Phát triển nguồn lực nội sinh, xây dựng Thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”
Nguồn lực nội sinh quan trọng để phát triển Thủ đô
Là một trong 30 thủ đô cổ nhất trên thế giới, thành phố duy nhất trong khu vực Đông Nam Á có lịch sử nghìn năm tuổi, Hà Nội - suốt dặm dài lịch sử đã hội tụ, kết tinh, lan tỏa văn hóa dân tộc, góp phần xác lập vị trí đặc biệt của văn hóa Thủ đô trong các nguồn lực, tạo nên sức mạnh mềm cho đất nước.
Những hoạt động văn hóa, văn nghệ tại Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận luôn thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước tới tham quan |
Nhiều năm qua, Hà Nội đã xây dựng, triển khai các chương trình hành động về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh xuyên suốt nhiều nhiệm kỳ của Đảng bộ thành phố, trong đó Chương trình số 06-CTr/TU bám sát nhóm giải pháp tập trung đầu tư cho sự nghiệp văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản; Triển khai có hiệu quả Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa..., nhằm xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, nguồn lực phát triển mới cho Thủ đô, để văn hóa thực sự phát huy được sức mạnh soi đường, dẫn hướng.
Được Thành ủy Hà Nội ban hành ngày 17/3/2021, Chương trình số 06-CTr/TU đã trải qua hơn 1/3 chặng đường với nhiều khó khăn, thách thức, từ đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của mọi tầng lớp Nhân dân, việc triển khai, thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU vẫn mang lại nhiều kết quả tốt đẹp. Nổi bật là việc thành phố ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2045”, được xác định là “kim chỉ nam” cho sự phát triển văn hóa Thủ đô trong thời gian tới và Nghị quyết số 02/NQ-HĐND về “Bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025; Phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo và một số dự án xây dựng cơ bản nhiệm vụ chi cấp thành phố” gỡ khó cho giáo dục, y tế, bảo tồn di tích.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng, trong thời gian này, nhiều nghị quyết khác cũng được ban hành, nhằm cụ thể hóa sự quan tâm của Hà Nội về phát triển văn hóa. Cùng với đó, công tác xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh gắn với Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố tiếp tục tạo không khí thi đua sôi nổi từ thành phố tới cơ sở.
Điều đáng nói, sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, năm vừa qua, thành phố đã có những bứt phá thành công, từ việc nhiều chỉ tiêu hoàn thành vượt kế hoạch năm đến sự bùng nổ của các sự kiện, hoạt động giao lưu, quảng bá văn hóa...
Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đào Xuân Dũng khẳng định, để đưa Nghị quyết 09-NQ/TU về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045" vào cuộc sống, cần tuyên truyền sâu, rộng và đầy đủ. Hội thảo khoa học "Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" là điểm nhấn để khẳng định quan điểm của thành phố coi văn hóa là động lực, sức mạnh để Hà Nội phát triển bền vững…
Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa nhằm xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại |
Dự kiến, hội thảo diễn ra vào ngày 21/3, hướng tới 3 mục tiêu chính yếu. Một là, xác định rõ các đặc tính văn hóa Hà Nội; Vấn đề khoa học và thực tiễn về các nội dung văn hiến, văn minh, hiện đại, tính khoa học trong quá trình phát triển Thủ đô Hà Nội; Đề xuất các giải pháp phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Hai là, chuẩn bị luận cứ khoa học về triết lý phát triển, định hướng phát triển phục vụ công tác lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ba là, tuyên truyền, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, Nhân dân Thủ đô về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa Hà Nội.
Đến nay, hội thảo đã nhận được gần 70 bài tham luận từ nhiều nhà quản lý, chuyên gia văn hóa, nhà nghiên cứu khoa học, tập trung vào hai nội dung, gồm: Tinh hoa văn hóa Hà Nội và triết lý phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” và định hướng, giải pháp huy động, khai thác, sử dụng hiệu quả các giá trị, nguồn lực văn hóa trong xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Trong đó, nổi bật là việc bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị di sản văn hóa, các vùng văn hóa quan trọng của Hà Nội; Sáng kiến, giải pháp về khôi phục, cải tạo, khai thác cảnh quan hệ thống sông hồ; Phát triển làng nghề truyền thống; Giải quyết hài hòa bài toán bảo tồn và phát triển tại các không gian phố cổ, làng cổ…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải nhấn mạnh, hội thảo là sự kiện quan trọng, gợi mở, định hướng cho thành phố nhiều sáng kiến, giải pháp triển khai Nghị quyết 15/NQ-TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nói chung và các nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nói riêng.
Hội thảo sẽ là hoạt động khoa học thực thụ, giúp nhận diện chuẩn xác đặc tính văn hóa Hà Nội và xác định văn hóa như một thuộc tính để phát triển Thủ đô. Đúng như tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định rõ: Phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần “cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”; là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị; là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô Hà Nội.