Nhạc sĩ Phó Đức Phương “Sông hiến mình tất cả, đời sông không hề tiếc vơi đầy”
Nhạc sĩ Phó Đức Phương đã về với đỉnh Phù Vân |
Nhạc sĩ Phó Đức Phương |
Thương và tiếc một nhạc sĩ tài năng. Nhạc sĩ Phó Đức Phương rời cõi trần ở tuổi 77, đã kịp để lại nhiều ca khúc nổi tiếng, thiền, liêu trai, ma mị: Hồ trên núi, Huyền thoại hồ Núi Cốc, Trên đỉnh Phù Vân, Một thoáng Tây Hồ, Chảy đi sông ơi, Về quê…Nhiều ca sĩ nổi tiếng như Ngọc Tân, Thanh Lam, Mỹ Linh, Trọng Tấn, Tùng Dương, Minh Thu… chọn ca khúc của ông để hát, để sáng tạo đến kiệt cùng cảm xúc âm nhạc đầy cá tính.
Ông là một trong bộ tứ sông Hồng huyền thoại (còn gọi là Tứ quái sông Hồng): Trần Tiến, Nguyễn Cường, Phó Đức Phương, Dương Thụ.Rõ ràng, trong âm nhạc hiện đại, ông có một vị trí rất xứng đáng. Ông là một hiện tượng âm nhạc hiện đại. Nếu không có ông, các tác phẩm của ông không ra đời, thì nền âm nhạc nước nhà sẽ trống vắnglấy ai, lấy gì bù đắp được?
Tôi có một chuyến đi Đồng Cao – Sơn Động nhớ đời cùng nhạc sĩ Phó Đức Phương và Nguyễn Cường, Lê Minh Sơn, Đỗ Bảo, Vũ Thiết, Nguyễn Vĩnh Tiến,… Ông luôn đầy cảm xúc về chuyến đi, và ông đã kể cho tôi nghe nhiều chuyện “bếp núc” khi sáng tác, cả chuyện những năm tháng nhọc nhằn, tạm gác sáng tác, ông đi đòi bản quyền âm nhạc cho đồng nghiệp.
Nghệ sĩ cũng là một con người. Sáng tạo thần thánh bao nhiêu thì cũng phải ăn, phải mặc để tồn tại, để sống. Ai cũng muốn sống được bằng nghề. Sáng tạo từ cảm xúc. Sáng tạo từ nhu cầu tự thân. Sáng tạo từ tiếng gọi của cuộc sống. Mỗi người thai nghén, sinh thành tác phẩm một cách riêng của dấu ấn cá nhân. Nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng vậy, ông viết bằng cảm xúc, nhưng cũng viết theo yêu cầu. Điều này, không làm giảm uy tín và sức sáng tạo, mà lại là minh chứng của người hành nghề chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp sáng tác thì không chờ cảm xúc đến.
Ca từ trong các bài hát của nhạc sĩ Phó Đức Phương giàu chất thơ, đậm sắc văn chương |
Rất ít người biết rằng: Phần lớn các ca khúc của nhạc sĩ Phó Đức Phương viết theo đơn đặt hàng mà vẫn cứ hay, cứ nổi tiếng, cứ đi cùng năm tháng. Đó là điều rất lạ, và cũng là rất kỵ với nhiều nghệ sĩ khác. Nhưng, với Phó Đức Phương là sự thật, sự thật của một tài năng, chỉ cần đơn đặt hàng gõ cửa là âm nhạc đã có sẵn trong tâm hồn… vút lên. Điều đó càng chứng tỏ đẳng cấp của ông: viết mọi nơi, mọi lúc, vẫn có thể hay và đi cùng năm tháng.
Tôi nói với nhạc sĩ Nguyễn Cường rằng: Tôi thích cái lạ cháy bỏng của Nguyễn Cường; yêu cái da diết, lãng mạn Dương Thụ; tôi bị dẫn dụ bởi chất thiền và liêu trai âm nhạc Phó Đức Phương. Năm 22 tuổi, nhạc sĩ Phó Đức Phương viết ca khúc đầu tay “Những cô gái quan họ” lập tức xác lập phong cách riêng, lập tức nổi tiếng. “Trên quê hương quan họ. Một làn nắng cũng mang điệu dân ca. Giữa mùa lúa thơm cánh cò bay đẹp như trong mộng”.
