kem Hà Nội
Phố kem từ lâu đã là góc nhớ trong lòng người Hà Nội
Bài liên quan
Thêm hai phim ngắn về Hà Nội được phát sóng trên kênh CNN
Nhiều hoạt động Trung thu giúp các em nhỏ hiểu rõ về văn hóa truyền thống
Bài 3: Thay đổi trong văn hóa ứng xử nơi công sở là xu thế tất yếu
Người dân và du khách quốc tế hào hứng với "Ngày hội vì hòa bình"
Đối với kem Tràng Tiền, ăn có phải là để ăn? Chắc hẳn với rất nhiều người, trả lời cho câu hỏi này là một cái lắc đầu rất dứt khoát. Bởi, nếu tính về độ ngon thì rất khó để so với các thương hiệu kem trên thế giới vì mỗi người mỗi khẩu vị.
Với các tên mĩ miều như “Nụ hôn kiểu Pháp”, “Báo hồng”, “Tom and Jerry”… hoặc các nhãn hàng từ nước ngoài thời thượng đã có mặt ở khắp Hà Nội và các hãng kem quảng cáo rầm rầm trên các phương tiện thông tin đại chúng, kem Tràng Tiền không còn quá “hot” như xưa.
Mà người Hà Nội bây giờ ăn một ly kem đáng giá tiền trăm cũng chả cần phải đắn đo quá năm giây. Thế mà, cứ nhắc đến kem và ăn kem quanh khu vực hồ Gươm thì kiểu gì người ta cũng vòng về Tràng Tiền. Kem Tràng Tiền là thứ duy nhất “made in Hà Nội”, mang đầy dấu ấn Hà thành. Chẳng có gì tuyệt vời hơn là sử dụng sản phẩm của Hà Nội ngay trên đất Hà Nội.
Bởi vì thế, bất kể mùa đông hay mùa hè, “đại bản doanh” của kem Tràng Tiền ở số 35 của phố này vẫn không bao giờ vắng khách, dù việc đứng ngồi tràn lan và ăn kem rất hồn nhiên trên hè phố khá lạ lẫm với nhiều người nước ngoài lần đầu tiên đến Hà Nội.
Khi đã quen, họ nhanh chóng bị “Hà Nội hóa” bằng việc ăn bún gánh, uống trà đá và đứng tràn phố Tràng Tiền để nhấm nháp một hương vị rất Hà Nội. Thậm chí, Tp Hồ Chí Minh giờ cũng đã có kem Tràng Tiền, nhưng người miền Nam ra Hà Nội và người Hà Nội ở miền Nam ra thể nào cũng phải tìm bằng được đến nơi đây để thưởng thức “đặc sản” này.
Nhất là từ vài năm nay, khi phố đi bộ quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm trở thành “điểm hẹn” mỗi cuối tuần, chốn vui chơi lí tưởng cho đông đủ thành phần công dân Thủ đô và các nơi khác đến. Hạn chế bớt việc đi xe máy vào tận nơi như ngày thường, chỗ đứng, chỗ mua kem trở nên rộng rãi, thuận tiện hơn cho người đi bộ, cứ thế ăn tại chỗ hay mua rồi nhẩn nha dạo bước ra hồ Gươm ăn, thật là thú vị.
Háo hức nhất là lũ trẻ con. Được bố mẹ ông bà đưa lên phố đi bộ chạy tung tăng xem bóng bay vờn bong bóng xà phòng chán là chúng nó phải đòi bằng được vào hàng kem. Kem ốc quế kem que kem ly, đủ các vị tha hồ lựa chọn. Cứ được ăn là vui, mặt mũi chân tay váy áo tèm lem. Để rồi bọn trẻ ấy sẽ lớn lên với một kí ức kem rất Hà Nội.
Trong khi đó, những ông bà già thì nhìn lũ trẻ con mà nhớ về tuổi thơ của mình. Nhiều chục năm về trước họ cũng như vậy. Bà Mai Thị Vân (phố Vọng, Thanh Xuân, HN) không thể nào quên lần đầu tiên mình được ăn kem Tràng Tiền. Đó là vào năm học lớp 6, khi bà được học sinh giỏi bà được mẹ thưởng. Nhà cách bờ Hồ không xa, thế mà lúc ấy mấy anh em mới được lên chơi cả buổi. Các anh của bà còn được ăn ké bữa kem đã đời mà mãi sau này họ còn nhắc lại với nhau.
Ông Vũ Đình Thám (phố Xuân Thủy, Cầu Giấy, HN) kể, năm 1965, trước ngày ông và bạn bè vào Nam chiến đấu, tất cả đều đang tuổi thanh niên hồn nhiên và nghịch ngợm, rủ nhau đi bộ từ mạn Cầu Giấy lên Tràng Tiền chen chúc xếp hàng để ăn bữa kem ra trò, vừa ăn vừa trêu chọc nhau, hẹn ngày thống nhất sẽ trở về đây, “liên hoan” bằng một chầu kem.
