Phát hiện bất ngờ về tờ báo tiền thân đầu tiên của Báo Công Thương
Một trong những cơ quan tiền thân của Báo Công Thương, tờ tin Mặt trận Kinh tế được xuất bản những số đầu tiên từ cuối năm 1948 tại chiến khu Việt Bắc mà đến nay rất may mắn còn lưu giữ được tại Thư viện Quốc gia từ số 2 trở đi.
Khi được tận mắt chứng kiến một “nguồn cội” của mình tròn ba phần tư thế kỷ trước, những người làm báo Công Thương chúng tôi đã lặng người đi. Thời gian như ngưng đọng hơn khiến chúng tôi không khỏi xốn xang. Cảm giác cứ y như vừa được chạm vào một câu chuyện cổ tích vậy.
Nhưng giữa dòng công việc và cuộc sống bề bộn hôm nay, câu chuyện cổ tích ấy, câu chuyện “về nguồn” với những tờ báo tiền thân của báo Công Thương hôm nay lại tiếp tục được mở ra thêm một cánh cửa mới phía sau cánh cửa của tờ tin Mặt trận Kinh tế.
Đó là câu chuyện về "Việt Nam kinh tế tập san" của Bộ Quốc dân Kinh tế, một bộ trong Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra mắt quốc dân đồng bào trong ngày lễ Độc lập 2/9/1945 trên Quảng trường Ba Đình lịch sử.
28/8/1945…
2/9/1945…
2/10/1945…
13/10/1945…
Những dãy số này rất quen thuộc với nhiều người. Hai dãy số đầu tiên quen thuộc với lịch sử của đất nước, của một thời đại mới.
28/8/1945, 5 ngày trước ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 2/9/1945, Chính phủ lâm thời được thành lập với nhiều bộ mới, trong đó có Bộ Quốc dân Kinh tế, tiền thân của Bộ Công Thương ngày nay.
Trong bộ máy Nhà nước non trẻ ấy, có ông Nguyễn Mạnh Hà - một trí thức trẻ người công giáo du học từ Pháp về, không phải là đảng viên được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cậy giao trọng trách Bộ trưởng Bộ Quốc dân kinh tế.
Và chỉ tròn một tháng sau ngày Quốc khánh, ngày 2/10/1945, vị tân Bộ trưởng đã ký một nghị định quan trọng…
NGHỊ ĐỊNH SỐ 08/BKT-VP – MUỐN PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRƯỚC HẾT PHẢI TUYÊN TRUYỀN VỀ KINH TẾ
Trong những khao khát tột bậc của Bác Hồ, có mong muốn nước độc lập nhưng nhân dân phải ấm no, hạnh phúc và phát triển kinh tế luôn là nhiệm vụ quan trọng nhất. Người nói giản dị: Muốn sung sướng mãi mãi thì phải công nghiệp hóa…
13/10/1945 – Bác Hồ viết riêng bức thư gửi giới Công Thương Việt Nam!
Có lẽ khao khát ấy đã được trao truyền tới Nghị định số 08 của vị Bộ trưởng Kinh tế đầu tiên khi trong lời phi lộ của nghị định nhấn mạnh: Bộ Quốc dân Kinh tế cần phải tổ chức lại để đạt được mục đích cải thiện nền kinh tế nước nhà. Và trong bộ máy của bộ được tổ chức lại cũng hết sức gọn ghẽ, có hẳn một phòng lo việc thông tin tuyên truyền kinh tế, mang tên Phòng KINH TẾ TẬP SAN với nhiệm vụ xuất bản VIỆT NAM KINH TẾ TẬP SAN – một trong những tờ báo tiền thân của Báo Công Thương ngày nay.
Tháng 12-1948, khi cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, tập san đổi tên thành tờ tin MẶT TRẬN KINH TẾ xuất bản giữa chiến khu Việt Bắc và đến năm 1951, Bộ Kinh tế đổi tên thành Bộ Công Thương, tập san Công Thương lại ra đời.
