“Ngôi nhà” báo Tuổi trẻ Thủ đô trong trái tim chúng tôi
“Cái nôi” nuôi dưỡng ước mơ làm nghề
Chị Lê Thị Nhung, nguyên phóng viên chuyên trách mảng Thời sự - Pháp luật, Ban Thời sự - Bạn đọc, báo Tuổi trẻ Thủ đô chia sẻ: “Cuối năm 2005, khi báo Tuổi trẻ Thủ đô chuẩn bị ra mắt bộ mới, tôi cùng một nhóm phóng viên trẻ về tòa soạn làm việc.
Đi sớm về khuya là chuyện “cơm bữa” với chúng tôi. Tôi không ngại dấn thân vào các “điểm nóng”, sẵn sàng cùng đồng nghiệp thâm nhập vào “đường dây” lừa đảo để tìm kiếm sự thật hay lặn lội đến các trại giam của Bộ Công an để thu thập tư liệu viết nên những bài báo tâm huyết gửi đến độc giả.
Trong những ký ức đó, tôi nhớ mãi câu chuyện, tôi cùng đồng nghiệp đã “bỏ nhà” đi nửa tháng trời để xâm nhập vào đường dây lấy chồng Hàn Quốc ở Thủy Nguyên, Hải Phòng. Chúng tôi ăn, ở cùng với cô gái thôn quê ở trong ngôi nhà lụp xụp do các “ma ma” sắp xếp để đợi chàng rể nước ngoài đến “chọn mặt”…
Sau 2 tuần dấn thân tác nghiệp, một loạt 10 bài báo đã được đăng được bạn đọc tìm mua khắp các sạp báo. Sau đó, lực lượng chức năng đã vào cuộc điều tra đường dây trái phép này…
![]() |
Chị Lê Thị Nhung, nguyên phóng viên chuyên trách mảng Thời sự - Pháp luật, Ban Thời sự - Bạn đọc, báo Tuổi trẻ Thủ đô |
Không chỉ làm báo, ngày ấy công nghệ chưa phát triển mạnh mẽ như bây giờ, việc phát hành báo vẫn mang đậm dấu ấn thủ công. Ngay khi báo vừa in xong và chuyển về tòa soạn, chúng tôi - từ phóng viên, biên tập viên trẻ đến các anh chị trong phòng phát hành - đều trực tiếp mang báo đến từng khu nhà, ngõ phố và cả bến xe… để giới thiệu với độc giả, mong muốn tờ báo đến được với nhiều người nhất có thể.
Dưới sự chỉ dẫn tận tình của Thư ký Tòa soạn Phương Quảng, chúng tôi không chỉ “đầu tư” từng bài viết của mình mà còn cùng nhau rà soát, chỉnh sửa bài của đồng nghiệp trước khi báo được đưa vào nhà in. Những buổi ngồi lại “nhặt sạn” đến đêm khuya ấy đã giúp tôi trau dồi kĩ năng, tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm quý giá.
Sau gần 10 năm gắn bó với báo Tuổi trẻ Thủ đô, tôi đã đi qua nhiều vùng đất, gặp gỡ nhiều con người, chứng kiến muôn mặt cuộc sống. Hơn hết, tôi luôn trân quý những năm tháng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết ấy - những ngày dám dấn thân dám công hiến và sống hết mình với nghề.
Mặc dù đã rời xa “ngôi nhà” Tuổi trẻ Thủ đô được gần chục năm nay, song chưa khi nào tôi ngừng theo dõi tờ báo. Tôi vẫn giữ thói quen hàng ngày là buổi sáng vào Tuổi trẻ Thủ đô để cập nhật tin tức, sau đó sẽ gửi những bài viết hay, những bài viết chứa đựng nhiều thông tin tới bạn bè, người thân và gia đình của tôi. Thú thực, nhiều khi tôi thấy nhớ nghề da diết, nhớ anh chị em đồng nghiệp tại báo. Chính vì vậy, tôi luôn cố gắng sắp xếp, cân bằng giữa công việc và gia đình để mỗi năm “bay ra” Hà Nội hội ngộ với các đồng nghiệp của tôi tại báo một vài lần”.
![]() |
Chị Lê Thị Nhung cùng phóng viên Ban Thời sự - Bạn đọc tại báo Tuổi trẻ Thủ đô năm 2012 |
Gửi gắm vài lời tâm sự tới các phóng viên trẻ đang công tác tại báo Tuổi trẻ Thủ đô, chị Lê Thị Nhung bày tỏ: “Nghề báo là nghề đặc thù không chỉ có hào quang mà hơn hết còn rất nguy hiểm và đầy cám dỗ. Để theo đuổi được ước mơ làm nghề báo, nhiều phóng viên, nhà báo đã không ngại khó khăn, gian khổ, xông pha trong mỗi lần tác nghiệp, sản xuất ra nhiều tác phẩm báo chí đầy tâm huyết, trở thành những cây bút quen thuộc của độc giả.
Do đó, các phóng viên trẻ của báo luôn phải giữ vững bản lĩnh, không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng để cho “ra lò” những tác phẩm xuất sắc, được công chúng, độc giả đón nhận. Điều đó cũng chứng minh năng lực và trình độ của mỗi phóng viên trong quá trình làm nghề”.
Cơ hội quen nhiều người có tâm và có tầm
Có khoảng thời gian gần chục năm làm phóng viên chuyên trách mảng Y tế, chị Nguyễn Thị Hồng, nguyên phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô từng nói với chúng tôi rằng: “Nhờ làm báo mà tôi yên tâm hơn. Vì từ nay mỗi khi tôi hay người thân trong gia đình không may bị ốm đau thì có thể gọi ngay các bác sĩ để nhờ thăm khám cũng như tư vấn sức khỏe.
