Nỗi khổ của những nàng FA
Nỗi khổ của các nàng FA mỗi khi tết đến xuân về
Những người bị gọi là nàng FA do họ quá bận rộn với công việc, cuộc sống bên ngoài và có đôi phần cứng nhắc nên dẫn đến việc lười yêu đương, ế lâu năm.
Trốn tết vì bị họ hàng quan tâm
Kỳ nghỉ Tết của Lê Thị Dung – nhân viên văn phòng một cty truyền thông ở quận Hoàn Kiếm bắt đầu ngày 27 tháng Chạp. Thay vì cuống cuồng gói ghém đồ về quê ăn Tết, cô phải cố nán lại Hà Nội đến tối 29 mới bắt chuyến xe muộn về với cha mẹ.
Khoảng cách từ nhà ra Hà Nội là 300 km, đủ làm lòng người con gái xốn xang khi đã xa nhà cả năm. Tuy nhiên cô gái cho biết, chẳng phải lưu luyến cái ồn ào và tấp nập nơi phố thị mà rất sợ mỗi lần về quê dịp Tết với đủ thứ áp lực.
Dung kể: Trong khi nhà hàng xóm ở quê có cô gái 22 tuổi mà con đã gần lên 3, mình được coi là “cá biệt” vì 33 tuổi vẫn chưa chịu đi lấy chồng.
Chẳng nhớ đã bao mùa xuân Dung phải nghe điệp khúc “Bao giờ lấy chồng?” từ họ hàng, người thân, làng xóm láng giềng. Thậm chí mẹ Dung phải khóc khi nói với cô chuyện kết hôn. Cô gái cũng không đếm nổi bao nhiêu lần mình đã phải nở nụ cười gượng gạo để đáp lại những câu hỏi đó.
Với Dung, độc thân không phải vấn đề nhưng mỗi dịp nghỉ lễ, nhất là khi Tết đến, sự “quan tâm” của gia đình, họ hàng, bàn bè, hàng xóm khiến cô cảm thấy áp lực vô hình. Tết bỗng trở thành một chuỗi ngày “khủng hoảng” với những chuyện chồng con.
Cô gái Trịnh Thị Hồng, Tết năm nay cũng bước sang tuổi 28. Dù tuổi này ở thành phố chưa phải là mức “quá lo lắng” nhưng ở quê, cô đã bị coi là “quả bom nổ chậm”.
Hồng cho biết từ 3 năm nay, mỗi lần nhìn thấy mặt, cả họ hàng, làng xóm đều hỏi han, nhắc nhở “lấy chồng đi”, “bao giờ lấy chồng?”, “bạn bè nó vừa cưới đấy”…
“Tết khi 25 tuổi, em thực sự chưa suy nghĩ gì khi bị nhắc nhở nhưng đến năm 27, rồi năm nay bước vào tuổi 28 thì em sợ về nhà vào dịp Tết. Ngoài bố mẹ, họ hàng, làng xóm lúc nào cũng điệp khúc “sao không đưa người yêu về ra mắt”, “năm sau nhớ cho cô ăn cỗ nhé”, …Hồng nói.
Không "cưới liều"
Đa số các bậc phụ huynh đều quan niệm, con đã học đại học xong, có công ăn việc làm ổn định thì theo lẽ tự nhiên là phải dựng vơ, gả chồng để yên ổn làm ăn. Tuy nhiên không ít bạn trẻ hiện đại mang theo suy nghĩ thoáng hơn. Họ cho rằng, kết hôn ở tuổi 18 hay 40 cũng được miễn là các nàng FA thấy đủ tự tin bước vào cuộc sống gia đình, hài lòng với sự lựa chọn của mình và dám chấp nhận những khó khăn phía trước.
Trước những áp lực từ sự quan tâm của phụ huynh, họ hàng, làng xóm trong ngày Tết, cô gái 33 tuổi Lê Thị Dung cũng thấy tủi thân, cô chưa quá nhiều tuổi để mà suy nghĩ “vơ bèo vạt tép” nhưng đôi lúc cũng có cảm giác “bất hiếu” vì để cha mẹ nhắc nhở mãi.
“Có mỗi một câu: “Mày kén vừa thôi” mà năm nào mẹ cũng nhắc, đặc biệt là khi Tết về. Không phải tôi kén nhưng tìm được một người phù hợp với mình đâu phải dễ. Nhắm mắt đưa chân lấy chồng cho có, để rồi không hạnh phúc thì phí mất cả đời. Phụ nữ đẹp, thông minh biết yêu chiều bản thân, biết tỏa sáng trước đám đông, không lẽ lại vụt tắt chỉ vì cô ấy chưa lấy chồng?
Cứ Tết đến là tôi chỉ muốn nằm nhà. Tôi sợ những lời hỏi han của tất cả mọi người, “Ơ cái con bé này, sao mãi chưa lấy chồng nhỉ?”… từ ông bà, bố mẹ, đến cô bác, người thân, bạn bè. Tầm tuổi này tôi vẫn muốn tìm một người phù hợp nhưng thêm 2 năm nữa chắc tôi cũng sẽ lấy “đại” để bố mẹ đỡ lo” – Dung chia sẻ.
Còn Trịnh Thị Hồng thì quan niệm, phụ nữ hiện đại có nhiều mối quan tâm nên chuyện lấy chồng, sinh con không còn đặt lên vị trí hàng đầu như trước đây. Bởi vậy chuyện phụ nữ ngoài 30 tuổi kết hôn không có gì là muộn.
“Giờ học xong đại học đã 22 tuổi rồi, ai học lên cao học lại thêm 2 năm nữa, đi làm vài năm ổn định mới lo lấy chồng sinh con. Tôi thấy tầm 28-30 tuổi lấy chồng là đẹp, ngoài 30 lấy cũng không sao.
Với lại phụ nữ bây giờ trẻ lâu, nhiều chị ngoài 30 tuổi vẫn phơi phới như gái 20. Không ít chị phụ nữ ngoài 30 tuổi vẫn cứ tươi roi rói, tham gia hoạt động xã hội…Họ có nhiều mối quan tâm đâu mà cứ phải lấy chồng, sinh con” – Hồng nêu quan điểm.
Bày tỏ về vấn đề này, Nguyễn Thu Trang 29 tuổi ở quận Cầu Giấy cho biết: “Tôi nghĩ rằng các bạn trẻ cứ từ từ, tìm được người phù hợp mới lấy. Có mang tiếng ế cũng đừng vơ bèo vạt tép. Chẳng ai đảm bảo phụ nữ lấy chồng muộn sẽ hạnh phúc nhưng ít nhất bạn có thêm thời gian để sống độc thân và tìm hiểu về người bạn đời của mình, học hỏi những kinh nghiệm gia đình từ mọi người xung quanh.
Bạn sẽ chín chắn, suy nghĩ thấu đáo hơn và đương nhiên, những quyết định các vấn đề trong hôn nhân bao giờ cũng được cân nhắc kỹ càng, tỉ lệ hôn nhân hạnh phúc sẽ cao hơn. Vì thế, “chả dại gì” mà lấy chồng sớm khi bản thân bạn hoàn toàn không muốn. Hãy để cả lý trí và trái tim bạn lựa chọn thời điểm thích hợp” – cô gái nhấn mạnh.