Người dân đồng tình, chấp hành khuyến cáo không ra đường nếu không cần thiết
Người dân đóng cửa các cửa hàng kinh doanh theo yêu cầu của thành phố Hà Nội để hạn chế tụ tập đông người, ngăn chặn nguy cơ lây lan của dịch bệnh
Bài liên quan
Nhiều người dân còn lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch Covid-19
Tổ dân phố “vào từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền phòng, chống dịch
Hãy đứng yên khi Tổ quốc cần
“Chống dịch như chống giặc” - cuộc chiến chống dịch Covid-19 đã không còn là cuộc chiến đơn độc của các Bộ, Ban, ngành khi cần có sự tham gia của cả cộng đồng. “Những khoảng cách xã hội” cần được thiết lập trong thời điểm mọi sự gắn kết, trao đổi trong khoảng cách gần đều làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.
Đầu tháng 3, cả Việt Nam và Mỹ có 100 trường hợp bị nhiễm nhưng sau 3 tuần, Mỹ có tới 55.000 người bị nhiễm (cụ thể ngày 11/3 có 994 người, 18/3 có 6.411 người và ngày hôm qua là 54.808 tại 50 bang) và tuyên bố tình trạng thảm họa, đóng cửa bang California (ngày 22/3). Ở Việt Nam, người dân còn tụ tập đông người, không thực hiện một cách nghiêm túc thì những gì đã và đang diễn ra tại Mỹ sẽ tái diễn một lần nữa.
Những gì người dân cần làm trong lúc này là tạo khoảng cách cụ thể giữa bản thân và mọi người xung quanh, hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người khác, tránh đi tới những nơi đông người, hạn chế sử dụng phương tiện công cộng, làm việc tại nhà... nhằm hạn chế tối đa sự lây lan của vi rút và giảm nguy cơ lây nhiễm chéo trong cộng đồng.
Nhiều người trẻ cho rằng, bản thân đủ sức khỏe và có hệ miễn dịch tốt để chống lại vi rút xâm nhập nên có thể ra ngoài tụ tập. Tuy nhiên, theo khuyến cáo, bất kỳ ai cũng có khả năng nhiễm bệnh và người trên 60 tuổi thì có khả năng nhiễm bệnh cao hơn. Việc hạn chế các giao tiếp xã hội dường như là một trở ngại với người trẻ thích "xê dịch" nhưng đây được coi là biện pháp an toàn trong thời điểm này.
Để hạn chế tụ tập đông người, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu tất cả các cửa hàng không thiết yếu, trừ xăng dầu, bán lẻ, thuốc chữa bệnh... còn lại đều phải đóng cửa đến ngày 5/4/2020; khuyến nghị quán cafe, bar, nhà hàng, gym, cửa hàng điện máy đóng cửa toàn bộ.
Chủ tịch UBND thành phố cũng đề nghị công dân đi làm, có việc ra đường phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn. Thành phố quyết định chỉ để 20% xe buýt đi lại và khuyến cáo người dân trong giai đoạn này không nên đi lại ngoài đường.
Người dân ủng hộ và chấp hành khuyến cáo ở nhà
Nhận thấy mối nguy hiểm từ dịch bệnh, chấp hành các khuyến cáo của thành phố, nhiều người dân, doanh nghiệp cho rằng, làm việc tại nhà qua hình thức trực tuyến, hạn chế ra ngoài là cách bảo vệ bản thân, gia đình và xã hội tốt nhất trước sự lây lan khó lường của dịch Covid-19.
Từ đầu tuần này, bạn Huỳnh Xuân Hương (ở Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) đã chính thức được làm việc tại nhà theo hình thức online.
“Khi mới đọc quyết định nhân viên Seongon phải làm việc tại nhà, mình đã nghĩ: Thôi, thảm thật rồi! Không được gặp đồng nghiệp, mất tập trung, xao nhãng công việc, trao đổi công việc không hiệu quả... Tuy nhiên khi thực hiện, mình thấy làm việc ở nhà cũng không quá tệ. Mình vẫn duy trì được công việc bình thường.
Bạn ủng hộ và thấy làm việc tại nhà là lựa chọn tốt, tránh phải tiếp xúc môi trường công cộng như thang máy, nhà hàng, quán ăn quanh đó, những nơi này có nguy cơ lây dịch Covid-19 rất cao", Xuân Hương chia sẻ.
Làm việc online tại nhà là giải pháp được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để thực hiện cách ly cộng đồng mùa dịch |
Chấp hành theo yêu cầu của UBND thành phố Hà Nội, nhiều cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn đã ra thông báo đóng cửa tạm thời.
Chủ hệ thống làm đẹp Trà My Beauty&Academy với 5 chi nhánh và một học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội đã ra thông báo tạm ngừng hoạt động từ ngày 27/3. Cụ thể hệ thống thẩm mỹ này thông báo: “Chấp hành theo đúng yêu cầu của UBND thành phố Hà Nội, hệ thống Trà My Beauty&Spa và Trà My Academy sẽ chính thức tạm nghỉ từ ngày 27/3/2020. Lịch làm việc trở lại sẽ thông báo tới các quý khách hàng trên fanpage của chúng tôi”.
Rất quan tâm đến thông tin về dịch bệnh, đặc biệt về tình hình tại Hà Nội, chị Nguyễn Thị Hà (35 tuổi, ở Long Biên, Hà Nội) cho biết, gia đình bà tuân thủ nghiêm hướng dẫn của Bộ Y tế về cách phòng tránh dịch như: Ra ngoài đeo khẩu trang, rửa tay, sát khuẩn thường xuyên, hạn chế đi ra ngoài…
“Nhà tôi chỉ có em trai vẫn phải đến cơ quan, còn lại mọi người đều làm việc tại nhà, hạn chế ra ngoài. Vài ba ngày tôi mới đi chợ mua đồ dùng, thực phẩm thiết yếu một lần hoặc người nhà gửi đồ dưới quê lên để dự trữ ăn dần.
Ngày nào cũng có ca bệnh mới nên tôi không hiểu sao nhiều người vẫn thờ ơ với dịch bệnh quá. Mùng 1 đầu tháng nhìn cảnh xếp hàng khấn vái ở phủ Tây Hồ mà tôi cảm thấy lo sợ.
Mình phải ý thức giữ gìn cho bản thân, cho gia đình, sau đó là xã hội. Có thể, Việt Nam chưa có ca bệnh nào tử vong nhưng đó là do chúng ta làm tốt công tác cách ly, khoanh vùng, tránh tụ tập đông người, chứ không thể chủ quan”, chị Hà cho biết.
Đúng như dòng thông tin đang được nhiều bạn trẻ chia sẻ trên mạng xã hội: "Dù việc cách ly có chán đến mấy thì chán còn hơn chết. Xin hãy lắng nghe lời khuyên từ cơ quan chức năng. Ở nhà, chơi ô chữ, xếp logo, nấu ăn hay dọn tủ quần áo, cái gì cũng được nhưng hãy hạn chế giao tiếp xã hội. Đó là hành động mà bất kỳ ai cũng nên thực hiện để nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh".