Những dự án khởi nghiệp độc đáo của sinh viên Thủ đô
Ứng dụng khoa học với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số Triển khai nhiều mô hình sáng tạo trong hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp |
Góp phần phát triển giao thông
Dự án "E-Aft - Trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa, cứu hộ xe điện lưu động 24/7" của nhóm sinh viên Trường Đại học Giao thông vận tải được đánh giá cao bởi mang đến những giá trị thiết thực cho cộng đồng.
Đại diện nhóm Lê Thị Minh Chính cho biết, hiện nay, xe điện đang trở thành xu hướng trong bối cảnh cả thế giới dịch chuyển sang những nguồn năng lượng sạch và thân thiện. Với mong muốn tạo ra một thương hiệu tin cậy để hỗ trợ khách hàng chăm sóc bảo dưỡng xe định kỳ và đảm bảo tính năng vận hành, cũng như hướng dẫn khách hàng chăm sóc pin đúng cách và cung cấp công cụ (app) theo dõi tình trạng phương tiện, nhóm xây dựng dự án “E-Aft - Trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa, cứu hộ xe điện lưu động 24/7”.
Các thành viên dự án E-Aft - Trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa, cứu hộ xe điện lưu động 24/7" |
Theo đó, dự án hướng tới xây dựng hệ thống trung tâm bảo dưỡng sửa chữa các loại phương tiện cá nhân chạy bằng điện bao gồm xe đạp điện, xe máy điện và trong tương lai là xe ô tô điện. Dự án kết hợp xây dựng các ứng dụng cứu hộ xe điện lưu động 24/7 trên nền tảng internet, cung cấp các clip hướng dẫn khắc phục sự cố, chăm sóc cho các phương tiện cá nhân chạy bằng điện để tạo ra giá trị và thu hút khách hàng quan tâm đến e-AFT.
Dự án được đánh giá cao bởi tình độc đáo, đó là xây dựng trung tâm bảo dưỡng sửa chữa chuyên nghiệp dành cho xe điện nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn về việc bảo dưỡng, sửa chữa cho xe điện. E-AFT cũng hướng đến nhượng quyền kinh doanh mô hình trạm bảo dưỡng sửa chữa, đưa ra giải pháp nâng cấp và cải tiến các cửa hàng bảo dưỡng, sửa chữa thông thường thành trung tâm sửa chữa xe điện.
Mô hình E-Aft - Trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa, cứu hộ xe điện lưu động |
Mặt khác, dự án có t cộng đồng cao khi cung cấp miễn phí tới khách hàng các video clip hướng dẫn chăm sóc, xử lý sự cố, sửa chữa phương tiện chạy điện. Từ đó, khách hàng hiểu rõ hơn về việc bảo dưỡng sửa chữa và chăm sóc phù hợp cho các phương tiện cá nhân chạy điện.
“Dự án hướng đến thị trường ngách chưa có nhiều đơn vị tham gia, nhằm tạo ra tiện ích và sự hài lòng cao nhất cho khách hàng. Chúng tôi đặt mục tiêu trong 5 năm tới, dự án tạo ra thương hiệu tin cậy để hỗ trợ khách hàng, tiến đến xây dựng hệ sinh thái xe điện, góp phần phát triển giao thông đô thị và bảo vệ môi trường”, Lê Thị Minh Chính cho biết.
Nâng cao chất lượng môi trường
“Phân than xanh Relife - Phân bón than sinh học vi sinh từ phụ phẩm nông nghiệp” của sinh viên Trường Đại học Thương mại cũng là một dự án góp phần nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng. Hiện nay, việc giảm thiểu chất thải và tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên đang ngày càng trở nên quan trọng trong các ngành nông nghiệp. Theo đó, dự án được coi là sáng kiến tái chế độc đáo, biến phụ phẩm thành các sản phẩm hữu ích.
Các thành viên dự án “Phân than xanh Relife - Phân bón than sinh học vi sinh từ phụ phẩm nông nghiệp” |
Bùi Duy Anh, thành viên của dự án cho biết, phân than xanh là sự kết hợp giữa than sinh học được sản xuất thông qua quá trình nhiệt phân yếm khí và phân hữu cơ vi sinh ủ từ phụ phẩm nông nghiệp. Sản phẩm phân bón than sinh học vi sinh từ rơm, phụ phẩm nông nghiệp được sử dụng để cải thiện chất lượng đất, tăng cường độ phì nhiêu, giữ ẩm và giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Ngoài ra, sản phẩm còn có thể được sử dụng để giảm mùi hôi từ các chuồng trại chăn nuôi. Phương pháp này không chỉ giảm khối lượng chất thải mà còn chuyển đổi chúng thành biochar (than sinh học), qua đó góp phần giảm tác động tiêu cực đến môi trường.
“Nhóm đã tính toán để phi phí sản xuất được tối ưu hóa, đảm bảo sản phẩm có tính cạnh tranh cao. Giá bán dự kiến là 9.000 đồng/kg, nằm trong mức giá thấp của phân hữu cơ vi sinh trên thị trường hiện nay. Mặc dù vậy, sản phẩm lại có nhiều lợi ích vượt trội hơn về mặt cải tạo đất và bảo vệ môi trường”, Duy Anh cho biết.
Hiện tại dự án đã tạo ra sản phẩm và đang thực hiện thử nghiệm trên cây dâu tại Mộc Châu và tới đây là một số cây trồng khác tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, các thành viên trong nhóm tiếp tục tìm kiếm sự hỗ trợ về cả chuyên môn lẫn kinh doanh thông qua các cuộc thi và diễn đàn để triển khai dự án sâu rộng trong thực tế.