Cùng thế hệ sáng tác, nhạc sĩ Nguyễn Cường vẫn dành cho Phó Đức Phương những lời chân thành nể trọng về tài năng, đức độ. Ông khẳng định nhạc sĩ Phó Đức Phương là một hiện tượng âm nhạc. Nhạc sĩ Nguyễn Cường nói với tôi: Có một lần nhạc sĩ Trần Long Ẩn kể với Nguyễn Cường rằng: Trong lúc chiến tranh ác liệt, ở rừng đói, bom đạn chẳng biết sống chết thế nào, thì Trần Long Ẩn chợt nghe được bài bát “Trên quê hương quan họ” của Phó Đức Phương trên đài, khiến ông phấn chấn. “Yêu quê hương quan họ/ Từ đồng lúa đến con đò ven sông/ Giữa mùa chiến công xóm làng xưa lại ngân câu hò/… Đây quê hương ta gái thay trai tay súng tay cầy đảm đang/ Giặc đến giặc không đường về, lúa xanh mùa mùa vẫn tươi xanh”.
Dựa vào âm hưởng dân ca quan họ, nhưng không hẳn là quan họ Bắc Ninh, nó là “quan họ Phó Đức Phương”. Trong sáng. Nhanh. Vui tươi. Náo nức. Tràn đầy lạc quan. Nhạc sĩ Trần Long Ẩn nói với nhạc sĩ Nguyễn Cường rằng: Nghe bài hát này là tin, là hi vọng, là biết ngay đằng mình sẽ chiến thắng.
Không chỉ Nguyễn Cường mà nhiều nhạc sĩ cũng buồn và tiếc thương khi biết tin Phó Đức Phương rời xa cõi tạm. Nhạc sĩ Trần Tiến – một trong “tứ quái sông Hồng” nói về người bạn nhạc của mình rằng: “Phương đi trước nhé! Nước rồi cũng bốc hơi, ai rồi cũng phải bay về đâu đó. Ta sinh ra là bước vào con đường đi đến cõi chết. Ta không sợ chết, chỉ sợ sống chưa đủ. Tôi không biết chắc Phó Đức Phương còn thiếu điều gì chưa làm xong. Vợ anh đẹp. Con anh khôn làm nhạc giỏi hơn cha là nhà có phúc. Anh lo cho đồng nghiệp chuyện bản quyền bạc cả tóc… Anh bỏ viết nhạc làm những điều mình cho là đúng. Chắc anh còn điều gì đó mà thấy mình sống chưa đủ. Tôi cũng như mọi người Việt yêu nhạc thì thấy anh đã sống đủ rồi. Chỉ cần vài khúc ca để lại trên đời rồi bay đi. Thế là đủ một cái tên nhạc sỹ Phó Đức Phương”.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương và người hâm mộ trong đêm nhạc “Trên đỉnh Phù Vân” |
Có hai tác phẩm của Phó Đức Phương mà tôi yêu thích đến mê hoặc là “Chảy đi sông ơi” và “Trên đỉnh Phù Vân”. Ca khúc “Chảy đi sông ơi” là một câu chuyện tình được kể lại bằng ngôn ngữ âm nhạc. Khát khao, cháy bỏng một mối tình đẹp xanh, nhưng phải chia tay. Dòng sông là nơi chọn để kết thúc đời cõi tạm, hết duyên. Nhưng con sông đẹp quá, đẹp như mối tình của họ, như câu chuyện tình của họ. “Sông hiến mình tất cả, đời sông không hề tiếc đầy vơi” thì đời người cũng thế. Mượn hình ảnh văn học của con sông để cất lên tiếng nói của âm thanh gửi gắm tâm sự tình buồn. Ca khúc “Trên đỉnh Phù Vân” đậm đà âm hưởng dân gian đương đại, tính thiền của ca từ văn học trên nền nhạc ma mị, huyền ảo đan xen tiết tấu nhanh chậmlà một trong những đỉnh cao của ca khúc Việt.
