Nhức nhối vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng
Liên tiếp triệt phá nhiều cơ sở sản xuất hàng giả, hàng nhái
Ngày 6/4, Đội Quản lý thị trường số 17 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã bất ngờ kiểm tra xưởng sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH hóa mỹ phẩm T&T Á Châu do ông Nguyễn Văn Thái hộ khẩu thường trú tại thôn Phú Tàng, Bắc Phú, Sóc Sơn, Hà Nội làm chủ.
Xưởng sản xuất nằm trên một ngã ba lớn tại thôn Chợ Nga, xã Thanh Xuân, Sóc Sơn. Địa điểm này khác so với địa chỉ trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà cơ sở đã đăng ký với Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Hà Nội.
Thời điểm lực lượng chức năng kiểm tra, công nhân tại xưởng sản xuất đang làm việc bình thường. Tại hiện trường, Đội Quản lý thị trường số 17 ghi nhận trên 2.000 can nước giặt nhãn D-nee loại 3,8 lít thành phẩm; 400 can nước giặt nhãn Comfort thành phẩm; 45.000 tờ nhãn dùng cho sản phẩm D-nee; 1.800 vỏ thùng carton có chữ D-nee; 280 vỏ can có nhãn D-nee cùng 5 chiếc mô-tơ điện đã qua sử dụng dùng để pha chế thành phẩm không có nhãn hiệu.
Lực lượng chức năng kiểm tra xưởng sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH hóa mỹ phẩm T&T Á Châu do ông Nguyễn Văn Thái hộ khẩu thường trú tại thôn Phú Tàng, Bắc Phú, Sóc Sơn, Hà Nội làm chủ |
Tại xưởng, chủ cơ sở đã phân chia thành nhiều khu sản xuất, khu thành phẩm rất “chuyên nghiệp” như: Khu nguyên liệu 1 và 2, khu bán thành phẩm, khu thành phẩm, khu sản xuất, kho hàng... Đáng nói, để sản xuất ra các sản phẩm nước giặt, nước xả vải, chủ cơ sở đã sử dụng một loạt “công nghệ xô chậu” với các nguyên vật liệu không rõ nguồn gốc. Thực tế kiểm tra cho thấy bên trong xưởng sản xuất có rất nhiều vỏ can các nhãn hiệu có dấu hiệu đã qua sử dụng trong tình trạng thủng, méo cùng một lượng lớn vỏ can nhựa trắng trong tình trạng mới, chưa dán nhãn các thương hiệu.
Ông Nguyễn Văn Thái, chủ cơ sở sản xuất thừa nhận, cơ sở nhập chai, thùng để đóng nước giặt, nước xả vải từ một cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Nhãn mác đều mang tên của các thương hiệu nổi tiếng nhưng được nhập theo thùng, theo cân.
Phó Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 17 Nguyễn Đạo An cho biết: “Chúng tôi sẽ tiến hành lấy mẫu gửi đi kiểm nghiệm để xác định mức độ vi phạm của sản phẩm”. Hiện Đội Quản lý thị trường số 17 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ sản phẩm có dấu hiệu vi phạm về trụ sở Đội để bảo quản. Đồng thời, niêm phong toàn bộ mô-tơ điện dùng để pha chế thành phẩm tại địa chỉ sản xuất và giao cho chủ cơ sở tự bảo quản, trông giữ.
Xưởng sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH hóa mỹ phẩm T&T Á Châu do ông Nguyễn Văn Thái hộ khẩu thường trú tại thôn Phú Tàng, Bắc Phú, Sóc Sơn, Hà Nội làm chủ |
Trước đó, vào ngày 2/4, Đội Quản lý thị trường số 17 và Đội Quản lý thị trường số 11 – Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Phòng An ninh kinh tế (Công an Tp Hà Nội) bắt quả tang cơ sở sản xuất nước giặt, nước rửa chén bát, tinh dầu thơm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Dnee của Thái Lan.
Cơ sở này nằm tại địa chỉ số 17, tổ 10 Trinh Lương, Phú Lương, Hà Đông, Hà Nội và được ông Nguyễn Đăng Đạt, sinh năm 1992 thuê để sản xuất. Tuy nhiên, theo điều tra của lực lượng chức năng, ông Nguyễn Đăng Đạt đang làm Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Đạt Anh có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại Đan Phượng, Hà Nội, chứ không phải địa chỉ tại Hà Đông.
