Nỗ lực trồng và bảo vệ rừng là tiền đề để phát triển bền vững
Sơ đồ phân tích vụ sạt trượt tại Trà Leng năm 2020 - Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên cung cấp (Ảnh: Chi Cục Kiểm lâm Quảng Nam) |
Rừng là tài nguyên vô cùng quý giá theo lời dạy của Bác Hồ: “Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ xây dựng thì rừng rất quý”. Tác dụng của rừng rất đa dạng, trước hết cung cấp gỗ, lâm sản ngoài gỗ, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, phục vụ nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái... Rừng còn ví như lá phổi xanh của Trái Đất, giữ vai trò chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Đánh giá lại toàn bộ hiện trạng rừng
Trong những năm qua, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ, thời tiết diễn biến phức tạp, thiên tai xảy ra ngày càng khốc liệt và thường xuyên, độ che phủ của rừng nước ta giảm sút đến mức báo động.
Đáng lưu ý, nhiều vụ phá rừng nghiêm trọng ở một số tỉnh được phát hiện chậm và chính việc xử lý thiếu kiên quyết, không nhất quán, thậm chí có biểu hiện né tránh trách nhiệm, làm ngơ, tiếp tay cho cá nhân, tổ chức phá rừng; các vụ sạt lở, lũ quét gây thiệt hại lớn đối với tài nguyên rừng.
Theo các chuyên gia lâm nghiệp, yêu cầu cấp bách hiện nay là phải đánh giá đúng thực trạng, nguyên nhân suy giảm rừng tự nhiên, từ đó xây dựng những giải pháp hữu hiệu để bảo vệ “lá chắn” giữ nước, giữ đất, bởi cái giá phải trả vì mất rừng tự nhiên đã và đang hiện hữu. Điển hình vào ngày 28/10/2020 vụ sạt lở kinh hoàng ở Trà Leng đã san phẳng nóc Ông Đề với 11 hộ dân ở thôn 1 (xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam).
Ngoài nguyên nhân do khu vực đồi núi cao, mưa lớn nhiều ngày, địa chất có nhiều đất sét, 2 vách bên khe suối có cấu tạo nền đất bở rời, nằm trên nền đá gốc nên dễ gây sạt trượt, trong đó không thể bỏ qua nguyên nhân mất rừng tự nhiên.
Do đó, trồng và bảo vệ rừng đang trở thành một trong những nhiệm vụ cấp thiết hiện nay của cả nước. Tại tỉnh Quảng Nam, tháng 6/2022 UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh” theo Chỉ thị số 45 ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ với kinh phí 15 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh.
Cụ thể, giai đoạn 2022 - 2026, Quảng Nam gieo tạo và trồng phân tán 600 nghìn cây giổi, gáo vàng, gụ lau, lim xanh, sao đen, dầu rái, trám, sấu, tràm gió…và trồng 70ha rừng tập trung trên địa bàn 18 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Việc thực hiện dự án nhằm lan tỏa phong trào trồng cây xanh, trồng rừng đến các ngành, địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức; nâng cao độ che phủ rừng, thúc đẩy phủ xanh đất trống, đồi trọc, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái. Đồng thời tạo nguồn gỗ làm nhà ở các huyện trung du, miền núi của tỉnh, hạn chế khai thác gỗ từ rừng tự nhiên; nâng cao thu nhập cho người dân…
Quảng Nam phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh” giai đoạn 2022-2026 (Ảnh: Chi Cục Kiểm lâm Quảng Nam) |
Đa dạng mô hình kinh tế rừng
Thời gian qua, bằng các chương trình đầu tư phát triển sinh kế vùng đệm tại các khu rừng đặc dụng và sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp trong cộng đồng, đời sống người dân miền núi có bước chuyển tích cực. Nhờ đó, giảm tác động bất lợi lên tài nguyên rừng, góp phần phát triển KT-XH tỉnh Quảng Nam theo hướng bền vững.
Đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam thông tin, tỉnh hiện có tổng diện tích tự nhiên hơn 1.057.474ha; tính đến cuối năm 2021, diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng hơn 769.276ha, chiếm 72,75% diện tích tự nhiên của tỉnh; độ che phủ rừng đạt 58,61%. Trong đó, diện tích do các BQL rừng đặc dụng quản lý hơn 117.000ha; diện tích do các BQL rừng phòng hộ quản lý hơn 269.741ha.
Theo đánh giá của các huyện Hiệp Đức, Đông Giang, trồng rừng gỗ lớn là sự lựa chọn đúng đắn, do đó trong chiến lược phát triển lâm nghiệp, các huyện miền núi và trung du đề xuất, ngoài cây keo còn kết hợp phát triển thêm những cây có giá trị lấy gỗ khác để có hiệu quả về kinh tế lâu dài, Quảng Nam xác định, sản phẩm cây lâm nghiệp chủ lực ngoài cây giổi còn có lim, chò, ươi, keo lai.
