Nhức nhối nạn mua bán tiền giả, tiền lẻ dịp Tết
Ảnh minh họa.
Bài liên quan
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu không để ATM hết tiền dịp Tết
Kho bạc Nhà nước phát hiện 12.900 khoản chi chưa đúng quy định
Siết chặt kiểm soát thị trường thực phẩm trước và sau Tết Nguyên đán
Triệt phá ổ nhóm cá độ bóng đá giao dịch với số tiền trên 300 tỉ đồng
Lợi dụng đổi tiền lẻ để trục lợi
Nhu cầu đổi tiền lẻ của người dân để mừng tuổi trong dịp Tết rất cao, vì vậy, trên mạng xã hội đã xuất hiện những trang web công khai mời chào đổi tiền mệnh giá nhỏ nhằm thu lợi nhuận bất chính. Mức phí đổi dựa trên mệnh giá tiền, giao động từ 10-15%.
Khảo sát của phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô cho thấy, dịch vụ đổi tiền lẻ không chỉ được rao trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo... mà nhiều đối tượng đã lập hẳn trang web để trao đổi, mua bán tiền lẻ như doitienmoi.vn hay muabantien.com. Trên các trang web này, các đối tượng công khai bán các loại tiền đồng Việt Nam với đủ mệnh giá. Họ khẳng định số lượng bao nhiêu cũng có, cam kết tiền thật 100%, giao hàng nhanh khắp các tỉnh, thành cả nước.
Theo số điện thoại hiển thị trên trang web doitienmoi.vn, phóng viên đã liên lạc để tìm hiểu thêm về phương thức đổi tiền và phí dịch vụ. Nghe máy là một phụ nữ, giới thiệu là chủ cửa hàng đổi tiền. Theo chị này, cửa hàng có đủ các mệnh giá tiền với số lượng lớn. Người mua chốt giao dịch, chị sẽ cho giao tiền luôn trong ngày. Nếu trong nội thành Hà Nội sẽ được miễn phí giao "hàng", đối với các tỉnh khác phải đợi 2-3 ngày và phải chịu thêm phí ship. "Nhà chị cam kết tiền mới 100%, tiền liền seri với đủ các mệnh giá. Nếu đổi tiền mệnh giá 10.000 đồng thì 1 triệu mất 100.000 đồng, (tương đương với 10%); mệnh giá 20.000 đồng thì 1 triệu mất 120.000 đồng (tương đương 12%); mệnh giá 50.000 đồng thì một triệu mất 150.000 đồng (tương đương 15%)", chị này cho biết.
Liên quan đến vấn đề đổi tiền mới có mệnh giá nhỏ trong dịp trước Tết Nguyên đán, đại diện Ngân hành Nhà nước cho biết: Mặc dù nhu cầu đổi tiền lẻ của người dân trong dịp Tết để mừng tuổi lấy may hay dùng để đi chùa rất cao nhưng chức năng của Ngân hàng Nhà nước là đáp ứng nhu cầu tiền trong lưu thông đầy đủ, kịp thời mà không phân biệt tiền mới hay cũ. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước không có kế hoạch liên quan đến tiền mới phục vụ nhu cầu lì xì Tết cuối năm. Tiền không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường sẽ được thu hồi về. Trong số tiền mà Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nhận được từ Ngân hàng Nhà nước Trung ương, nếu có tiền mới cũng sẽ được phân bổ xuống các ngân hàng thương mại để đưa ra thị trường.
Nói đến lượng tiền mới trên thị trường khá nhiều, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho hay: Chúng tôi không rõ nguồn tiền các dịch vụ đổi tiền lấy từ đâu, có thể từ những tỉnh thành khác nhưng cũng có khi tích lũy từ những tháng trước Tết. Bởi nhiều năm nay, việc đưa tiền mới mệnh giá nhỏ dưới 10.000 đồng lưu thông cũng hạn chế. Điều này nhằm tiết kiệm chi phí hàng trăm tỷ đồng nhưng đồng thời tránh hiện tượng lợi dụng chuyển tiền mệnh giá nhỏ từ tỉnh thành này qua tỉnh thành kia cho mục đích đi chùa nhằm trục lợi - thu phí cao.
Từ đầu năm 2018, Ngân hàng Nhà nước thông tin việc ngưng đưa tiền mệnh giá nhỏ ra lưu thông trong dịp Tết Nguyên đán đã tiết kiệm được 280 tỷ đồng, nâng mức chi phí tiết kiệm từ chủ trương này lên 2.200 tỷ đồng. Từ khoảng 5 năm trở lại đây, tiền mới mệnh giá nhỏ dưới 5.000 đồng không đưa ra lưu thông vào dịp Tết đã tiết kiệm được 300 tỷ đồng/mỗi năm.
