Những tâm tình thêm niềm vui sống giữa đời thường
Niềm vui có từ suy nghĩ, hành động và trái tim nhân hậu Niềm vui từ mái ấm nghĩa tình Nghiêm Xá rộn ràng niềm vui |
Thay đổi tích cực để lợi mình - lợi người
Người xưa vẫn nói chợ búa là nơi buôn bán nên luôn bát nháo, ồn ào, có cả sự điêu toa, lọc lừa. Vậy mà, Thăng Long xưa - đất Kẻ Chợ lại tự hào trong mình cả ngàn năm văn hiến. Tại sao lại như vậy? Chỉ có thể là bởi trong hàng ngàn năm hình thành và phát triển ấy, những giá trị văn hóa, đặc biệt là văn hóa ứng xử giữa người với người được người Hà Nội luôn chú ý bồi đắp, giữ gìn và trao truyền qua các thế hệ bằng ý thức, bằng trách nhiệm, bằng tất cả sự yêu mến mảnh đất này.
Chợ không chỉ là nơi mua bán mà khách hàng và tiểu thương còn gặp gỡ, chuyện trò tâm tình với nhau nhiều điều trong cuộc sống |
Chính bởi vậy, nâng cao văn hóa ứng xử ở chợ cũng chính là cách người Hà Nội nâng cao chất lượng cuộc sống của mình. Hà Nội ngày nay có biết bao trung tâm thương mại lớn nhỏ, các cửa hàng tiện lợi nhưng hình thức chợ truyền thống vẫn còn tồn tại song hành với đời sống dân sinh.
Trước hết, chợ nhỏ, chợ dân sinh rất gần với nơi sinh sống của người dân. Đang nấu dở bữa cơm, thiếu cái gì người ta có thể chạy ra mua ngay. Trên đường đi làm về hoặc đi tập thể dục người ta cũng tạt vào mua.
Hơn nữa, không gian thoáng rộng của chợ, việc người bán thường xuyên nhìn thấy khách hàng qua lại thậm chí biết rõ cả nơi ở của khách cũng là một yếu tố khiến họ giao lưu thường xuyên, chuyện trò tâm tình nhiều điều và gắn bó với nhau hơn. Nhiều khi đi đâu đó về, chợt nhớ ra món hàng phải mua nhưng quên tiền thì chủ cửa hàng vẫn đon đả: "Bác cứ cầm về dùng đi, lúc nào qua trả em cũng được". Điều này ít xảy ra ở các trung tâm thương mại với nhân viên thu ngân làm theo ca, thời gian thanh toán càng nhanh càng tốt để phục vụ khách tiếp theo.
Thực hiện lối ứng xử văn minh nơi công cộng, tại nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội, khách hàng "Nói không" với những cửa hàng mà tiểu thương bán hàng không văn minh. Bà Nguyễn Thị Cân (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết gần nhà bà có một quầy chuyên mang ra những con lợn dầy bì, dầy mỡ, thịt ngon, đảm bảo lợn không phải được nuôi từ cám công nghiệp. Vậy mà, bà đành phải đi sang hàng khác để mua những miếng thịt kém ngon hơn.
Lí do, chị bán hàng có thói quen cứ "ấn" thêm cho khách. Chẳng hạn nếu nói mua 2 lạng chị sẽ cắt lên thành 3 thậm chí 4 lạng xong lấy cớ là cắt bỏ lại thì bị vụn ra mất, nài nỉ như ép buộc khách mua thêm. "Tôi ở một mình, ăn ít, chỉ mua đúng số lượng mình muốn mua, mai lại ăn cái khác, người già ăn được bao nhiêu mà cứ phải cầm về, xong để lên tủ lạnh vài ngày sau mới lại mang ra ăn, mất ngon. Quan trọng là thái độ bán hàng lần nào cũng như lần nào thế, tôi không còn muốn mua nữa", bà Cân cho biết.
Mỗi người bán hàng đều đã tự ý thức được lối ứng xử văn minh để tạo thêm nhiều khách hàng mua thiết cho mình |
Dù còn một vài trường hợp chanh chua, nói năng kiểu "chợ búa" nhưng đa phần tiểu thương tại các chợ đều hiểu rằng mình cần phải thay đổi để phù hợp với xã hội hiện nay. Có một thời gian người bán hàng mặc sức "hét giá", chèo kéo, chèn ép người mua nhưng cơ chế thị trường lên ngôi, "khách hàng là thượng đế" cùng với việc phải cạnh tranh để hút khách nên mỗi tiểu thương đều có những bí quyết riêng để tạo thiện cảm với người mua.
