Phát triển công nghiệp văn hóa, đòn bẩy thúc đẩy du lịch
Động lực trẻ trong khát vọng phát triển công nghiệp văn hóa Hội tụ công nghiệp văn hóa, xứng đáng vị thế Thủ đô tiên phong Luật Thủ đô gỡ bỏ rào cản về phát triển công nghiệp văn hóa |
Hội nghị nhằm quán triệt tinh thần, nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được nêu tại Chỉ thị số 30 /CT-TTg (Ảnh Út Vũ) |
Ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 4,4% tổng GDP
Trong ngày 21 - 22/11, tại TP Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg (Chỉ thị 30/CT-TTg) ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Hội nghị nhằm quán triệt tinh thần, nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được nêu tại Chỉ thị số 30 /CT-TTg đến các Bộ, ngành, địa phương, các hội, hiệp hội và các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan; tập trung tổ chức triển khai các nội dung được giao tại Chỉ thị số 30/CT-TTg một cách đồng bộ, thiết thực, hiệu quả; xác định rõ các hoạt động, nhiệm vụ cấp bách cần triển khai ngay và các nhiệm vụ dài hạn, cách thức tổ chức thực hiện, thời gian thực hiện và tiến độ hoàn thành.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong phát biểu tại hội nghị (Ảnh Đ.Minh) |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong, nhấn mạnh hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg được tổ chức vào thời điểm rất quan trọng, rất đặc biệt quan trọng. Đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam đang đứng trước cơ hội, vận hội mới, mở ra một kỷ nguyên mới, đó là kỷ nguyên vươn mình của dân tộc để đi vào giàu có và thịnh vượng.
Theo Thứ trưởng Hồ An Phong, riêng về công nghiệp văn hóa, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ban hành một chỉ thị trên cơ sở đánh giá về sự phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2016 - 2024 này.
Thủ tướng cũng đã yêu cầu Bộ VHTT&DL cùng các Bộ, ngành liên quan làm đầu mối trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 về phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam.
Thương hiệu Liên hoan phim Châu Á - Đà Nẵng thúc đẩy sự phát triển công nghiệp văn hóa và hợp tác quốc tế của điện ảnh Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng |
Thứ trưởng Hồ An Phong cho biết, hiện nay cóngành điện ảnh, hay lĩnh vực thiết kế, phần mềm sáng tạo, ẩm thực… của Việt Nam đang ngày càng có nhiều thế mạnh và khởi sắc.
Theo báo cáo sơ bộ của Tổng cục Thống kê, các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đã đóng góp khoảng 4,4% tổng GDP của cả nước.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho rằng vẫn còn một số lĩnh vực văn hóa chưa phát triển tương xứng với vị thế và tiềm năng của thành phố (Ảnh Út Vũ) |
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết, từ năm 2015 đến nay, địa phương luôn nỗ lực triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ trong việc đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội. Trong đó, sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa được xác định là một mũi nhọn thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững của văn hóa.
Tuy nhiên, vẫn còn một số lĩnh vực văn hóa chưa thật sự phát triển tương xứng với vị thế và tiềm năng của Đà Nẵng; công tác xã hội hóa văn hóa còn hạn chế. Các ngành công nghiệp tại Đà Nẵng vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, chưa liên kết, hợp tác quốc tế một cách thường xuyên, mạnh mẽ. Hiện UBND thành phố Đà Nẵng giao Sở Văn hóa và Thể thao nghiên cứu, xây dựng Đề án Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa TP Đà Nẵng đến năm 2030.
Khai thác yếu tố văn hóa mang tính bản sắc, đặc trưng
Tại hội nghị, các đại biểu vừa quán triệt Chỉ thị số 30/CT-TTg, vừa bàn sâu, và lắng nghe thêm về những vấn đề liên quan phát triển công nghiệp văn hóa. Đồng thời đề xuất mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bổ sung vào dự thảo Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Huế Symphony - Bản giao hưởng Cố đô là một thử nghiệm hướng đến sản phẩm công nghiệp văn hoá tiêu biểu của Huế |
Bản giao hưởng Cố đô có thể được xây dựng và đóng gói để có thể trình diễn ở nhiều nơi với sứ mệnh xuất khẩu văn hoá của địa phương và tầm quốc gia |
Đại diện Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế chia sẻ, với lợi thế về quần thể di sản vật thể và phi vật thể, Huế đầy tiềm năng là thành phố dẫn đầu về công nghiệp văn hoá của Việt Nam. Lựa chọn những mô hình gắn liền với nghệ thuật, âm nhạc, di sản văn hóa, điện ảnh sẽ tạo tiền đề phát triển mạnh mẽ và gắn kết các ngành trong hệ sinh thái hình thành công nghiệp văn hoá tại Huế.
Chương trình biểu diễn nghệ thuật Huế Symphony - Bản giao hưởng Cố đô là một thử nghiệm hướng đến trở thành sản phẩm công nghiệp văn hóa tiêu biểu của Huế giai đoạn 2025 - 2030. Đặt mục tiêu bảo tồn và phát triển âm nhạc truyền thống Huế bằng cách giới thiệu vẻ đẹp của âm nhạc Huế đến khán giả, từ đó lan tỏa nét văn hóa đặc sắc của cố đô.
Chương trình không chỉ kết nối văn hóa truyền thống với yếu tố hiện đại để mang đến trải nghiệm mới lạ, thu hút giới trẻ mà còn góp phần thúc đẩy du lịch văn hóa, đưa Huế trở thành điểm đến nghệ thuật độc đáo của Việt Nam.
Sự kết hợp sáng tạo của âm nhạc hiện đại và âm nhạc truyền thống, làm mới các ca khúc nổi tiếng của Huế, làn điệu Huế, ca Huế lồng ghép trong chương trình kết hợp cùng kỹ thuật trình diễn chất lượng cao tạo ra đêm đối thoại âm nhạc mới lạ.
Lễ hội pháo hoa quốc tế định kỳ tổ chức các năm qua ngày càng quy mô và chất lượng đã trở nên thương hiệu của Đà Nẵng |
Trình bày tham luận tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hội An, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho hay, Đà Nẵng đã mở rộng trọng tâm từ du lịch và công nghệ số tới các lĩnh vực khác như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn và âm nhạc. Nâng cao chất lượng các chương trình, sự kiện văn hóa, nghệ thuật; khuyến khích tài trợ tư nhân cho các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là các dự án công nghệ thông tin và khởi nghiệp sáng tạo và phát triển cơ sở hạ tầng (cải thiện chất lượng các cơ sở văn hóa, như nhà hát, rạp chiếu phim và các trung tâm văn hóa).
Nhắc đến công nghiệp văn hóa, không thể không kể đến các sự kiện, lễ hội tầm cỡ khu vực và quốc tế. Đà Nẵng đã tập trung phát triển và đạt những kết quả quan trọng về hoạt động lễ hội sự kiện và đã đạt danh hiệu “Điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu Châu Á”.
Cùng với đó, lễ hội pháo hoa quốc tế định kỳ tổ chức các năm qua ngày càng quy mô và chất lượng đã trở nên thương hiệu độc đáo, mở rộng. Liên hoan phim Châu Á - Đà Nẵng (DANAFF) là khởi điểm cho một sự kiện tiếp theo của thành phố. Thời gian tới, thành phố tập trung triển khai có hiệu quả “Đề án tổ chức sự kiện, lễ hội văn hóa đặc sắc hàng năm, gắn với thiết lập chuỗi sự kiện, văn hóa lễ hội về đêm của TP Đà Nẵng giai đoạn 2022 - 2026”.
Muốn du lịch văn hóa trở thành ngành công nghiệp văn hóa yếu tố tiên quyết là phải có được những sản phẩm du lịch sáng tạo |
Ðể phát huy vai trò của ngành công nghiệp văn hóa trong mối liên kết với du lịch, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Hà Văn Siêu đề xuất, cần có nhiều giải pháp khơi thông năng lực sáng tạo của các tổ chức, cá nhân. Muốn du lịch văn hóa trở thành ngành công nghiệp văn hóa yếu tố tiên quyết là phải có được những sản phẩm du lịch sáng tạo mang đến trải nghiệm khác biệt cho du khách. Chìa khóa để tạo ra sự khác biệt này chính là khai thác những yếu tố văn hóa mang tính bản sắc, đặc trưng của địa phương, điểm đến.
Cũng theo ông Hà Văn Siêu, để triển khai thực hiện các mục tiêu của Chỉ thị 30/CT-TTg về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, ngành du lịch cần xây dựng và định vị thương hiệu du lịch văn hóa quốc gia, nhấn mạnh bản sắc văn hóa đặc thù của từng vùng và địa phương để tạo nên một hình ảnh độc đáo, cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Ngoài ra, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và các nền tảng số trong quảng bá, tiếp thị, giúp du khách tiếp cận dễ dàng hơn với các thông tin và trải nghiệm văn hóa Việt Nam từ xa. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch với kiến thức văn hóa sâu rộng và kỹ năng phục vụ chuyên nghiệp là yếu tố then chốt để cải thiện dịch vụ du lịch văn hóa.