Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc phạt nguội xe máy
Ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông còn yếu kém
Thời gian qua, việc xử phạt nguội đối với ô tô tại các tỉnh, thành trong đó Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội làm tương đối tốt. Tuy nhiên, các phương tiện khác như mô tô, xe máy cũng chưa có điều kiện để tăng cường giám sát xử lý phạt nguội, do đó cần nghiên cứu thêm.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho rằng: Hiện nay vi phạm an toàn giao thông của xe máy xảy ra rất nhiều. Do đó, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát, có hình thức xử phạt nguội đối với phương tiện này để từ đó cải thiện hành vi của người điều khiển nhằm kéo giảm tai nạn giao thông.
Dẫn chứng thực tế đi bên nước ngoài, Bộ trưởng cho biết khi đèn xanh, lái xe tăng tốc ngay và không cần suy nghĩ nhưng tại nước ta thì người điều khiển không dám tăng tốc mà phải "vừa đi vừa dòm" vì kiểu gì cũng có xe máy chen ngang hoặc vượt đèn đỏ. Hành vi vi phạm này là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông nên cần tăng cường kiểm soát, có hình thức xử phạt nguội đối với phương tiện này.
Hiện nay vi phạm an toàn giao thông của xe máy xảy ra rất nhiều |
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm an toàn giao thông của xe máy xảy ra nhiều một phần là do ý thức của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông chưa tốt, chưa chấp hành nghiêm các quy định khi tham gia giao thông. Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hiệu quả chưa được cao. Công tác phối hợp giữa các lực lượng chưa nhuần nhuyễn. Công tác quản lý vận tải chưa chặt chẽ....
Liên quan đến đề nghị phạt nguội người đi xe máy vi phạm giao thông, anh Hồ Mậu Công (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: Cần triển khai sớm để nâng cao ý thức tham gia giao thông của một số người dân.
"Tôi ủng hộ việc phạt nguội với người đi xe máy. Sáng nào đi làm, tôi cũng chứng kiến cảnh người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, lấn làn, chạy quá tốc độ. Không chỉ phạt nguội, theo tôi, cần tăng cả mức xử phạt để răn đe những người này", anh Công nêu quan điểm.
Cùng quan điểm với anh Công, chị Nguyễn Thụy An (Tây Hồ, Hà Nội) cũng ủng hộ việc phạt nguội những người đi xe máy vi phạm. Theo chị Thụy An, thời gian tới, thành phố Hà Nội cần lắp đặt camera giám sát trên toàn thành phố, điều này sẽ hỗ trợ rất nhiều trong quá trình phạt nguội.
Cũng theo chị Thụy An, hiện tại, các thông tin của người dân đã được đồng bộ lên VNeID, vậy nên cơ quan chức năng có thể gửi giấy phạt dựa trên đăng ký chính chủ và gửi thông tin theo số điện thoại đã đăng ký định danh.
Cần có biện pháp xử lý nghiêm
Bên cạnh những ý kiến đồng tình, ủng hộ việc tăng cường kiểm soát, phạt nguội người đi xe máy vi phạm giao thông, vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng việc này khó có thể triển khai bởi hiện nay, số lượng phương tiện xe máy chiếm tới 80%. Thêm vào đó, tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra, nên khó mà có thể chụp được các biển số vi phạm.
Thay vào đó, theo ý kiến của nhiều người dân, cần tăng mức xử phạt đối với các trường hợp vi phạm để răn đe. Chị Hoàng Tuệ Minh (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) cho rằng: Việc phạt nguội xe máy là không khả thi. Chị Minh phân tích, với ô tô, việc truy thu tiền phạt nguội được thực hiện khi chủ xe đi đăng kiểm. Trong khi đó, xe máy hiện không có thủ tục ràng buộc nào để có thể thực hiện truy thu tiền phạt nguội.
Nhiều lái xe "đeo khẩu trang”, dán băng dính thay đổi biển số xe khiến cho công tác kiểm soát, xử phạt vi phạm gặp khó khăn |
"Xe máy chỉ có biển kiểm soát ở phía sau xe, nhiều lái xe thậm chí còn “đeo khẩu trang”, dán băng dính thay đổi biển số xe. Liệu hệ thống camera phạt nguội có ghi nhận được hết và đúng các trường hợp vi phạm?
Để triển khai hiệu quả thì phải có kế hoạch, lộ trình cụ thể. Khi xe vi phạm mà nhận được thông báo thì phải nộp phạt, còn không nộp phạt thì sẽ yêu cầu ngừng giao dịch từ ngân hàng đến dịch vụ công. Còn ai cho mượn xe thì chủ xe chịu trách nhiệm việc nộp vi phạm", chị Tuệ Minh bình luận.
Có thể thấy rằng, hiện nay, xe máy là phương thức đi lại chủ yếu của người dân, chiếm tới 80-90% lưu lượng giao thông trên đường nhưng vi phạm an toàn giao thông lại xảy ra rất nhiều. Hiện vẫn còn tình trạng phụ huynh giao xe cho con em mình khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe điều khiển, dẫn tới các vụ tai nạn giao thông.
Việc cải thiện hành vi của người đi xe máy và nâng cao an toàn giao thông cho trẻ em là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, sẽ giúp kéo giảm tai nạn giao thông trong thời gian tới.
Dự kiến, trong quý II/2024, Quốc hội dự kiến sẽ xem xét và thông qua Luật Đường bộ và Luật trật tự an toàn giao thông Đường bộ, là hai dự án luật quan trọng nhất trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông, các cơ quan của Bộ Giao thông vận tải theo chức năng nhiệm vụ sẽ phối hợp chặt chẽ và hiệu quả nhất với Bộ Công an và các bộ, ngành để hoàn thiện Luật Đường bộ và phối hợp với Bộ Công an để hoàn thiện dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, đảm bảo khi triển khai được toàn diện.