Nhiều băn khoăn về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện hồ chứa nước
Kiểm tra thông tin chậm trễ thực hiện dự án hồ chứa nước Nặm Cắt |
Rà soát thận trọng, tránh lãng phí
Đồng tình với Tờ trình của Chính phủ song Bí thư Thành ủy, Trường đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Vương Đình Huệ đề nghị rà soát kỹ 2 dự án này, bởi “từ khi còn là Phó Thủ tướng tôi đã vào rà soát, kiểm tra hồ chứa nước La Mơr ở huyện Chư PRông, Gia Lai có tổng vốn đầu tư là 3.000 tỷ đồng. Dự án hiện đã hoàn thành nhưng đang thiếu vùng tưới, dẫn đến nguy cơ lãng phí”
Cũng theo Bí thư Hà Nội, dự kiến hồ này sau khi hoàn thành không chỉ phục vụ tưới nước cho Gia Lai, mà còn cấp nước cho mấy chục nghìn ha đất nông nghiệp ở Đắk Lắk nhưng hiện nay vì vướng diện tích đất rừng phía dưới nên không sử dụng được, chưa nói đến những hồ chứa chưa triển khai.
“Hồ chứa nước La Mơr làm xong rồi với hệ thống kênh mương, đập hoàn thiện nhưng không tìm được chỗ tưới vì vướng diện tích rừng, cần được tháo gỡ ngay nhưng chưa thấy kiểm tra, xử lý. Trước khi tiếp tục triển khai dự án hồ chứa nước sông Than và hồ chứa nước Bản Mồng, tôi đề nghị Chính phủ rà soát thận trọng, không để tình trạng này tái diễn”, Bí thư Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Đại biểu Phan Thái Bình thảo luận tổ sáng 2/11 |
Liên quan đến nội dung trên, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Lan (đoàn Hà Nội) cho rằng, Dự án hồ chứa nước sông Than và hồ chứa nước Bản Mồng cần cập nhật bổ sung thông tin cho phù hợp với Luật Đất đai.
Cũng theo ĐB Lan, việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng cần cân nhắc để làm sao có đủ nguồn lực thực hiện dự án, đảm bảo hài hòa giữa yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường, sử dụng có hiệu quả đầu tư ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, cần thực hiện nghiêm túc việc trồng rừng thay thế, có báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Cho rằng, việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An là cần thiết, tuy nhiên, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) băn khoăn về việc thay thế rừng tự nhiên bằng rừng trồng nhưng thực tế không thể thay thế được vì rừng tự nhiên có khả năng giữ đất, giữ nước mà rừng trồng không có. “Trước khi bấm nút thông qua dự án, tôi mong muốn cần làm rõ tính khả thi trong phương án bảo vệ môi trường”, ĐB Lưu Mai đề xuất.
Cần tính toán được, mất?
Là ĐB Quốc hội của tỉnh Quảng Nam - tỉnh thiệt hại nặng nề nhất trong bão số 9, ĐB Phan Thái Bình cho rằng, cần phải có đánh giá thật kỹ mọi tác động
Các nhà khoa học, chuyên gia cần phải nghiên cứu, đánh giá thật kỹ tác động của việc xây dựng các thủy điện, hồ đập tới tự nhiên, thổ nhưỡng, diện tích rừng, đánh giá cả những tác động thế nào từ việc xây dựng quá nhiều thủy điện nhỏ ở đầu nguồn tới vấn đề sạt lở đất thời gian qua.
“Cần thiết có thể loại bỏ hết quy hoạch một loạt thủy điện nhỏ và vừa mà ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Xây hồ đập, thủy điện trên đầu nguồn, cả một khối lượng nước khổng lồ tích ngay trên đầu như vậy, nguy hiểm vô cùng.
Riêng Quảng Nam bây giờ hơn hồ 40 thủy điện nhỏ và vừa. Mùa hạ cũng lo ngay ngáy vì thiếu nước, mà thiếu nước thì không sản xuất điện được, không thu được đồng nào. Còn mùa mưa thì bất an, nước tràn về bạt ngàn không biết xả đi đâu, thế nên luôn mông lung trong những mối nguy cơ”, ĐB Phan Thái Bình chia sẻ.
Đồng quan điểm này, ĐB Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) nêu, vấn đề đặt ra là ảnh hưởng lớn của thiên tai như vừa qua liệu có nguyên nhân từ tình trạng chặt phá rừng, xây các hồ đập… hay không? “Khi xây các hồ đập này sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế được 5-10 năm nhưng chỉ cần xuất hiện một trận lũ lớn như vừa qua thì có thể phá hủy toàn bộ. Do đó cần tính toán cái được, cái mất”, ĐB Hận nói.
Trước đó, trình bày tờ trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, Dự án hồ chứa nước sông Than được UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt lần đầu tại Quyết định số 971/QĐ-UBND năm 2010 với tổng mức đầu tư 716,587 tỷ đồng; diện tích sử dụng đất 801,15ha nhưng dự án phải tạm dừng do khó khăn về nguồn vốn.
Năm 2017, tỉnh Ninh Thuận phê duyệt điều chỉnh dự án với tổng mức đầu tư 855 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là để cấp nước tưới cho 4.500ha đất canh tác; cấp nước sinh hoạt cho khoảng 20.000 hộ dân vùng hạ lưu, cấp 24 triệu m3/năm cho các ngành kinh tế khác; cấp nước bổ sung cho các hồ chứa nước Lanh Ra, Tà Ranh và Bầu Zôn, cắt giảm lũ cho khu vực hạ du và tình trạng ngập úng.
Dự án được khởi công xây dựng vào tháng 7/2018 đến nay đã triển khai xây dựng được khoảng 35% khối lượng công việc.
Dự án có phát sinh tiêu chí quan trọng quốc gia do có sử dụng 100,63ha rừng phòng hộ đầu nguồn. Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng 100,63ha rừng phòng hộ để thực hiện dự án là đúng quy định; Vị trí rừng phải chuyển đổi của dự án là bắt buộc để bảo đảm hiệu quả đầu tư công trình.
Về dự án hồ chứa nước Bản Mồng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay, dự án được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư tại văn bản số 154/TTg-NN từ năm 2006; Bộ NN&PTNT phê duyệt dự án đầu tư năm 2009 và được khởi công năm 2010 nhưng đến năm 2011, dự án tạm dừng do Chỉ thị số 1792/CT-TTg.
Năm 2017, dự án được bố trí vốn trở lại trong trung hạn 2016-2020 để tiếp tục thực hiện và được Chính phủ cho phép phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn. Mục tiêu của dự án là cấp nước cho sản xuất nông nghiệp (tưới 18.871ha), cấp nước cho công nghiệp, dân sinh; Bổ sung nước về mùa kiệt cho sông Cả với lưu lượng 22 m3/s và cho 2 hệ thống thủy lợi lớn ở hạ du là Nam và Bắc Nghệ An; kết hợp phát điện (45 MW); tích nước phòng lũ, giảm lũ cho hạ du sông Hiếu; Phục vụ phát triển công nghiệp, du lịch.
Đến nay, dự án đã triển khai xây dựng được khoảng 90% khối lượng công việc; Lũy kế giải ngân đến nay đạt 83% và dự kiến đến cuối năm 2020 cơ bản hoàn thành giai đoạn I.
Dự án này có phát sinh tiêu chí quan trọng quốc gia do có sử dụng 312,95ha rừng phòng hộ đầu nguồn. Theo báo cáo của UBND tỉnh Nghệ An, UBND tỉnh Thanh Hóa diện tích rừng tự nhiên phải chuyển đổi là 662,55ha đều thuộc loại rừng nghèo, nghèo kiệt; Vị trí rừng tự nhiên phải chuyển đổi của dự án là bắt buộc để bảo đảm hiệu quả đầu tư công trình.