Tại cơ sở sản xuất, lực lượng chức năng đã thu giữ hàng nghìn can nước giặt loại 3,5 lít mang nhiều thương hiệu khác nhau. Cùng với đó là hàng trăm thùng hàng đã thành phẩm và nhiều can nhựa, nhãn mác, thùng carton dùng để đóng thành phẩm. Ngoài ra, lực lượng liên ngành cũng thu giữ rất nhiều nguyên vật liệu, hóa chất phục vụ cho quá trình sản xuất.
Lực lượng Quản lý thị trường bắt quả tang cơ sở sản xuất nước giặt, nước rửa chén bát, tinh dầu thơm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Dnee của Thái Lan |
Khai nhận với lực lượng chức năng, chủ cơ sở sản xuất Nguyễn Đăng Đạt cho biết, xưởng sản xuất có 11 công nhân, chia thành 2 ca làm việc. Mỗi ngày, cơ sở sản xuất được 50 thùng, mỗi thùng 4 can. Giá bán buôn theo lời khai ban đầu của Đạt là khoảng 70 nghìn đồng/thùng/can.
Ông Lê Việt Phương, Phó Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 17 cho biết, cơ sở sản xuất không ghi đầy đủ thông tin theo nội dung về nhãn hàng hóa và có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu một số thương hiệu nổi tiếng đã được bảo hộ tại Việt Nam.
Hiện tại, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng phân loại, kiểm đếm và niêm phong số hàng hóa trên để tiếp tục xác minh làm rõ các vi phạm của cơ sở, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Nâng cao nhận thức người tiêu dùng
Vấn đề hàng giả luôn là điều nhức nhối trong thị trường từ trước đến nay. Mọi loại hàng hóa đều có thể bị làm giả từ quần áo, giày dép, hàng tiêu dùng cho đến các thiết bị công nghệ cao thậm chí là thuốc, thực phẩm, thực phẩm chức năng… Nhiều loại hàng giả chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho người tiêu dùng nhưng có những loại hàng hóa bị làm giả có thể ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc tính mạng người sử dụng hàng hóa đó như thuốc giả, thực phẩm giả…
Đấu tranh phòng chống hàng giả là điều được các cơ quan nhà nước và người tiêu dùng quan tâm, tuy nhiên, cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường và nền sản xuất hàng hóa thì lượng hàng giả được sản xuất mua bán trên thị trường hiện nay vẫn rất nhiều và còn đang ngày càng tăng lên. Tình trạng này đặt ra cho chúng ta phải khẩn trương hơn trong công cuộc đấu tranh chống hàng giả.
Cuộc chiến chống lại hàng giả cần sự vào cuộc của người tiêu dùng |
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng giả tràn lan là khuôn khổ pháp luật điều chỉnh vấn đề này còn một số hạn chế bất cập. Trong đó có thể kể đến là chế tài xử phạt còn chưa thực sự nghiêm khắc, chủ yếu xử phạt hành chính và mức xử phạt nhìn vào tưởng cao nhưng so với lợi nhuận từ việc sản xuất, buôn bán hàng giả thì số tiền phạt còn thấp. Các đối tượng làm và bán hàng giả sẵn sàng nộp phạt rồi lại tái diễn.
Do vậy, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 98/2020 để thay thế Nghị định 185/2013 về xử phạt vi phạm hành chính đối với nhiều hành vi trong lĩnh vực thương mại, trong đó có các hành vi sản xuất buôn bán hàng giả có mức xử phạt cao hơn đáng kể. “Đối với hành vi liên quan đến hàng giả, mức phạt cao nhất lên đến 200 triệu đồng đối với cá nhân và 400 triệu đồng đối với tổ chức.
Bên cạnh đó, chế tài hình sự theo Bộ luật Hình sự năm 2015 về hành vi sản xuất buôn bán hàng giả cũng nghiêm khắc hơn, người phạm tội sản xuất buôn bán hàng giả có thể bị phạt tù đến 15 năm.
Để đẩy lùi hàng giả, hàng nhái, quan trọng nhất phải có sự vào cuộc của người tiêu dùng. Ý thức thói quen tiêu dùng của mọi người là điều đặc biệt quan trọng trong việc đấu tranh phòng chống hàng giả vì có cầu thì mới có cung. Do đó, người dân phải nâng cao ý thức sử dụng, tiêu dùng các loại hàng hóa.