Nhiều người dân lơ là phòng dịch, hàng quán phục vụ hết công suất
Vẫn còn tâm lý chủ quan, thờ ơ với dịch
Theo ghi nhận của phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô tại một số địa điểm kinh doanh nhà hàng, quán ăn trên địa bàn quận Cầu Giấy trong tối 18/12 cho thấy, mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, mỗi ngày ghi nhận thêm hàng nghìn ca F0 song nhiều người dân vẫn vô tư tụ tập trò chuyện. Nhiều người ngồi uống cà phê không giữ khoảng cách, không đeo khẩu trang. Thậm chí tại một số địa điểm, người dân còn vô tư ngồi tràn ra vỉa hè.
Cụ thể, tại quán cafe LAIKA trên đường Trung Hòa, thuộc phường Yên Hòa, Cầu Giấy (Hà Nội), hàng chục khách hàng ngồi uống cà phê, trò chuyện không đảm bảo khoảng cách, bàn không có tấm chắn.
Quán cà phê LAIKA trên đường Trung Hòa, thuộc phường Yên Hòa, Cầu Giấy, hàng chục khách hàng không đảm bảo khoảng cách, bàn không có tấm chắn vô tư trò chuyện sôi nổi |
Cách đó không xa, tại ngã tư Trung Hòa - Phạm Vũ Hàm, ngay tại quán Highlands Coffee, tình trạng vi phạm quy định phòng, chống dịch cũng diễn ra. Theo đó, khách hàng và chủ cơ sở kinh doanh đều thờ ơ với công tác phòng chống dịch. Khách hàng không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách còn cơ sở kinh doanh thì đón tiếp khách hết công suất.
Đối diện đó, Cộng Cà phê cũng không hề có vách ngăn, khách vô tư ngồi cạnh nhau mà không đeo khẩu trang trò chuyện sôi nổi. Điều này tiềm ẩn nguy cơ cao lây lan dịch bệnh nếu không may có ca F0 xuất hiện.
Quán Cộng Cà phê không có vách ngăn, khách vô tư ngồi cạnh nhau mà không đeo khẩu trang |
Không chỉ người dân thờ ơ với công tác phòng chống dịch mà ngay cả chủ các cơ sở kinh doanh cũng phớt lờ các quy định phòng, chống dịch của phường sở tại. Nhiều cơ sở vẫn phục vụ khách 100% công suất, nhiều quán không bố trí vách ngăn giữa các bàn cạnh nhau. Thậm chí, nhiều quán còn không nhắc nhở khách thực hiện thao tác quét mã QR, khai báo y tế trước khi vào quán.
Chị Vũ Thị Thùy (ở phường Trung Hòa, Yên Hòa, Cầu Giấy) chia sẻ: "Mặc dù mỗi ngày đều ghi nhận hàng nghìn ca mắc mới nhưng tôi thấy người dân vẫn còn chủ quan. Buổi sáng đi tập thể dục, tôi vẫn thấy nhiều người bỏ khẩu trang khi đi bộ. Thậm chí, nhiều người còn tụ tập, trò chuyện sau khi tập xong. Điều này hết sức nguy hiểm vì virus lây lan rất nhanh. Nếu người dân không tự nâng cao ý thức thì hậu quả sẽ rất lớn.
Hiện có rất nhiều người dân có tâm lý chủ quan với dịch bệnh |
Tại nhiều khu vực vui chơi công cộng, một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan với dịch bệnh, cho rằng đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin thì đương nhiên... an toàn. Đơn cử như tại một số công viên, nhà văn hóa, phố đi bộ... vẫn xuất hiện rất nhiều người dân không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách khi tập thể dục hoặc trò chuyện cùng nhau.
Tại quận Hà Đông, nhiều quán lấn chiếm vỉa hè, bán nước giải khát, trà đá ngang nhiên giữa ban ngày. Cách cổng chợ Hà Đông khoảng 30 mét, quán trà đá bày bàn ghế bán trên vỉa hè, cả chủ và khách đều "vô tư" không đeo khẩu trang. Tại đường Nguyễn Khuyến (phường Văn Quán, Hà Đông), nhiều quán cà phê, quán ăn bày bàn ghế lấn chiếm vỉa hè cho khách ngồi....