Nhu cầu đổi tiền lẻ của người dân khá cao, nhiều đối tượng đã lợi dụng để trục lợi, đây là hành vi vi phạm pháp luật. Điều 30, Nghị định 96/2014 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng đối với hành vi thực hiện đổi tiền không đúng quy định.
Công khai rao bán tiền giả
Không mua bán lén lút như trước, những ngày gần đây tình trạng mua bán tiền giả diễn ra một cách công khai hơn. Nhiều người hám lợi không chỉ mất tiền thật mà còn có nguy cơ vướng vào vòng lao lý.
Chỉ cần dạo qua một số mạng xã hội, mọi người có thể dễ dàng tìm thấy những dòng quảng cáo như: “Mua bán tiền giả”, “Bán tiền giả chất lượng cao”, “Bán tiền giả chất lượng 100%”, “Mua - bán tiền giả”, “Mua bán tiền giả uy tín”... với đủ các loại tiền mệnh giá từ 50.000 đến 500.000 đồng. Tùy từng mệnh giá mà tỷ lệ tiền thật đổi lấy tiền giả khác nhau. Tuy nhiên, thường thì cứ một triệu tiền thật đổi lấy 10 triệu tiền giả. Liên hệ theo các số điện thoại rao bán tiền giả, đầu dây bên kia đều khẳng định rằng mình chính là người đăng tin bán những loại tiền này.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hình thức giao dịch thường là người mua chuyển tiền thật vào tài khoản ngân hàng, sau đó người bán sẽ giao tiền giả bằng nhiều hình thức. Tuy nhiên, tất cả các đối tượng này đều có một điểm chung là khi chúng tôi đặt mua số lượng tiền giả lớn, cần gặp trực tiếp để giao dịch thì không một ai chấp nhận. Họ luôn khẳng định mình làm ăn uy tín, nếu muốn mua, có thể chuyển tiền thành hai đợt trước và sau khi nhận “hàng”. Đặc biệt, các đối tượng này đều dặn dò rất kỹ về cách tiêu tiền.
Cụ thể, khi phóng viên gọi điện vào một số điện thoại dịch vụ bán tiền giả, đầu dây bên kia là một thanh niên. Trong quá trình tư vấn các loại mệnh giá, chất lượng tiền, nam thanh niên liên tục chỉ dẫn cho chúng tôi cách tiêu tiền. "Tiền giả của tôi được làm bằng công nghệ tiên tiến, giống hệt tiền thật, có mùi polymer, mắt thường không thể phát hiện được. Tuy nhiên, để tiêu được tiền, tốt nhất là không nên tiêu với số lượng lớn, chọn lúc chập choạng tối, người già hoặc về vùng quê, nông thôn, vùng sâu xa. Tuyệt đối không được tiêu ở nơi có máy đếm tiền, máy soi như siêu thị, trung tâm thương mại...", nam thanh niên nhấn mạnh.
Mánh khóe của các đối tượng lừa đảo thông qua hình thức mua bán tiền giả thường thì chúng ít khi chụp cận cảnh tờ tiền, nếu có chụp cận cảnh thì cũng dùng tay để che đi những điểm nhận biết để đánh lừa người mua. Số điện thoại dùng để giao dịch thường là số khuyến mại hoặc chỉ là trò chuyện qua mạng mà không gặp mặt trực tiếp. Trước khi nhận “hàng”, người mua thường phải chuyển trước 50% số tiền qua hình thức chuyển khoản hoặc thẻ game, điện thoại. Hầu hết các đối tượng mua bán tiền giả thường đánh vào lòng tham của mọi người khi đưa ra giá quy đổi rất thấp, cùng với lời quảng cáo về chất lượng tiền giả cao, phương thức thanh toán đơn giản, kín kẽ.
Theo ý kiến của các luật sư, việc người dân mua tiền giả sẽ xảy ra hai nguy cơ: Bị lừa mất tiền và vi phạm pháp luật. Bởi, tại Điều 180, Bộ luật Hình sự quy định người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả có thể bị phạt từ 3 - 7 năm tù giam. Nếu phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng có thể bị tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Không chỉ người bán mà người mua tiền giả với mục đích lưu hành cũng vi phạm pháp luật và có thể bị kết án từ 3 - 7 năm tù giam.