Rồi đoàn tàu vận chuyển bộ đội từ ga Hàng Cỏ kéo những hồi còi biệt li. Càng vào sâu chiến trường, bạn bè mỗi người một hướng. Đến năm 1975, sau khi ra Bắc, ngày nào ông cũng đi quanh cửa hàng kem, chờ đợi, ngóng trông. Rốt cuộc, mấy năm sau, chỉ 3 trong số hơn chục chàng thanh niên ngày ấy còn trở về, hầu như người nào cũng để lại một phần xương máu nơi hòn tên mũi đạn. Mỗi dịp 27/7 hàng năm, ông và hai người bạn đều mang kem đến đặt lên bàn thờ những người bạn đã hi sinh. Khi đã tàn hương, kem chảy ướt đĩa, nước mắt bạn bè, đồng đội nhớ nhau cũng chảy tự bao giờ.
Cũng về kem Tràng Tiền, bà Nguyễn Tuyết Nhung (phố Khâm Thiên, Hà Nội) kể, những ngày Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc ác liệt, khu ngõ chợ Khâm Thiên có những ngày lửa cháy ngút trời, tường nhà đổ nát xạm đen trong khói và trắng rợp khăn tang.
Bà là nữ y tá, hàng đêm kiêm thêm nhiệm vụ chăm sóc những đứa trẻ mồ côi tội nghiệp. Cách duy nhất để chúng nguôi tạm tiếng khóc đau thương là chuyền tay nhau một que kem Tràng Tiền. Lúc ấy, nhìn các cháu đỏ hoe đôi mắt ngây thơ mà bà ruột đau như cắt.
Sau này, bà vẫn giữ thói quen mua kem cho các em bé ngày ấy. Lần nào bà cũng thấy một người đàn ông đi dạo quanh phố Tràng Tiền. Rồi hỏi thăm, rồi làm quen, thế là thành vợ thành chồng. Bởi vậy, suốt những năm 80 của thế kỉ trước, mỗi thứ bảy hàng tuần, ông bà đều chở các con đi ăn kem như ôn lại thuở yêu đương, hò hẹn.
Các bạn sinh viên, những đôi nam nữ trẻ cũng thường chọn cửa hàng 35 Tràng Tiền làm nơi dừng chân ăn kem. Với sinh viên, cây kem Tràng Tiền có giá vừa phải, là thứ có thể ăn thường xuyên chứ không phải những loại kem “sang chảnh” thi thoảng mới dám móc hầu bao ra tự thưởng cho mình.
Có khi là cả nhóm bạn ầm ĩ vui đùa với nhau. Cũng có khi là đôi trai gái thưởng thức kem như thưởng thức hương vị ngọt ngào của tình yêu đầu đời. Những đôi trai gái tay trong tay bước ra từ cửa hàng kem, đi dọc phố kem, vừa đi vừa ăn nhưng không quên trao nhau nụ cười, ánh mắt tình tứ đem lại cho cuộc sống của Hà Nội những khoảnh khắc êm đềm, dịu dàng.
Tôi vẫn nhớ những năm tháng sinh viên của mình gắn với con phố này. Có khi cả nhóm đạp xe quanh Hà Nội sau những buổi học thêm, ôn thi mệt nhoài rồi lại trở về cửa hàng quen thuộc.
Mùa hè ăn kem là lẽ đương nhiên, nhưng cảm giác giá rét của mùa đông lùa vào tận chân răng, trôi qua cổ họng rồi buốt tận ruột, bốc lên óc khi cắn một que kem càng là cảm giác không bao giờ có thể quên.
Bởi thế, bạn bè tôi, nhiều người đi lập nghiệp ở nước ngoài, email hay điện thoại về, trong vô vàn nỗi nhớ Hà Nội thì có một góc rất trân trọng cho kem Tràng Tiền. Đến khi được trở về để thỏa nỗi ước ao thì một nỗi buồn phiền lại ập đến. Bao nhiêu năm qua, kem Tràng Tiền có đông đảo người tìm đến ăn chứng tỏ vẫn giữ được hương vị đặc trưng, nhưng cứ mỗi bước chân rời đi là bao nhiêu giấy gói và que kem còn ở lại, dù công nhân vệ sinh có luôn tay làm việc thì vẫn ngập lên, rợp mắt, bẩn ướt chân người đến sau.
Nhiều lúc bước chân đến phố kem, nhìn thấy người đứng ngồi lố nhố, ăn uống ngồm ngoàm, kem chảy hết ra tay, rơi thành cả đám dưới đất mà không ai có ý thức dọn, lại cảm thấy buồn. Ăn tại cửa hàng đã là một nếp quen nhưng xả rác, đỗ xe, đứng tràn lan ra lòng đường, cản trở giao thông cũng là một thói quen. Vì thế, thói quen này đã ít nhiều làm mất đi nét đẹp của người Hà Nội.
Người Hà Nội nếu còn yêu quý, trân trọng, coi đây là góc nhớ thương, nơi lưu giữ những kỉ niệm hoặc là chốn hẹn hò cần phải đến thì nên hành xử một cách văn minh, lịch sự hơn ở chốn công cộng này. Có như thế, phố kem mới tiếp tục là một đặc trưng của thành phố này.