Cần xử phạt nghiêm khắc
Trong lúc Bộ Y tế và giới chuyên gia liên tục đưa ra cảnh báo, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp và có thể tái bùng phát bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, thì trên thực tế, một bộ phận không nhỏ người dân ở các địa phương vẫn rất lơ là, chủ quan. Biểu hiện rõ nhất là tình trạng tụ tập đông người, phớt lờ các quy định phòng, chống dịch.
Trước tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, UBND thành phố Hà Nội vừa có Thông báo số 844/TB-UBND về đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Dù Hà Nội vẫn ở cấp độ 2 nhưng số lượng các quận và xã, phường ở cấp độ 3 trong phòng, chống dịch COVID-19 đã tăng gần gấp đôi so với tuần trước đó.
Một quán trà chanh trên đường Trung Kính (quận Cầu Giấy) khách vô tư tụ tập dưới lòng đường |
Cụ thể, theo kết quả đánh giá cấp độ dịch mới nhất, Hà Nội điều chỉnh cấp độ dịch thuộc cấp quận, huyện, thị xã và cấp xã, phường so với báo cáo đánh giá 7 ngày trước. Cụ thể, thành phố vẫn ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình, tương ứng với màu vàng) trong phòng, chống dịch COVID-19 như cách đây một tuần. Tuy nhiên, trong 30 quận, huyện, thị xã, chỉ có 4 huyện ở cấp độ 1 (nguy cơ thấp, tương ứng với màu xanh), giảm 4 địa bàn so với công bố vào ngày 11/12; 24 quận, huyện ở cấp độ 2 (tăng 3 quận, huyện) và 2 quận ở cấp độ 3 (nguy cơ cao, tương ứng với màu cam), tăng 1 quận.
Về cấp xã, phường, có 439 địa phương ở cấp độ 1 (giảm 17 xã, phường); 132 địa phương ở cấp độ 2 (tăng 5 xã, phường); 25 xã, phường ở cấp độ 3 (tăng 12 xã, phường) và không có địa bàn nào ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao, tương ứng với màu đỏ).
Quán bán hàng ăn Cô Béo trên đường Nguyễn Phong Sắc (Cầu Giấy) người dân ngồi kín trong nhà và tràn xuống cả vỉa hè không đảm bảo công tác phòng chống dịch. |
Trong 14 ngày gần đây, trên địa bàn thành phố ghi nhận 11.769 ca mắc tại cộng đồng (tăng 4.357 ca so với 14 ngày trước đó). Như vậy, Hà Nội vẫn ở cấp độ 2; Trong đó có 4 huyện ở cấp độ 1: Ba Vì, Mỹ Đức, Phúc Thọ và Ứng Hòa; 24 quận, huyện, thị xã ở cấp độ 2 và có 2 quận Đống Đa và Hai Bà Trưng ở cấp độ 3.
Ngoài ra, trong 14 ngày gần đây, trên địa bàn thành phố có 25 xã, phường ghi nhận nhiều ca bệnh trong cộng đồng. Còn lại, trong số 554 xã, phường, thị trấn, có 422 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 1 và 132 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 2. Cùng với tiêu chí về số ca mắc trong cộng đồng, đánh giá cấp độ dịch trên địa bàn Hà Nội còn dựa vào độ bao phủ vắc xin COVID-19.
Cạnh quán Cô Béo, những địa điểm kinh doanh khác cũng trong tình trạng vi phạm tương tự |
Theo các chuyên gia y tế, tình hình dịch trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp và có nguy cơ bùng phát trở lại, dù người dân hầu hết đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Chính vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc của các cấp chính quyền, để phòng chống hiệu quả dịch COVID- 19, giữ vững địa bàn an toàn, mỗi người dân cần nêu cao ý thức, trách nhiệm, nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch và khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.