Phân luồng giao thông giúp người dân đi lại an toàn khi mưa rét
Những ngày gần đây, không khí lạnh tăng cường mạnh, nền nhiệt độ ở Hà Nội giảm sâu kèm mưa phùn gió bấc khiến tình hình giao thông Thủ đô có nhiều biến động. Thời tiết mưa rét đúng vào khung giờ cao điểm buổi sáng, chiều, kết hợp với lưu lượng giao thông có xu hướng gia tăng vào thời điểm cuối năm dẫn đến nhiều tuyến đường giao thông quá tải, ùn ứ…
Trước tình hình đó, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội đã chủ động các phương án ứng trực từ sớm và tăng cường nhiều tổ tuần tra hỗ trợ các điểm có thể bị ùn ứ.
Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội cho biết, đã yêu cầu các đơn vị địa bàn chủ động nắm bắt tình hình, đặc biệt là những nơi có các công trình giao thông đang thi công, giao thông phức tạp để lên phương án, bố trí lực lượng phối hợp với công an các quận, huyện, thị xã và các đơn vị chức năng triển khai biện pháp giải quyết khi có ùn tắc giao thông xảy ra.
Mưa lạnh, nhiều tuyến đường xảy ra tình trạng ùn tắc |
Ghi nhận trên các tuyến đường Nguyễn Trãi - Thanh Xuân, Hồ Tùng Mậu, Lê Văn Lương… hướng vào nội đô, ghi nhận trong 2 ngày mưa rét vừa qua, hiện tượng ùn ứ cũng xảy ra. Nguyên nhân khách quan do trên các tuyến đường này đang có các công trình cải tạo giao thông phục vụ các dự án trọng điểm của thành phố. Ngoài ra, do nhiều phương tiện vẫn chưa tuân thủ di chuyển đúng làn nên mỗi khi tạt ngang thường gây ùn ứ, ảnh hưởng đến toàn bộ việc di chuyển của các phương tiện khác.
Hiện tượng ùn tắc cục bộ thấy rõ ở các điểm lên xuống vành đai 3 nối với các cầu Thăng Long, Thanh Trì, nhất là tại các điểm lên xuống đổ về ngã tư Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển, Trần Duy Hưng - Đại lộ Thăng Long. Tương tự, ở vành đai 2, điểm đầu cầu Vĩnh Tuy với Minh Khai vẫn xảy ra ùn ứ do vướng điểm quay đầu xe đi vào khu đô thị Time City. Còn tại ngã tư Vọng - Trường Chinh, phương tiện dừng chờ đèn đỏ kéo dài nên vào giờ cao điểm vẫn còn ùn ứ nhiều phương tiện.
Tại nút giao thông Ô Chợ Dừa vào giờ tan tầm, các lực lượng gồm cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, dân phòng tập trung làm việc từ sớm nhằm điều tiết giao thông, không để xảy ra dồn ứ, ùn tắc qua mỗi nhịp đèn bởi sơ xảy để tắc nghẽn thì việc giải tỏa có thể kéo dài đến đêm.
Ngoài lực lượng Cảnh sát giao thông, công an các quận, huyện, thị xã cũng chủ động tăng cường giải quyết ùn tắc giao thông, xử lý nghiêm những vi phạm là nguyên nhân gây ùn ứ giao thông.
Như trên địa bàn quận Thanh Xuân, hơn 100 học viên Đại học Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy đi thực tập tại Công an quận Thanh Xuân đã được tăng cường về các địa bàn phối hợp giải quyết ùn tắc giao thông mỗi ngày. Công an quận cũng thành lập 5 tổ công tác rà soát, kiểm tra các trường hợp điều khiển xe 3 bánh tự chế chở hàng cồng kềnh gây ùn tắc giao thông.
Lực lượng Cảnh sát giao thông ứng trực tại các cung đường để phân luồng giao thông |
Thượng tá Đinh Tuấn Thành, Trưởng Công an quận Thanh Xuân cho biết, đã tổ chức điều tra cơ bản, đánh giá thực trạng địa bàn, tuyến đường, lưu lượng, số phương tiện tham gia giao thông... Từ đó, xây dựng kế hoạch nhằm kiên quyết xử lý nghiêm những xe quá khổ, quá tải, xe tự chế… chở hàng cồng kềnh, nguy hiểm với tôn chỉ “không có vùng cấm” trong quá trình xử lý vi phạm.
Thời tiết chuyển rét đậm, rét hại, giao thông nội đô thành phố Hà Nội trở nên khó khăn hơn khi lượng ô tô trên đường tăng đột biến. Đặc biệt mỗi khi trời mưa, ùn tắc giao thông lại càng nghiêm trọng hơn. Khó khăn không chỉ với người đi đường mà còn cả với lực lượng chức năng làm nhiệm vụ điều tiết giao thông.
Từ nay đến Tết Nguyên Đán và phục vụ những lễ hội đầu năm, Phòng Cảnh sát giao thông xác định, đơn vị phải là chủ công trong việc bảo đảm an toàn giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông trong mọi tình huống.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội nhấn mạnh, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng công an cũng cần sự hỗ trợ của các lực lượng khác, đặc biệt là ý thức của người tham giao thông là nhân tố quyết định giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.