Nguy hiểm chực chờ từ những "bình gas di động"
Nhiều nhân viên chở gas cho biết, nếu tiện đường người này có thể chở vài bình gas cùng một lúc
Bài liên quan
Hà Nội: Nổ bình gas tại Mễ Trì nghi do mâu thuẫn nợ nần
11 người bị thương và 1 người mất tích do nổ bình gas ở tàu cá
Đám cưới thành đám ma vì nổ bình gas, 18 người chết thảm
Bình gas phát nổ trên đường
Ngày 20/11, một vụ tai nạn liên hoàn xảy ra tại ngã tư Lê Văn Lương – Nguyễn Ngọc Vũ (Hà Nội) khiến nhiều người dân chứng kiến không khỏi bàng hoàng. Chiếc xe ô tô Mercedes đang lưu thông trên đường thì bất ngờ đâm vào nhiều xe máy đang di chuyển cùng chiều khiến một người tử vong tại chỗ.
Theo nhiều nhân chứng tại hiện trường, lúc xảy ra tai nạn họ nghe tiếng nổ rất lớn, khả năng do xe ô tâm đâm vào chiếc xe máy chở gas khiến bình gas phát nổ làm các phương tiện bốc cháy.
Vụ việc này khiến người dân lo lắng, khi hàng ngày, những chiếc xe máy chở gas chỉ với một kệ hàng đơn giản vẫn luồn lách trên phố. Thậm chí, nhiều người chở bình gas mà không có dây chằng buộc, vừa đi vừa vòng một tay ra sau để giữ bình gas.
Không chỉ có xe máy mà một số phương tiện xe 3 bánh cũng thường xuyên được thuê để vận chuyển những bình gas lớn (loại 48kg). Tuy nhiên trên xe này lại không có bất kỳ thiết bị chữa cháy nào và những bình gas này cũng không được sắp xếp đúng quy định khi vận chuyển.
Trước đó, hồi tháng 8/2019, vụ nổ bình gas mini xảy ra khi một thanh niên vận chuyển gas bằng xe máy tại quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh, tai nạn này gây ra vụ hỏa hoạn thiêu rụi nhiều tài sản trong 6 ki ốt xung quanh.
Hồi tháng 6/2017, tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, một thanh niên đang điều khiển xe máy chở theo 6 bình gas loại 12kg/bình thì bỗng dưng bình gas xì khí và bốc cháy. Phát hiện nguy hiểm, người này đã vứt xe giữa đường và bỏ chạy. Bình gas phát nổ thiêu trụi chiếc xe máy chở gas và làm hư hỏng 1 xe nước mía, 1 xe bánh mì để ở gần đó. Rất may vụ nổ không gây thiệt hại về người.
Có thể thấy, với việc vận chuyển gas nguy hiểm như hiện nay thì những tai nạn như trên sẽ còn diễn ra thường xuyên nếu không được chấn chỉnh kịp thời. Hậu quả còn có thể nặng nề hơn nhiều, nếu sự cố cháy nổ không được khống chế, dặp tắt kịp thời sẽ dẫn đến cháy lan, cháy lớn.
Chứng kiến những thanh niên vừa chở gas vừa ung dung sử dụng điện thoại di động và không đội mũ bảo hiểm, bà Lê Thị Ánh (49 tuổi, ở Nguyễn Khang, Cầu Giấy, Hà Nội) bức xúc: “Họ quá coi thường tính mạng người đi đường. Gas là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, khi đã là có điều kiện thì trong công tác vận chuyển, kinh doanh cũng hết sức nghiêm ngặt, doanh nghiệp kinh doanh gas phải có quy chuẩn khi vận chuyển gas”.
Ông Nguyễn Văn Minh (56 tuổi, ở phường Nhân Chính, Thanh Xuân) thì bày tỏ lo lắng: “Có rất nhiều vụ cháy có nguyên nhân từ nổ bình gas hoặc do bình gas bị va đập. Việc vận chuyển gas bằng các phương tiện thô sơ không đúng quy định đúng là mối nguy hại cho người đi đường, trước hết là bản thân người chở gas".
