Người bố sẽ phải đối mặt với hình phạt gì khi cầm đũa đâm con trai tử vong?
Chiều 23/2, Công an TP Hải Phòng đã có thông tin sơ bộ liên quan đến vụ án nam sinh lớp 9 tử vong sau khi mâu thuẫn với bố đẻ.
Cảnh sát đang điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc bố dùng đũa đâm con trai tử vong |
Theo đó vào hồi 19h40 ngày 22/3, tại số nhà 14/389 phường Lê Lợi, quận Ngô Quyền, Hải Phòng xảy ra vụ việc Nguyễn Hùng Cường (SN 1982) trong lúc tức giận đã dùng đũa chọc vào ngực con là N.H.A.K (SN 2006, học sinh lớp 9) do cháu bỏ kỳ thi giữa kỳ.
Sau đó, cháu K được gia đình đưa đến Bệnh viện Việt Tiệp, Hải Phòng cấp cứu. Tuy nhiên, đến khoảng 7h20 ngày 23/3/2021, thì nạn nhân bị tử vong. Khoảng 11 giờ cùng ngày, Nguyễn Hùng Cường đến Công an quận Ngô Quyền đầu thú.
Hiện Công an quận Ngô Quyền đang hoàn thiện hồ sơ xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về vụ việc trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Vụ việc xảy ra rất đau xót trong quan hệ gia đình khi người cha dạy dỗ con đã thiếu kiềm chế, sử dụng vũ lực quá mức cần cần thiết gây ra cái chết oan ức cho con.
Pháp luật đã nghiêm cấm công dân sử dụng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn, dù là quan hệ nuôi dưỡng dạy dỗ giữa các thành viên trong gia đình. Nếu gây hậu quả thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe thì sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng theo quy định của pháp luật. Bởi lẽ, tính mạng, sức khỏe con người là khách thể cao nhất được pháp luật bảo vệ. Mọi hành vi tước đoạt tính mạng người khác trái pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm.
Theo thông tin ban đầu, do cháu N.H.A.K (SN 2006, học sinh lớp 9) bỏ kỳ thi giữa kỳ nên giữa 2 bố con xảy ra tranh cãi. Do thiếu kiềm chế trước thái độ của con trai, người bố bột phát lấy chiếc đũa ăn đâm trúng ngực con tử vong.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm phân tích vụ việc bố cầm đũa đâm con trai tử vong |
Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP đã xác định phương tiện nguy hiểm là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được. Nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khỏe của người bị tấn công.
Như vậy, pháp luật buộc công dân phải nhận thức khi sử dụng đũa là phương tiện nguy hiểm đâm vào ngực là vùng trọng yếu trên cơ thể sẽ nguy hiểm đến tính mạng người khác. Thực tế, cháu bé đã bị tử vong do vết thương quá nặng, dù đã được các bác sĩ hết lòng cứu chữa.
Xét hành vi của người bố do thiếu kiềm chế trong việc dạy dỗ con, sử dụng đũa ăn đâm trúng ngực con tử vong khi con chưa đủ 16 tuổi đã cấu thành tội giết người. Tội danh và hình phạt được quy định tại điểm b, Khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự.
Vụ án là bài học cảnh báo cha mẹ trong việc dạy dỗ con bằng vũ lực quá mức cần thiết sẽ dẫn tới những hậu quả tiêu cực, không những ảnh hưởng đến tâm lý trẻ em mà còn gây ảnh hướng đến cả tính mạng, sức khỏe của các con.
Điều 123. Tội giết người1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Giết 2 người trở lên; b) Giết người dưới 16 tuổi; c) Giết phụ nữ mà biết là có thai; d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ; k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp; l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; m) Thuê giết người hoặc giết người thuê; n) Có tính chất côn đồ; o) Có tổ chức; p) Tái phạm nguy hiểm; q) Vì động cơ đê hèn. 2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. 3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. 4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm |