Cần sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa gia đình và nhà trường
Vì một thế hệ Việt Nam an toàn khi tham gia giao thông Kích hoạt "báo động đỏ" cấp cứu thanh niên tai nạn nguy kịch Mạnh tay xử lý nồng độ cồn dịp cuối năm |
Xử phạt cả học sinh và phụ huynh
Ghi nhận của phóng viên, vào giờ tan học buổi trưa, trước cổng trường THCS Việt Nam – Angiêri, có đến hàng chục học sinh không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông.
Nhiều học sinh THCS Việt Nam – Angiêri không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông |
Trước đó, cũng trên địa bàn quận Thanh Xuân, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông, trật tự Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh về việc nhóm 10 học sinh sử dụng 5 xe mô tô chở nhau để trả đạo cụ văn nghệ.
Ngay trong ngày sự việc diễn ra, Đội CSGT đường bộ số 7 đã mời 10 em học sinh, cùng phụ huynh đến trụ sở đơn vị để làm việc. Căn cứ vào tài liệu xác minh, CSGT lập biên bản vi phạm hành chính với 10 em học sinh do có các hành vi vi phạm: Không đội mũ bảo hiểm, chở người ngồi trên xe không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe không có gương chiếu hậu, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên... Lực lượng chức năng đã tạm giữ 5 phương tiện liên quan để xử lý.
CSGT cũng tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính với các chủ phương tiện liên quan do có hành vi "giao xe cho người không đủ điều kiện theo quy định điều khiển xe tham gia giao thông".
Lực lượng chức năng làm việc với nhà trường và phụ huynh về việc 10 học sinh vi phạm giao thông tại quận Thanh Xuân, Hà Nội |
Tại buổi làm việc, ông Phan Như Hùng - Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng cho biết, từ đầu năm học, nhà trường đã tuyên truyền và yêu cầu phụ huynh, học sinh ký cam kết không vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên, khi ở nhà trường thì các em chấp hành nghiêm túc nhưng ra khỏi cổng trường các em lại vi phạm.
"Đây là bài học của các em học sinh vi phạm nói riêng và toàn học sinh của Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng. Tôi cho rằng, cơ quan chức năng và nhà trường có nỗ lực tuyên truyền, ngăn chặn đến đâu cũng không bằng chính các phụ huynh quản lý con em mình. Đồng thời, nhà trường đề nghị cơ quan công an xử lý nghiêm các trường hợp học sinh vi phạm", ông Phan Như Hùng nhấn mạnh.
Trung tá Trần Thanh Sơn, Phó Đội trưởng Đội CSGT - Trật tự Công an quận Thanh Xuân thông tin, thời gian qua, Công an quận Thanh Xuân đã xử lý nghiêm các trường hợp học sinh vi phạm luật giao thông trên địa bàn. Đơn vị cũng đang tiếp tục xác minh để gửi thông báo về nhà trường đối với học sinh vi phạm. Đồng thời, gửi thông báo về cơ quan, Chi bộ nơi bố, mẹ học sinh sinh hoạt Đảng để có biện pháp nhắc nhở.
Theo Trung tá Nguyễn Đức Thắng, Đội trưởng Đội CSGT đường bộ 7, ngoài việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, trong ngày, đơn vị đã phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông, trật tự Công an quận Thanh Xuân, kiểm tra, xử lý bãi trông giữ xe máy cho học sinh tại khu vực xung quanh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng và yêu cầu cam kết không trông giữ xe cho các cháu học sinh.
Cần sự đồng hành của phụ huynh
Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TP Hà Nội cho biết, trong tháng 11/2024 (từ ngày 15/10 đến 14/11/2024), quá trình thực hiện kế hoạch cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) cho lứa tuổi học sinh, cơ quan chức năng xử lý trên 4.300 trường hợp vi phạm, phạt tiền khoảng 2,1 tỷ đồng và tạm giữ 2.210 phương tiện. Trong đó, chưa đủ tuổi điều khiển mô tô, xe máy là 749 học sinh, 31 tài xế vượt đèn đỏ và hơn 3.900 học sinh vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm.
Ngay cả phụ huynh khi đưa đón con đi học cũng không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông |
Đáng chú ý, trong một tháng qua lực lượng CSGT, cảnh sát trật tự, cảnh sát cơ động xử lý 242 chủ xe và người liên quan vì có hành vi giao xe hoặc để người không đủ điều kiện điều khiển.
Từ đầu năm học mới đến nay, lực lượng Cảnh sát giao thông Thủ đô đã xử lý hàng nghìn trường hợp học sinh vi phạm, kết hợp tuyên truyền và gửi danh sách về nhà trường. Song, điều đáng nói, vẫn có nhiều phụ huynh chưa đồng hành trong việc giám sát, quản lý con em. Có phụ huynh dễ dãi, hời hợt trong việc giao phương tiện cho con em sử dụng.
Một bộ phận phụ huynh xem nhẹ quy định luật giao thông; nhiều học sinh thiếu ý thức chấp hành; trong khi đó, nhà trường cũng ít quan tâm, quản lý để học sinh vi phạm giao thông vô tư ra vào trường học. Nếu trách nhiệm chỉ dồn lên vai lực lượng cảnh sát giao thông, rất khó để ngăn ngừa, hạn chế triệt để vi phạm.
Vì thế, việc phối hợp giữa gia đình và nhà trường là một trong những điều kiện tiên quyết, quan trọng, quyết định để ngăn chặn hiệu quả đối với tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về giao thông.