Nhiều bất cập liên quan đến các dự án về môi trường ở TP HCM và Bình Dương
Một nhà máy xử lý nước rỉ rác ở Bình Dương (Ảnh minh họa) |
Công tác quy hoạch, quản lý còn bất cập
Mới đây, Kiểm toán Nhà nước vừa có Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2020, trong đó chỉ ra nhiều vấn đề liên quan đến môi trường, xảy ra ở Bình Dương và TP HCM.
Tại Bình Dương, kết quả kiểm toán trong năm 2020 cho thấy: Đối với việc quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường còn tồn tại một số vấn đề như: Quy định về thu gom rác thải chưa đầy đủ, một số quy định chưa phù hợp; Công tác quy hoạch, thực hiện quy hoạch tổng thể quản lý xử lý chất thải còn tồn tại, bất cập…
Cụ thể, UBND tỉnh Bình Dương chưa xây dựng và ban hành các quy định về quản lý sản phẩm, DVCI (chất lượng, quy cách); Chưa hướng dẫn chi tiết quy trình, thủ tục, hồ sơ thực hiện đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch đối với từng loại hình sản phẩm, DVCI theo quy định; Chưa ban hành đơn giá xử lý nước rỉ rác và hướng dẫn cụ thể về cự ly vận chuyển.
Không chỉ vậy, quy định chất thải rắn phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD), dịch vụ tại các cơ sở SXKD là chất thải rắn sinh hoạt chưa phù hợp quy định tại Điều 3 Nghị định 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ; Quy định đơn giá xử lý rác thải sinh hoạt trên cơ sở xác định chi phí nhân công, lợi nhuận định mức, chi phí chung, chi phí rác trơ, chi phí rỉ rác... chưa phù hợp quy định tại Quyết định 1636/QĐ-UBND ngày 29/6/2016.
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương chưa điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch chuyên ngành quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh phù hợp với Quy hoạch quản lý chất thải rắn lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Chưa xây dựng các giải pháp hạn chế ảnh hưởng tới môi trường đối với các cơ sở xử lý chất thải rắn nhằm bảo vệ nguồn nước; Chưa thực hiện đúng quy hoạch được duyệt (chưa xây dựng 2 cơ sở xử lý chất thải rắn theo tiến độ được phê duyệt; Chậm áp dụng công nghệ xử lý tái chế theo quy định); Chưa quy hoạch các điểm tập trung, tập kết rác thải sinh hoạt tại các huyện, thị; Chưa triển khai xây dựng 4 trạm trung chuyển rác thải sinh hoạt tại huyện Bắc Tân Uyên, Bàu Bàng, Phú Giáo và Dầu Tiếng.
Ngoài ra, tỉnh Bình Dương cũng chậm xây dựng hoặc chưa tuân thủ quy định công nghệ xử lý chất thải rắn ảnh hưởng đến môi trường, nguồn nước và sinh hoạt của người dân; Hệ thống thu gom, vận chuyển rác thải chưa phủ kín địa bàn, chưa thu gom toàn bộ rác thải sinh hoạt; Chậm triển khai công nghệ xử lý, tái chế rác thải gây ảnh hưởng môi trường; Quản lý, sử dụng nguồn kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải chưa đảm bảo quy định.
Về vấn đề này, theo Kiểm toán Nhà nước, tỉnh Bình Dương chậm áp dụng công nghệ xử lý tái chế theo quy định tại cơ sở xử lý Nam Bình Dương. Đến năm 2019, tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn là 57%, chưa tuân thủ quy định công nghệ xử lý đối với các khu vực nằm trong phạm vi ảnh hưởng đến các đoạn sông đang là nguồn cấp nước; Chưa đạt 80% khối lượng chất thải rắn được phân loại tại nguồn; Tỷ lệ tái chế đến năm 2019 đạt 43%, chưa đạt kế hoạch 85%; Công suất trạm ép rác kín trên địa bàn TP Thủ Dầu Một chưa đủ công suất 150 tấn/ngày, đêm...
Với những tồn tại này, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 36,5 tỷ đồng (bao gồm nộp ngân sách Nhà nước 20,3 tỷ đồng, giảm thanh toán 6,2 tỷ đồng) đối với việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải.
Chương trình giảm ngập nước ở TP HCM chưa phát huy hiệu quả
Tại TP HCM, kết quả kiểm toán cho thấy, chương trình giảm ngập nước chưa giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng của thành phố, còn 23/40 điểm ngập do mưa, 5/9 điểm ngập do triều. Từ năm 2019, phát sinh thêm 12 điểm ngập mới do mưa và 4 điểm ngập mới do triều vượt mức báo động. Một số dự án giảm ngập hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng vẫn xuất hiện ngập khi mưa lớn (Dự án Cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương, đoạn từ mũi tàu Phú Lâm đến vòng xoay An Lạc); Dự án Xây dựng hệ thống thoát nước đường Đỗ Xuân Hợp từ Xa lộ Hà Nội đến cầu Rạch Chiếc, Quận 2 và Quận 9).
Chương trình giảm ngập nước ở TP HCM chưa phát huy hiệu quả (Ảnh: M.Q) |
Theo kết quả kiểm toán, TP HCM chỉ hoàn thành duy nhất 1 chỉ tiêu là đầu tư nâng cấp 179 tuyến hẻm, 6 chỉ tiêu còn lại không đạt so với kế hoạch đề ra. Cụ thể, thành phố đã giải quyết 13/17 tuyến đường ngập nước do mưa, 23/23 tuyến đường ngập nước đã xử lý tạm bằng giải pháp cấp bách trước đây chỉ đạt 47% so với kế hoạch; Xây dựng nhà máy xử lý nước thải đạt 14%; Nạo vét kênh rạch đạt 12%; Hoàn thành các hạng mục kiểm soát triều để giải quyết tình trạng ngập nước do triều đạt 44%; Hoàn thành dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) đạt 90% và hoàn thành đầu tư xây dựng 12km đê bao xung yếu thuộc Bờ tả sông Sài Gòn đạt 25%.
Đến cuối nhiệm kỳ, TP HCM mới hoàn thành 7/12 nhiệm vụ trong nhóm giải pháp quy hoạch, 7/13 nhiệm vụ thuộc nhóm giải pháp về cơ chế chính sách nhưng chậm tiến độ; 3 nhiệm vụ thuộc nhóm giải pháp khoa học - công nghệ đang thực hiện dở dang, ảnh hưởng đến chất lượng dự báo, ứng dụng khoa học công nghệ làm cơ sở ra quyết định triển khai dự án đầu tư.
Cũng theo báo cáo kiểm toán, phần lớn dự án đầu tư tại Kế hoạch thực hiện chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2016 - 2020 (thuộc nhóm giải pháp công trình) đều triển khai chậm tiến độ hoặc chưa triển khai do thiếu vốn, vướng mặt bằng; Một số dự án giảm ngập hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng vẫn xuất hiện ngập khi mưa lớn hoặc chưa được kết nối đồng bộ nên chưa phát huy hết hiệu quả đầu tư.
Bên cạnh đó, việc thực hiện các nhóm giải pháp, nhiệm vụ hành động chưa kịp thời, đồng bộ, chất lượng chưa cao, tiến độ thực hiện các dự án giảm ngập bị kéo dài hoặc hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng không phát huy được hiệu quả... dẫn đến tình trạng ngập vẫn chưa được giải quyết, môi trường và chất lượng sống của người dân thành phố chậm được cải thiện, tổn thất đối với kinh tế của thành phố.
Từ báo cáo trên, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị và xử lý trách nhiệm đối với các khuyết điểm, sai phạm mà kiểm toán đã nêu.