Những số báo tiền thân đầu tiên ngày ấy đã cho chúng ta thấy sứ mệnh thiêng liêng của cơ quan ngôn luận Bộ Công Thương: Muốn phát triển kinh tế, trước hết phải tuyên truyền thật tốt đường lối phát triển kinh tế. Có lẽ lý do khiến Báo Công Thương trở thành một trong những tờ báo bộ ngành ra đời sớm nhất bắt đầu từ đó.
Cần nhắc lại đôi dòng lịch sử để bạn đọc hôm nay dễ hình dung.
Trong Tuyên cáo ngày 28/8/1945 về việc thành lập Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do Chủ tịch Hồ Chí Minh là Chủ tịch kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, trong danh sách các bộ của Chính phủ có Bộ Quốc dân Kinh tế (tên bộ được để theo nguyên văn trong Tuyên cáo-PV) do ông Nguyễn Mạnh Hà là Bộ trưởng.
Một số thành viên Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sau Phiên họp ngày 3/9/1945. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hà đứng hàng thứ hai, từ trái sang. |
Chỉ một ngày sau khi ra mắt quốc dân đồng bào, ngày 3/9/1945 tại Bắc bộ phủ (nay là Nhà khách Chính phủ 12 Ngô Quyền, Hà Nội), Chính phủ lâm thời đã họp phiên họp lịch sử đầu tiên tập trung bàn những việc cần kíp nhất, hệ trọng nhất lúc bấy giờ của đất nước theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đó là phát động ngay một chiến dịch tăng gia sản xuất để chống đói, mở ngay một chiến dịch chống nạn mù chữ, tổ chức càng sớm càng tốt cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, mở một chiến dịch giáo dục cần, kiệm, liêm, chính để bài trừ những thói hư tật xấu do chế độ thực dân để lại, bỏ ngay ba thứ thuế: thuế thân, thuế chợ, thuế đò; tuyệt đối cấm hút thuốc phiện; tuyên bố tự do tín ngưỡng và lương giáo đoàn kết.
Hiếm khi nào những việc kinh tế, việc xã hội lại đen xen nhau mật thiết đến như thế.
Chấp hành chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ một tháng sau Phiên họp ấy của Chính phủ, ngày 2/10/1945, Bộ trưởng Bộ Quốc dân kinh tế (tên được để theo nguyên văn của văn bản) Nguyễn Mạnh Hà đã ký Nghị định số 08-BKT/VP. Nghị định viết, “xét rằng trong chương trình kiến thiết quốc gia, Bộ Quốc dân Kinh tế cần phải được tổ chức lại để đạt được mục đích cải thiện nền kinh tế nước nhà, NGHỊ ĐỊNH: Bộ Quốc dân kinh tế gồm có những cơ quan sau: 1) Văn phòng; 2) Các Phòng sự vụ; 3) Các Nha; 4) Và Sở Thống Kê”
Sau 78 năm “ngủ yên” trong kho lưu trữ và nay do Trung tâm lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ) quản lý, văn bản lịch sử này đã hiện diện trước mắt chúng tôi như một câu chuyện cổ tích.
Tại điều 4 của bản Nghị định này, chúng tôi thêm một lần không khỏi sửng sốt khi đọc được nội dung về Phòng ba - một trong các phòng sự vụ của Bộ Kinh tế quốc dân được mang tên là Phòng Kinh tế tập san với nhiệm vụ xuất bản Việt Nam Kinh tế tập san.
Nghị định số 08-BKT/VP ngày 2/10/1945. Tài liệu do Trung tâm Lưu trữ quốc gia III cung cấp |
Ông Phạm Quang Tiến, Phó Trưởng phòng Phát huy giá trị tài liệu lưu trữ của Trung tâm Lưu trữ quốc gia III cho biết, Nghị định này là cơ sở pháp lý quan trọng về thành lập Bộ Kinh tế quốc dân, một trong những bộ tiền thân của Bộ Công Thương ngày nay. Và đi cùng với đó, nội dung của mục 3 điều 4 của Nghị định cũng chính là cơ sở pháp lý của việc ra đời Việt Nam Kinh tế tạp san mà có thể coi đây là cơ quan tiền thân đầu tiên của báo Công Thương hiện nay.