Tại huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, Tây Giang từng bước chuyển đổi diện tích nương rẫy sang trồng rừng sản xuất đa mục tiêu để phục vụ công nghiệp chế biến, lấy gỗ làm nhà và các công trình văn hóa trên địa bàn miền núi; chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn để phục vụ công nghiệp chế biến sâu; tham gia cấp chứng chỉ rừng bền vững theo tiêu chuẩn của quản trị rừng quốc tế.
Ở xã Trà Nam (huyện Nam Trà My), khởi sự từ năm 2017 hàng trăm hộ gia đình tự giác lập các chốt canh dọc QL40B để thay nhau bảo vệ rừng. “Người dân bao đời nay được mẹ rừng che chở, ban cho những sản vật quý hiếm. Vì vậy, bảo vệ rừng và phục hồi rừng xanh là việc phải được ưu tiên hàng đầu, tôi đã tự bỏ ra hơn 1 tỷ đồng để mua cây gỗ lớn về trồng phủ xanh đất nương rẫy”, ông Nguyễn Văn Lượng ở thôn 2 xã Trà Linh chia sẻ.
Nhờ phát triển mạnh cây dược liệu dưới tán nên diện tích rừng tự nhiên ở miền núi tỉnh Quảng Nam được bảo vệ nghiêm ngặt (Ảnh: Chi Cục Kiểm lâm Quảng Nam) |
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu, hướng phát triển tại các huyện miền núi đang tập trung vào 3 mũi nhọn chính là trồng rừng gỗ lớn, phát triển dược liệu dưới tán rừng và trồng cây ăn quả thay thế dần diện tích cây keo ở vùng núi cao.
Hiện nay, các BQL rừng phòng hộ, Khu bảo tồn, Vườn Quốc gia triển khai nhiều mô hình trồng cây dược liệu, khai thác lâm sản ngoài gỗ, khai thác kinh tế trong rừng phòng hộ, kinh doanh du lịch sinh thái, xây dựng vườn ươm cây giống, tạo nguồn con giống… để cải thiện thêm thu nhập cho lực lượng chuyên trách BVR.
Ngoài ra, Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam là đơn vị được chọn thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ KH&CN trồng keo lai nuôi cấy mô tại tỉnh Quảng Nam để phát triển rừng trồng cây gỗ lớn” của Bộ Khoa học và Công nghệ. Dự án được triển khai trong 36 tháng (tháng 12/2021 đến 11/2024) tại 3 huyện Phước Sơn, Nông Sơn, Đại Lộc.
Tháng 9/2022, đơn vị đã tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây keo lai theo hướng thâm canh để sản xuất gỗ lớn cho các hộ dân có đất rừng ở xã Quế Trung (huyện Nông Sơn). Người dân được hướng dẫn cách chọn giống cây keo lai (BV10, BV16, BV32); phương thức, phương pháp, mật độ và thời vụ trồng; kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng như xử lý thực bì, làm đất, đào hố, phương pháp bón phân, chăm sóc rừng theo từng độ tuổi, các biện pháp bảo vệ rừng...
Về công tác bảo vệ rừng vùng giáp ranh, BQL rừng phòng hộ huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) tổ chức lực lượng tuần tra, truy quét khu vực rừng giáp ranh giữa 2 huyện Tu Mơ Rông và huyện Nam Trà My tại Tiểu khu 894, 895 trong lâm phận và Tiểu khu 233, 234, 235 lâm phận do Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô quản lý (xã Văn Xuôi, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum).
Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng số 1 tỉnh Quảng Nam tuần tra bảo vệ rừng giáp ranh (Ảnh: Chi Cục Kiểm lâm Quảng Nam) |
Được biết, thời gian gần đây việc giao rừng cho cộng đồng quản lý là một chủ trương xã hội hoá công tác bảo vệ và phát triển rừng, gắn với quyền lợi và trách nhiệm của người dân. Việc giao rừng theo mô hình cộng đồng giúp người dân có sinh kế lâu dài. Mặt khác, người dân quản lý rừng ngay tại nơi mình cư trú sẽ dễ phát hiện "lâm tặc" để cùng với chính quyền địa phương và kiểm lâm địa bàn tạo thành 3 lực lượng bảo vệ rừng hiệu quả.
Là địa phương có điều kiện thuận lợi phát triển trồng rừng gỗ lớn, tỉnh Quảng Nam đã và đang tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin, hỗ trợ kỹ thuật và nguồn vốn để trồng rừng sạch theo hướng FSC, góp phần tạo sinh kế cho người dân miền núi vươn lên thoát nghèo, hạn chế phá rừng.