Bắt đầu làm việc tại báo Tuổi trẻ Thủ đô từ khi mới chập chững ra trường, tôi được các anh chị em đồng nghiệp tại báo rất quan tâm và luôn định hướng nội dung để tôi có thể làm tốt công việc của mình. Tôi vẫn nhớ như in, ngày đầu tiên tôi bước chân về báo, tôi được Ban Biên tập trực tiếp phỏng vấn và trò chuyện.
![]() |
Chị Nguyễn Thị Hồng, nguyên phóng viên chyên trách mảnh Y tế, báo Tuổi trẻ Thủ đô |
Sau khi tôi được nhận về tập sự tại báo, đích thân đồng chí Tổng Biên tập thời kỳ đó đã hỏi tôi rằng: Hiện báo đang còn trống ba mảng chưa có phóng viên theo dõi chuyên trách, một là mảng y tế, hai là mảng thời sự và ba là mảng pháp luật, cháu muốn thử sức ở lĩnh vực nào?
Khi đó tôi chưa hề biết chút gì về chuyên môn, tôi cũng chưa kịp tìm hiểu gì về những mảng nội dung mà đồng chí Tổng Biên tập đề xuất nên tôi đã mạnh dạn nhờ tư vấn, chỉ định. Sau khi nghe đồng chí Tổng Biên tập phân tích, tôi quyết định xin theo dõi mảng Y tế. Cũng chính nhờ sự lựa chọn đó, tôi đã có cơ hội gặp gỡ và quen biết với nhiều bác sĩ giỏi, có tâm, có tầm, đang công tác tại các bệnh viện tuyến Trung ương cũng như bệnh viện của Hà Nội.
Nhiều người đã hỏi tôi: "Sao lại chọn nghề báo?” hay “Nghề báo vất vả lắm, sao không chọn nghề nào khác cho bớt vất vả hơn?”... Tôi hiểu chọn nghề vất vả này phải chịu nhiều áp lực vì thời gian của nghề báo không tính theo giờ hành chính, cứ có việc hay sự kiện gì, dù sớm hay muộn là phóng viên phải có mặt để lấy thông tin. Có thể nói, nghề báo thường xuyên không có ngày nghỉ, nhất là những dịp lễ, Tết lại càng thêm vất vả hơn. Nhiều khi thứ Bảy, Chủ nhật cũng phải đi làm nên niềm mong mỏi ngày cuối tuần được ở nhà với chồng con đành gác lại.
Nghề báo vất vả, với phụ nữ, làm báo còn vất vả hơn và có cả những hiểm nguy nhưng không khiến tôi chùn bước. Càng đi nhiều, viết nhiều tôi càng thêm yêu nghề. Tôi nhận ra ý nghĩa sau mỗi bài báo mình viết là sự ghi nhận của anh em các đơn vị, là sự trưởng thành trong ngòi bút theo năm tháng.
Nhiều lúc tưởng chừng nản chí nhưng đằng sau tôi còn có cả một tập thể, nơi ấy với tôi như một gia đình, có những người lãnh đạo thấu hiểu, động viên, có những đồng nghiệp thân tình chia sẻ. Hơn cả là lý tưởng dùng ngòi bút để làm lan tỏa những tấm gương người tốt, việc tốt, những hành động mang tính nhân văn trong cộng đồng, để hoa thơm ngày càng nở rộ đã khiến cho ngọn lửa yêu nghề trong tôi luôn cháy mãi.
![]() |
Phóng viên trẻ của báo Tuổi trẻ Thủ đô chụp ảnh kỷ niệm trong chuyến thiện nguyện năm 2014 |
Với tôi, những điều mình học được từ nghề chưa bao giờ là đủ, những buồn vui với nghề không bao giờ tôi quên. Công việc nhiều khi có những va vấp, khó khăn nhưng cũng có nhiều điều thú vị giúp tôi trưởng thành hơn. Với nhà báo nữ, nhiều khi “nước mắt phải lặn vào trong”, phải thực sự tâm huyết với nghề để bước qua tất cả những rào cản, đưa hơi thở cuộc sống vào những trang viết để hoàn thành trách nhiệm với xã hội, đóng góp quan trọng vào sự phát triển không ngừng của báo chí cách mạng Việt Nam. Tôi tâm đắc với con đường mình đã chọn, luôn rèn luyện “bút sắc, lòng trong, tâm sáng”, xứng đáng với niềm vinh quang, tự hào của nghề báo và người làm báo.
Nhân kỷ niệm 40 năm báo Tuổi trẻ Thủ đô xuất bản số báo đầu tiên, tôi xin gửi lời chúc mừng tới tập thể Ban Biên tập, các đồng chí cán bộ, phóng viên và nhân viên của báo, chúc tất cả luôn mạnh khỏe, tràn đầy năng lượng, nhiệt huyết với nghề để phụng sự công chúng bạn đọc. Tôi sẽ luôn yêu và nhớ về Tuổi trẻ Thủ đô, bởi đây chính là “ngôi nhà” thứ hai của tôi”.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Diễu hành xe hoa biểu dương thành tựu xây dựng và phát triển

Quảng Ngãi đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát

Xây dựng "văn hoá mới" trong hỗ trợ người dân và doanh nghiệp

Chuyên gia hiến kế để Đà Nẵng tiếp tục bứt phá tăng trưởng

Phụ nữ Thủ đô trao đổi kinh nghiệm tại miền Tây Nam Bộ

Phân cấp mạnh mẽ cho địa phương khi điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia

Phát động cuộc thi viết về công nhân lao động hành động đẹp

Số người tham gia BHYT tăng, chất lượng dịch vụ y tế được cải thiện

Biểu dương điển hình "Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”