Chị Mười, một tiểu thương bán thịt bò tại chợ nhỏ trên địa bàn quận Thanh Xuân cho biết: "Cứ chân tình với khách, bán hàng bằng cả cái tâm, giá bán giảm một chút nhưng sẽ nhiều khách hơn thì tự dưng lợi nhuận sẽ đến". Chị Phương thì mỗi khi đi từ ngoại thành vào nội thành bán hàng thường mang theo lỉnh kỉnh rất nhiều thứ. Bán hàng lâu năm tại chợ nhỏ ở quận Hoàng Mai, chị quen thân và biết sở thích của nhiều khách hàng thân thiết. Vì thế, nhà có mấy quả na trái mùa, quả ổi nghệ hay vài lá trầu không, ít lá sài đất... chị đều mang lên biếu những người hay mua đồ của mình.
Bà Vui (Long Biên, Hà Nội) thì kể rằng bà rất thích đi chợ. Tạt vào chỗ này một chút, tạt vào chỗ kia một tẹo, chẳng mua thì nói vài câu chuyện vui vui, thế mà thấy tinh thần khỏe khoắn, phấn chấn hẳn lên. "Tôi về hưu rồi, con cháu đi làm cả ngày, nếu không đi chợ, trò chuyện với những người bán hàng thì buồn lắm. Từ chuyện trái nắng trở trời, sức khỏe, vật giá tăng đến những rắc rối trong cuộc sống, cứ chia sẻ rồi được mọi người động viên, tư vấn cho, có ích lắm", bà Vui tâm sự.
Ở nhiều khu chợ, người bán với người mua tạo nên những mối quan hệ quen biết, thậm chí còn thân thiết. Ngoài việc tâm tình, chia sẻ những câu chuyện trong cuộc sống, họ còn thăm hỏi hỗ trợ nhau những lúc ốm đau, khó khăn.
Tiểu thương ứng xử đẹp, chợ văn minh
Phát huy lối ứng xử thân thiện, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, trên địa bàn Hà Nội, rất nhiều quận, huyện triển khai các mô hình chợ văn minh. Có thể kể đến mô hình "Chợ văn minh" Thái Hà tại quận Đống Đa (Hà Nội). Được biết, đây là 1 trong 3 mô hình do Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội xây dựng tiêu chí hướng dẫn và giao cho 30 quận/huyện triển khai thực hiện trong năm 2023, trong đó Đống Đa là đơn vị làm điểm.
Những hoạt động nâng cao lối ứng xử văn minh nơi công cộng tại Hà Nội |
Mô hình điểm “Chợ văn minh - an toàn - hiệu quả" trong thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng đã được Hội LHPN Hà Nội chỉ đạo triển khai thí điểm tại một số chợ như: chợ Thái Hà, chợ Kim Liên (quận Đống Đa); chợ Gối, chợ Mới, chợ Phùng (huyện Đan Phượng); Chợ Thượng Thanh, chợ Kim Quan (quận Long Biên); chợ Giá (Hoài Đức); chợ Chúc Sơn, chợ Xuân Mai (Chương Mỹ). Bên cạnh đó, một số đơn vị đã chủ động chỉ đạo mô hình điểm như: Gia Lâm, Thanh Trì, Thạch Thất, Hà Đông, Thanh Xuân...
Nằm trong các hoạt động tuyên truyền, giám sát việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Hà Nội, các đơn vị cũng tiến hành nhiều cuộc vận động tiểu thương các chợ kí cam kết hoặc tuyên truyền cho tiểu thương hiểu về lợi ích của ứng xử văn minh, thân thiện.
Sau các hội nghị tập huấn tuyên truyền văn hóa ứng xử trong kinh doanh cho tiểu thương tại các chợ, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Long Biên cũng cho ra mắt mô hình điểm “Chợ văn minh - an toàn - hiệu quả” và phát động thực hiện quy tắc ứng xử tại chợ Thượng Thanh phường Thượng Thanh và chợ Kim Quan phường Việt Hưng.
Chào mừng kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập quận Long Biên (6/11/2003 - 6/11/2023), Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) quận Long Biên phối hợp với UBND quận tổ chức Chung khảo “Hội thi Chợ văn minh thương mại - An toàn thực phẩm”.
Hội thi là dịp tuyên truyền và vận động phụ nữ thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng, từng bước xây dựng và hình thành những chuẩn mực văn hóa của cá nhân khi tham gia các hoạt động tại chợ. Đồng thời hoạt động này cũng giáo dục niềm tự hào và ý thức trách nhiệm của tiểu thương trong việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của người dân Thủ đô thông qua việc thực hiện quy tắc ứng xử, tạo sự lan tỏa và tích cực đến các hộ kinh doanh trên địa bàn quận, và tiếp tục nhân rộng mô hình “Chợ văn minh - an toàn - hiệu quả” tại các chợ truyền thống trên địa bàn quận.
Đó là nỗ lực của các ngành các cấp nhằm tuyên truyền việc thực hiện văn hóa ứng xử nơi công cộng tới sâu rộng mọi tầng lớp Nhân dân, ở từng mảng, từng lĩnh vực để toàn thể công dân Thủ đô ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình. Từng cá nhân thay đổi thì sẽ dẫn đến tập thể thay đổi. Từng cá nhân làm tốt thì sẽ dẫn đến tập thể ứng xử văn minh.