Nhiều người chở bình gas mà không có dây chằng buộc, vừa đi vừa vòng một tay ra sau để giữ bình gas |
Siết chặt quy định
Theo phân tích của chuyên gia phòng cháy chữa cháy (PCCC), Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội, khi vận chuyển bình gas bằng xe máy nếu chẳng may rơi xuống đường sẽ làm bình gas tăng áp suất, vỏ thép ma sát lớn phát sinh lửa và gây cháy nổ. Hơn nữa trong trường hợp bị rơi xuống đường, van áp suất bình gas bị gãy nên khí gas lọt ra gặp hệ thống đánh lửa của xe máy gần đó sẽ gây cháy, phát nổ. Chính vì vậy đối với việc vận chuyển gas đã có quy định rất chặt chẽ.
Khi vận chuyển bằng ô tô, phải xếp đứng bình, có các vỏ nhựa ngăn cách giữa các bình để chống va đập; có các thông tin cảnh báo, biển cấm lửa trên thành xe và đặc biệt có đầy đủ phương tiện chữa cháy theo quy định từng loại hình khí hóa lỏng. Điều quan trọng nữa, chiếc xe đó phải được cấp phép chở gas theo luật định và những lái xe phải được tập huấn về PCCC, sử dụng phương tiện chữa cháy thành thạo.
Xe gắn máy (hai bánh) vận chuyển bình gas phải có giá đỡ chắc chắn, bình phải luôn ở vị trí thẳng đứng, van chai hướng lên trên.
Tuy nhiên trên thực tế, việc vận chuyển gas được thực hiện bằng xe gắn máy và thường đặt bình nằm ngang, do không biết, hoặc bỏ qua quy định này. Không những thế, nhiều người còn vận chuyển 2-3 bình trên xe mà không có thiết bị đảm bảo an toàn khi vận chuyển trên phố.
Đáng nói, khi được hỏi về quy định trong vận chuyển gas, nhân viên chuyên chở gas của một đại lý cung cấp gas cho biết không quan tâm tới các quy định trên. Trong trường hợp nhiều người gọi đến, nếu tiện đường người này có thể chở vài bình gas cùng một lúc. Nếu mỗi lần chỉ chở một bình rồi quay về chở bình khác thì sẽ rất mất thời gian.
Qua khảo sát cũng cho thấy, đối với các công ty chuyên cung cấp gas và khí hóa lỏng, hàng năm các công ty đều tổ chức các chương trình tập huấn sử dụng gas an toàn cho khách hàng. Các hãng gas đều có hướng dẫn cụ thể cho các nhân viên đại lý về cách chở gas, cũng như giới hạn về số lượng bình gas được phép chở mỗi chuyến.
Riêng đối với các nhà cung cấp nhỏ lẻ hoặc các đại lý gas lại thường không chú trọng đến việc này. Chính vì thế mà việc đảm bảo an toàn và phòng chống cháy nổ khi vận chuyển gas cũng ít được quan tâm. Đáng lo ngại nhất hiện nay là chất lượng của các loại bình chứa gas do sử dụng nhiều lần nên không đảm bảo chất lượng, chỉ cần va chạm mạnh hoặc bị vô ý làm rơi rớt là có thể gây xì gas và dẫn đến cháy nổ.
Trong khi đó, theo lực lượng chức năng, tình trạng vận chuyển gas bằng xe máy phóng bạt mạng trên phố khó xử lý, bởi chưa có quy định xử phạt đối với những vi phạm này mà chỉ có thể xử lý nếu các phương tiện vận chuyển số lượng lớn, cồng kênh gây mất an toàn giao thông.
Để hạn chế tối đa các vụ nổ bình gas, các lực lượng quản lý địa bàn cần quản lý chặt các cơ sở kinh doanh; đình chỉ hoạt động nếu tái vi phạm.
Điều 32 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về xử lý vi phạm quy định trong vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ.
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sắp xếp chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ trên phương tiện vận chuyển không đúng theo quy định; Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không duy trì đầy đủ các điều kiện về an toàn phòng cháy và chữa cháy khi sử dụng phương tiện giao thông cơ giới vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ trong thời gian vận chuyển; Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với trường hợp vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ mà không có giấy phép vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ.