Những áp lực mang tên “kỳ thi”
Những nỗi lo…
Nguyễn Lan Anh, học sinh lớp 9, trường THCS Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội luôn trong tình trạng căng thẳng kể từ khi bước vào lớp 9. Cô bé lo mình sẽ không thi vào được hệ chuyên trường THPT Chu Văn An, ngại các bạn đỗ, còn mình trượt. Với tâm lý này, Lan Anh không chỉ học cả ngày ở trường, buổi tối đi ôn luyện ở trung tâm, cô bé còn yêu cầu bố mẹ tìm thầy, cô giỏi để đi học thêm vào 2 ngày nghỉ cuối tuần. Kể từ khi vào lớp 9, chưa bao giờ Lan Anh về nhà trước 10 giờ tối và đến tận 1,2 giờ sáng mới đi ngủ.
Thí sinh làm thủ tục trước khi thi bước vào thi |
Chị Lan Hương - mẹ Lan Anh cho biết: “Con luôn miệng nói, ở lớp bạn nào học cũng siêu, con không muốn kém các bạn, con không thể để cho bạn nào học hơn mình, ai hơn điểm là con không chịu nổi…”.
Nhiều hôm vừa ngồi ăn, tôi thấy con nói: Con lo không làm được bài, con lo không thi nổi. Khi ấy các bạn vào trường chuyên còn con sẽ làm gì…? Tôi không muốn tạo áp lực cho con nhưng nếu bây giờ mà nói thi cử không quan trọng, không thi được sẽ vào trường dân lập thì lập tức con sẽ không phấn đấu học nữa. Tôi thấy vừa áp lực, vừa hoang mang, không biết nên xử lý thế nào”.
Nhiều em học sinh lớp 9 đang căng thẳng tâm lý trước kỳ thi vào lớp 10 THPT |
Còn Nguyễn Thu Hường đang học trường THCS Gia Thụy, Long Biên, Hà Nội chia sẻ: “Sức học của mình thuộc dạng khá tốt nhưng không hiểu sao, càng gần ngày thi mình càng cảm thấy đầu óc trống rỗng, hoang mang. Đỉnh điểm là 2 lần thi thử của trường vừa qua mình đều không làm được bài và để giấy trắng. Lúc làm bài thi tự dưng mình cảm thấy hồi hộp, kiến thức bỗng chốc quên hết. Khi về đến nhà đọc lại đề thi, mình làm được từ đầu đến cuối, thậm chí là làm rất tốt. Mình rất lo, bố mẹ đều là người có vị trí trong xã hội, nếu thi không tốt, bố mẹ sẽ xấu hổ lắm”.
Nhiều cha mẹ, dù biết con ôn thi vất vả nhưng họ luôn ước vọng con mình sẽ phải thi bằng được vào trường công lập top đầu của thành phố. Từ ước vọng này, họ đã tạo ra không ít áp lực cho bản thân và con cái.
Cha mẹ đừng tạo áp lực sai cách
Liên quan đến tâm lý trước kỳ thi, thầy Phan Dương, quản lý của Bgo Edu cho rằng, có nhiều em học rất giỏi nhưng vào phòng thi lại không làm được bài. Lý do là bởi các bạn quá lo lắng, không tự tin vào bản thân nên đến lúc đó bỗng dưng quên hết kiến thức hoặc không muốn làm bài.
“Bố mẹ tạo áp lực cho con sai cách sẽ khiến con hoang mang. Khi đứa trẻ lo lắng, thì sức lực, chú ý, tư duy của nó đều chú tâm vào lo lắng mà mất đi năng lượng dẫn đến không thể dành tối đa cho việc học tập nữa.
Lúc này chỉ cần bố mẹ nói với con: Con làm được, bố mẹ tin tưởng vào con, con xứng đáng để tốt hơn rất nhiều… khi vào thi bạn ấy sẽ cảm thấy thoải mái, tự tin…”, thầy Phan Dương nói.
Thí sinh trao đổi thông tin sau khi ra khỏi phòng thi |
Thầy Phan Dương cũng cho rằng, học sinh có tâm lý hơn thua, ganh đua nhau trong học tập xét ở một khía cạnh nào đó là tốt bởi bạn ấy tự xác định được mục tiêu phấn đấu để nỗ lực vươn lên. Tuy nhiên, tâm lý ganh đua giữa cá nhân học sinh với nhau lại không nên, bởi nó sẽ khiến các em trở nên ích kỷ. Có em không được kết quả như mong muốn lại suy nghĩ tiêu cực. Bố mẹ, thầy cô cần định hướng, giải tỏa tâm lý này cho các con.
Nhiều ý kiến cho rằng, trước kỳ thi bao giờ bố mẹ cũng rất căng thẳng, lo lắng vì mong muốn con mình có được thứ tốt nhất, từ đó kỳ vọng vào con nhiều hơn. Tuy nhiên nỗi lo là của bố mẹ bằng cách này hay cách khác lại truyền sang cho con, khiến con áp lực nhiều hơn.
Có thể thấy ngay từ đầu lớp 9, nhiều cha mẹ luôn nói với con về kỳ thi vào lớp 10 rất quan trọng, thậm chí khó hơn cả kỳ thi vào đại học, hay không ít người còn mang tỉ lệ chọi trường này, trường kia ra “dọa” thí sinh…
Cũng có người cho rằng, nhất thiết phải học trường THPT công lập, rằng học không ra gì mới phải vào trường dân lập… Với những suy nghĩ, áp đặt đó, cha mẹ luôn khiến tâm lý các con càng căng thẳng, nặng nề trước kỳ thi.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội chia sẻ: "Tất cả những suy nghĩ về trường công, trường tư hay việc chỉ học lên mới là con đường duy nhất bước vào đời là sai lầm. Nhiều em học trương tư, nhiều em học nghề mà vẫn thành công trong tương lai.
Bố mẹ truyền cho con cái lo lắng nếu con không đỗ trường này, không đỗ trường kia thì sẽ không thành công, như vậy đứa trẻ sẽ bị ám thị bởi điều đó và lo lắng, nếu mình không đỗ, bố mẹ sẽ không đứng về phía mình…
Ở thời kỳ thi chuyển cấp, việc đỗ hay trượt không thể hiện là đứa trẻ có năng lực hay không. Con bước vào đời không đi đường này sẽ đi đường khác. Điều quan trọng là nếu con thất bại và biết vượt qua nó thì con sẽ thành công trong tương lai”.
Bộ GD&ĐT công bố đề tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 |