Ngân hàng Thế giới phê duyệt 84,4 triệu USD hỗ trợ Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu
Khoản vay 84,4 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới tập trung vào các nội dung thúc đẩy giao thông và năng lượng sạch (Ảnh minh họa)
Bài liên quan
Đồng chí Lê Đức Thọ tái nhiệm Bí thư Đảng ủy Ngân hàng Công thương Việt Nam
Các quốc gia cùng chung tay hành động vì môi trường tự nhiên
Lượng khí thải nhà kính toàn cầu năm nay có thể giảm tới 7%
Khoản vay Hỗ trợ ngân sách thực hiện chính sách về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh có mục tiêu giúp củng cố và mở rộng những kết quả đạt được trong chương trình Hỗ trợ Ứng phó biến đổi khí hậu 2016 - 2020 (SP-RCC).
Khoản vay này hỗ trợ các chính sách tăng cường bảo vệ tài nguyên nước, thực hành tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh giảm phát thải từ các phương tiện giao thông và phát triển năng lượng tái tạo.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cho biết, khoản vay mới tập trung vào những lĩnh vực có khả năng tạo ra những thay đổi có tính đột phá để giải quyết các thách thức về biến đổi khí hậu.
Khoản vay này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Ngân hàng Thế giới hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tiếp tục những thành công của Chương trình Ứng phó biến đổi khí hậu, đồng thời là cầu nối để chuyển sang giai đoạn mới với các chương trình biến đổi khí hậu sau năm 2020.
Khoản vay 84,4 triệu USD sẽ hỗ trợ các biện pháp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu của Chính phủ thông qua nâng cao công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên và quản lý hiệu quả đầu tư công cho ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các nội dung hỗ trợ bao gồm các chính sách giúp tăng cường công tác quy hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu (đặc biệt trong quy hoạch rừng và quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long), xây dựng ngân sách cho ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng cường bảo vệ và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước.
Khoản vay cũng sẽ tập trung vào các nội dung thúc đẩy giao thông và năng lượng sạch nhằm giảm phát thải khí nhà kính và ô nhiễm không khí.
Các nội dung hỗ trợ bao gồm các quy định nghiêm ngặt hơn về tiêu chuẩn khí thải của phương tiện giao thông, thực hiện chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các cơ chế khuyến khích phát triển điện gió quốc gia.
Việt Nam đã xây dựng Chương trình Ứng phó biến đổi khí hậu làm tiền đề cho việc thực hiện các cam kết quốc gia về biến đổi khí hậu theo Thỏa thuận Paris - đóng góp quốc gia tự quyết định được xây dựng năm 2016 và triển khai từ năm 2020. Những cam kết này bao gồm mục tiêu cắt giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính trong giai đoạn 2020 - 2030 hoặc 25% trong điều kiện có hỗ trợ quốc tế và các mục tiêu về thích ứng với biến đổi khí hậu trong đó yêu cầu lồng ghép ứng phó biến đổi khí hậu vào 90% kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội dài hạn.
Khoản vay 84,4 triệu USD cũng hỗ trợ Việt Nam đối phó với đại dịch Covid-19 thông qua hỗ trợ ngân sách từ nguồn vốn vay ưu đãi và các chính sách giúp đối phó với đại dịch. Các chính sách nâng cao hiệu quả quản lý rừng sẽ góp phần giảm nguy cơ bùng phát các dịch bệnh mới liên quan đến động vật, trong khi tăng cường đầu tư cho quản lý tài nguyên thiên nhiên thích ứng khí hậu sẽ bổ trợ cho gói kích cầu kinh tế hỗ trợ thu nhập cho khu vực nông thôn và nâng cao khả năng chống chịu của cộng đồng.
Khoản vay do Tổ chức Phát triển Quốc tế cung cấp thông qua tái cam kết vốn IDA kết dư từ tháng 7 năm 2019 từ các dự án do Ngân hàng thế giới hỗ trợ tại Việt Nam.