Không còn nghi ngờ gì nữa, lịch sử ra đời và phát triển của báo Công Thương đã không chỉ dừng lại ở con số 75 năm cho đến nay. Mà nó được đẩy lên sớm hơn, vâng, 78 năm. Và vinh dự thay, ra đời cùng thời điểm lập nước.
Những suy nghĩ này cứ xâm chiếm mãi, tràn toả mãi không thôi trong tâm trí chúng tôi khi ông Phạm Quang Tiến kéo chúng tôi trở lại thực tại.
“Nghị định này cho thấy ngay từ khi ra đời, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam mới đã đặc biệt coi trọng công tác vận động tuyên truyền cũng như xuất bản báo chí, coi đây như một công việc hàng đầu của Chính phủ”, ông Phạm Quang Tiến nói.
Chúng tôi còn được chứng kiến thêm một bất ngờ đến ngỡ ngàng khác khi được xem văn bản một nghị định khác của Bộ Kinh tế mang số hiệu 75-BKT/ND do Bộ trưởng Phan Anh ký ngày 8/3/1949 lần đầu tiên quy định về công tác báo chí của Bộ Kinh tế với việc thành lập Phòng Báo chí thuộc Văn phòng Bộ.
Nghị định 75-BKT/ND của Bộ Kinh tế ngày 8/3/1949. Tài liệu do Trung tâm Lưu trữ quốc gia III cung cấp |
Phòng Báo chí sẽ có các nhiệm vụ: Phổ biến chính sách, luật lệ kinh tế Việt Nam; sưu tầm thu thập các tài liệu, tin tức kinh tế trong nước và nước ngoài; xuất bản sách báo, tài liệu kinh tế; giữ thư viện và “bảo tàng kháng chiến” của Bộ Kinh tế.
Đặc biệt hơn nữa khi ở điều 3 Nghị định ghi rõ nhiệm vụ xuất bản các loại báo chí của Bộ cụ thể là tờ nguyệt san Mặt trận Kinh tế, đã được nhắc đến ở trên.
Nghị định này không chỉ chính thức khẳng định xuất bản nguyệt san Mặt trận kinh tế- một cơ quan tiền thân của Báo Công Thương mà còn có thể coi như khai đường, mở lối cho báo chí kinh tế của Việt Nam hôm nay và đây là điều thực sự có ý nghĩa với các nhà viết sử báo chí cách mạng nói chung và báo chí kinh tế nói riêng.
Và thật ý nghĩa khi năm nay kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hà, Bộ trưởng đầu tiên trong lịch sử của Bộ Công Thương, vị Bộ trưởng của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá là một con người thông minh và trung thực tuy chỉ giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Kinh tế quốc dân trong thời gian 3 tháng cho đến khi Quốc hội khoá I được bầu ra sau Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 cử ra Chính phủ mới. Khi đó ông Nguyễn Mạnh Hà được cử làm Thứ trưởng Bộ này. Tại cuộc Tổng tuyển cử, ông Nguyễn Mạnh Hà trúng cử đại biểu Quốc hội tại tỉnh Hưng Yên. Ông cũng là thành viên trong phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang đàm phán với Pháp tại Hội nghị Fontainebleau.
Hy vọng sẽ còn được nhiều dịp được nói về cuộc đời của ông.
Xin được trở lại câu chuyện về Việt Nam Kinh tế tập san. Đây là câu chuyện cổ tích mà đoạn kết hãy còn để ngỏ.
Điều khiến chúng tôi nuối tiếc là cho đến lúc này chưa có điều kiện nhìn thấy tận mắt chân dung của tờ Việt Nam kinh tế tập san. Hy vọng là những ấn phẩm mang tên Việt Nam Kinh tế tập san được ra đời trong những ngày đầu Dân quốc ấy vẫn còn nằm đâu đó trong các kho lưu trữ, các bộ sưu tập để đợi ngày trở về với chúng ta hôm nay, như một câu chuyện thật đẹp của báo chí cách mạng Việt Nam.
Đi giữa những ngày Tháng Tám lịch sử này, những mong là sẽ có ngày “châu về Hợp Phố”.