Có thể nói: Phó Đức Phương trong số rất ít nhạc sĩ tài năng mà ca từ giàu chất thơ, đậm sắc văn chương:
“Mênh mênh mang mang Phù Vân Yên Tử/ Vi vi vu vu Trúc Lâm thiền tự/ Lên đỉnh núi cao cách trời ba thước/ Xuống đáy thung sâu thăm thẳm sông dài/ Vào rừng trúc mai véo von con sáo sậu/ Ta khóc ròng một câu:/ Đâu người ta yêu dấu?” (Trên đỉnh Phù Vân)
“Đưa nhau ta thì về nơi mẹ đưa nôi/ Nơi sáo diều chơi vơi/ Với dòng sông bên lở bên bồi/ Bao nhiêu năm theo dòng đời đua chen /Phiêu bạt nơi phồn hoa cát bụi/ Đôi khi cánh cò xưa lạc vào giấc mơ tôi /Nước qua cầu thời gian trôi mau/ Nơi bền lâu là nơi lắng sâu/Thiếu quê hương ta về, ta về đâu?” (Về quê)
Hoặc: “Sông mấy ngàn năm tuổi/ Miệt mài chảy mãi không nguôi/ Chuyện bao đời sông biết cả/ Mà sao vẫn trẻ mãi không già…”. (Chảy đi sông ơi!)
Hay: “Thôi trút đi gánh nặng đường xa/ Ngược xuôi bôn ba, nay ta về nhà ta. Đường trần thì quá hẹp, lắm vực nhiều khe… Ngược xuôi bôn ba nay ta về nhà ta/ Nhà ta mênh mông trăng tràn bốn bề…”. (Tửu ca)
Chẳng ai ngờ một nhạc sĩ tài năng có nhiều tác phẩm nổi tiếng để lại cho đời lại có thể sống nhiều năm trong căn nhà 49m2 trong ngõ Văn Cương chật hẹp, đông đúc, tiếng ồn ào quanh gánh bán hàng rong lẫn tiếng quát của anh an ninh ngõ phố, tiếng rao bán hàng đêm lẫn tiếng mưa buồn trên mái tôn rỉ. Thật xót xa! Ở Việt Nam, nghề sáng tác chẳng mấy người sống đàng hoàng, an lành bằng tác phẩm.
Nhạc sĩ thì nổi tiếng, đi đâu cũng được trân trọng nâng niu, cảm mến, cảm phục, thậm chí người hâm mộ vây quanh xin chữ ký. Ca khúc thì bay xa, bay cao lưu lại với đời. Nhưng, sáng tác cả đời hàng trăm bài hát tiền nhuận bút không bằng ca sĩ hát một tháng. Thế rồi, nhạc sĩ Phó Đức Phương không chịu sống cuộc đời nghèo khó ấy. Ông lao động, lao động cật lực. Sáng tác theo đơn đặt hàng. Nhận dàn dựng các chương trình nghệ thuật. Ơn giời, ông cũng sống được bằng nghề, “nuôi cả nhà và mua được hai miếng đất”.
Nhiều người tiếc cho thời gian 18 năm ông làm Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) bận bịu, lo cơm áo gạo tiền, không còn thời gian sáng tác. Nhưng, Phó Đức Phương là vậy, ông đâu chịu cái tình cảnh âm nhạc nước nhà như chợ giời, mạnh ai nấy hát, tác giả thì nghèo khó, còn người hát thì giàu to. Ông làm ở VCPMC như là một sự hi sinh cao cả của người sáng tác. Nhạc sĩ Phó Đức Phương nói rằng ông không ân hận vì chuyện gần hai chục năm bỏ âm nhạc đi đòi quyền tác giả cho mình và đồng nghiệp.
Ông công nhận rằng thời gian gần hai mươi năm ấy là một quãng dài của đời người, rất có thể ông sẽ sáng tác được cả trăm bài hát, trong số đó biết đâu đó lại được chục bài hay theo phong cách của ông, nhưng ông vẫn phải hi sinh, phải chịu thiệt thòi về âm nhạc. Ông tạm gác lại, để làm một việc khác cũng quan trọng đó là vấn đề quyền tác giả, lấy lại công bằng cho tác giả và kích thích sáng tạo cho nhạc sĩ. Ông coi như sứ mệnh ông phải mở đường, phải làm, như dòng “sông hiến mình cho tất cả, đời sông không tiếc đầy vơi”.
Bây giờ, thì nhạc sĩ Phó Đức Phương không còn vướng bận gì với chuyện đòi bản quyền âm nhạc nữa, cũng không còn phải đánh vật với những dự án âm nhạc dang dở nữa. Tôi cũng không ngờ chuyến đi Đồng Cao – Sơn Động là lần cuối cùng gặp ông. Ông đã ra đi, nhưng tác phẩm còn lại mãi mãi với tháng năm.
Chúc ông an lành thanh thản ở miền mây trắng.